Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:15 (GMT +7)
Cần công khai, minh bạch, hiệu quả trong sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Thứ 4, 15/03/2023 | 15:05:21 [GMT +7] A A
Nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì đây là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, song đề nghị bổ sung quy định làm rõ tính chất hoạt động có thời hạn, Chính phủ chịu trách nhiệm công khai, hiệu quả, kịp thời trong quản lý, sử dụng Quỹ.
Sáng 15/3, tại Phiên họp thứ 21, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).
Chia sẻ trách nhiệm cho Chính phủ
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã được tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, chỉnh lý công phu, giải trình đầy đủ các ý kiến đại biểu nêu.
Về tiêu chí đối với hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá (khoản 1 Điều 17), bên cạnh các tiêu chí: là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; có tác động đến phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung cụm từ “biến động lớn” trong trường hợp giá có biến động tác động đến đời sống của người dân.
Liên quan đến thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá, Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, nhiều đại biểu và cơ quan thẩm tra đề nghị nên giữ như quy định của luật hiện hành, theo đó cần quy định rõ mặt hàng bình ổn giá trong Luật, trường hợp cần điều chỉnh, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc thay đổi danh mục này tác động lớn đến quyền và nghĩa vụ của công dân, của doanh nghiệp. Để có sự linh động hơn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quyền quyết định thay đổi danh mục vẫn là của Quốc hội, nhưng trong thời gian Quốc hội không họp, có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sửa đổi theo hướng này là nhằm chia sẻ trách nhiệm cho Chính phủ.
Cho ý kiến về Quỹ bình ổn giá (Điều 20), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu theo hướng rộng hơn gồm cả các biện pháp bình ổn giá, chứ không chỉ là quỹ bình ổn giá. Bởi trong thực tế việc bình ổn giá phải theo quy luật thị trường và quản lý, định hướng quản lý của Nhà nước để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhất là bảo vệ lợi ích của những người yếu thế. Trong thực tế cũng có những tình huống rất bất ngờ, rất đặc biệt, ví dụ như thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, tình trạng khẩn cấp, khi đó Nhà nước có thể đưa ra quyết định đặc biệt…
Duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng cần khắc phục khiếm khuyết, tồn tại
Về thẩm quyền thành lập Quỹ bình ổn giá, dự thảo Luật đang quy định 2 phương án: Chính phủ thành lập Quỹ bình ổn giá; Quốc hội thành lập Quỹ bình ổn giá, trong thời gian giữa 2 kỳ họp, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập.
Góp ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhất trí với phương án 1, giữ các quy định đang sẵn có tại luật hiện hành. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.
Cụ thể, Quỹ bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước được trích lập từ giá hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính hợp pháp khác và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá. Chính phủ quy định về việc lập, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ chiến lược thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, dự thảo Luật đang đề xuất đưa ra khỏi danh mục một số mặt hàng, dịch vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần có sự rà soát kỹ lưỡng, lấy ý kiến các bộ, ngành trực tiếp quản lý các mặt hàng này. Chẳng hạn, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc dự kiến bỏ quy định về Nhà nước định giá nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng, nhằm bảo đảm thống nhất với Luật Nhà ở cũng đang được sửa đổi, bổ sung, cũng như hiện đúng chính sách của Nhà nước đối với đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì đây là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.
Thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định làm rõ tính chất hoạt động có thời hạn, Chính phủ chịu trách nhiệm công khai, hiệu quả, kịp thời trong quản lý, sử dụng Quỹ.
Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, trong quản lý, điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ cần đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn lực, việc sử dụng Quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả thực tế trong điều hành, nhất là khi biến động, đồng thời có lộ trình để sớm đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.
Đánh giá về hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết tại phiên giải trình về vấn đề xăng dầu do ủy ban tổ chức vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng quỹ chưa bảo đảm đúng mục đích.
Về quan điểm cá nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng nên giữ lại quỹ này nhưng phải khắc phục những khiếm khuyết tồn tại của việc điều hành quỹ trong thời gian vừa qua, theo đó cần có đánh giá tác động riêng đối với quỹ này để bảo đảm quản lý, sử dụng công khai, minh bạch, hiệu quả.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()