Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:30 (GMT +7)
Cần có phương án xử lý các điểm trường dôi dư sau sáp nhập
Thứ 2, 29/05/2023 | 13:11:29 [GMT +7] A A
Ba Chẽ là một trong những huyện vùng cao của tỉnh với nhiều điểm trường lẻ, nằm rải rác tại các thôn, bản cách xa trung tâm. Từ năm 2013, huyện Ba Chẽ đã thực hiện việc dồn ghép đưa học sinh các điểm trường gần về học tại trường chính, dồn ghép các điểm trường lẻ ở xa trung tâm gần nhau theo chủ trương của ngành Giáo dục Quảng Ninh. Từ khi thực hiện việc sắp xếp lại trường lớp, chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh liên tục được nâng cao. Tuy nhiên, sau sáp nhập, một số tài sản dôi dư chưa có thời gian xử lý, dẫn đến tình trạng để hoang do không được sử dụng thường xuyên, đặt ra vấn đề cần tiếp tục tập trung giải quyết.
Với cách làm là ưu tiên các điểm trường có vị trí giao thông thuận lợi thì đưa học sinh về điểm trường chính học tập, nơi có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, môi trường giáo dục tốt nhất, huyện Ba Chẽ đã giảm 1 trường, 22 điểm trường và 52 lớp. Song việc xử lý 22 điểm trường dôi dư sau dồn ghép trên địa bàn huyện từ năm 2013 đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết. Nhiều thôn, khu đề xuất xin làm khu vui chơi, hay mở rộng khuôn viên nhà văn hoá liền kề. Hiện các điểm trường trên vẫn bị bỏ hoang do những vướng mắc về pháp lý.
Điểm trường Khe Pụt (thôn Khe Lò, xã Thanh Sơn) được đưa vào sử dụng từ năm 2012 với 2 dãy nhà cấp 4. Điểm trường này trước đây có hơn 20 học sinh theo học. Năm 2022, thực hiện việc dồn ghép toàn bộ số học sinh này chuyển sang học ở điểm trường chính học bán trú. Hiện tại, một dãy nhà được sơn sửa cho một đơn vị trồng rừng thuê làm văn phòng. Dãy nhà còn lại xuống cấp nghiêm trọng, trần nhà đã không còn, mái nhà dột, tường nứt mốc ẩm.
Ông Đoàn Văn Tằng, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Sơn, cho biết: Trên địa bàn xã Thanh Sơn còn 6 điểm trường dôi dư, do không hoạt động nên cơ sở vật chất cũng dần xuống cấp. Thời gian tới đề nghị tỉnh, huyện sớm quan tâm thực hiện việc chuyển đổi mục đích của các điểm trường này, có thể giao cho xã quản lý sử dụng thành các thiết chế văn hoá phục vụ nhân dân.
Không chỉ xã Thanh Sơn mà hầu hết các xã trên địa bàn huyện Ba Chẽ đều có các điểm trường dôi dư như vậy. Cách xã Thanh Sơn không xa, Điểm Trường Mầm non Khe Sâu (xã Nam Sơn) được đầu tư xây dựng khá khang trang, nhưng sau nhiều năm để không nay cũng rơi vào tình trạng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm và các hạng mục bắt đầu xuống cấp. Để xử lý những điểm trường dôi dư, ngày 2/6/2022 UBND huyện Ba Chẽ đã có văn bản gửi Sở Tài chính về việc đề xuất phương án sắp xếp, xử lý nhà đất tại các điểm trường dôi dư không còn nhu cầu sử dụng theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ, song chưa biết đến bao giờ mới được giải quyết.
Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ, cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn rà soát và thực hiện quy trình thanh lý các tài sản trên đất khi đủ quy định; những tài sản chưa được thanh lý chúng tôi tiếp tục duy trì bảo vệ. Cùng với đó, chúng tôi sẽ chuẩn bị các hồ sơ để sẵn sàng cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi có sự chỉ đạo tỉnh, huyện.
Phải khẳng định, với những nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến các địa phương và nhân dân, sự nghiệp giáo dục của tỉnh nói chung, của các địa phương nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực. Việc dồn ghép các điểm trường vừa qua đã tạo được sự phát triển trường lớp hợp lý hơn, phát huy được hiệu quả sau đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn điều kiện học tập của con em các dân tộc trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, sau khi thực hiện dồn ghép các điểm trường thì nhiều điểm bị bỏ hoang và đang dần xuống cấp mỗi ngày không chỉ gây mất mỹ quan mà còn gây lãng phí tài sản công. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của tỉnh cần sớm có biện pháp và cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi tái sử dụng các công trình này.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()