Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:58 (GMT +7)
Căn cứ xác định, phân loại đất nông nghiệp
Thứ 7, 09/11/2024 | 07:39:36 [GMT +7] A A
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 116 Luật Đất đai 2024, trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển từ đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong thửa đất có đất ở, đất phi nông nghiệp sang đất ở thì chỉ căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch phân khu.
Bà Phạm Thị Hương (Đồng Nai) hỏi, đất nông nghiệp trong khu dân cư có phải là đất nông nghiệp trong điểm dân cư, quy hoạch điểm dân cư quy định trong quy hoạch xây dựng không? Trường hợp thửa đất phù hợp quy hoạch sử dụng đất nhưng không phù hợp với quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu thì chỉ căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất để xem xét thì có đúng quy định không?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Khoản 42 Điều 3 Luật Đất đai quy định: "Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới mô tả trên hồ sơ địa chính hoặc được xác định trên thực địa".
Tại Điều 9 Luật Đất đai quy định:
"1. Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại bao gồm nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng.
2. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
b) Đất trồng cây lâu năm;
c) Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
d) Đất nuôi trồng thủy sản;
đ) Đất chăn nuôi tập trung;
e) Đất làm muối;
g) Đất nông nghiệp khác".
Điều 4 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định:
"1. Đất trồng cây hằng năm là đất trồng các loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá một năm, kể cả cây hằng năm được lưu gốc. Đất trồng cây hằng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác, cụ thể như sau:
a) Đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính. Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại, trong đó đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 02 vụ lúa trở lên;
b) Đất trồng cây hằng năm khác là đất trồng các cây hằng năm không phải là trồng lúa.
2. Đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được gieo trồng một lần, sinh trưởng trong nhiều năm và cho thu hoạch một hoặc nhiều lần.
3. Đất lâm nghiệp là loại đất sử dụng vào mục đích quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, được phân loại cụ thể như sau:
a) Đất rừng đặc dụng là đất mà trên đó có rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao để phát triển rừng đặc dụng;
b) Đất rừng phòng hộ là đất mà trên đó có rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao để phát triển rừng phòng hộ;
c) Đất rừng sản xuất là đất mà trên đó có rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao, cho thuê, chuyển mục đích để phát triển rừng sản xuất.
4. Đất nuôi trồng thủy sản là đất sử dụng chuyên vào mục đích nuôi, trồng thủy sản.
5. Đất chăn nuôi tập trung là đất xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung tại khu vực riêng biệt theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.
6. Đất làm muối là đất sử dụng vào mục đích sản xuất muối từ nước biển.
7. Đất nông nghiệp khác gồm:
a) Đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm, thực nghiệm;
b) Đất xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, chăn nuôi kể cả các hình thức trồng trọt, chăn nuôi không trực tiếp trên đất;
c) Đất xây dựng công trình gắn liền với khu sản xuất nông nghiệp gồm đất xây dựng nhà nghỉ, lán, trại để phục vụ cho người lao động; đất xây dựng công trình để bảo quản nông sản, chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ và các công trình phụ trợ khác".
Theo baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()