Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:21 (GMT +7)
Cần có cơ chế thu hút nhân lực trong lĩnh vực y tế
Thứ 3, 03/08/2021 | 06:41:03 [GMT +7] A A
Trước nhu cầu bảo vệ chăm sóc sức khỏe của người dân hiện nay đòi hỏi các cơ sở y tế không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ. Để làm được điều đó, một trong những giải pháp là đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc; tuy nhiên, công tác này hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Sở Y tế, hiện nay Sở đang quản lý 32 đơn vị, gồm: 2 chi cục quản lý nhà nước; 8 bệnh viện Đa khoa, chuyên khoa và 6 trung tâm lĩnh vực dự phòng tuyến tỉnh; 3 bệnh viện, 12 trung tâm y tế đa chức năng và 1 trung tâm dự phòng, dân số cấp huyện. Ngoài ra trên địa bàn còn có Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí trực thuộc UBND tỉnh; 177 trạm y tế tuyến xã trực thuộc UBND cấp huyện quản lý.
Trong những năm qua, các đơn vị y tế chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tính đến hết tháng 3/2021, số lượng bác sĩ trong toàn ngành Y tế tỉnh là 1.925 người, trong đó 681 bác sĩ có trình độ sau đại học. Hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho tuyến dưới đã được quan tâm thông qua Đề án 1816, Đề án Bệnh viện vệ tinh, hợp đồng chuyển giao, hỗ trợ toàn diện… Nhờ đó các bệnh viện đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới, chất lượng khám chữa bệnh trong tỉnh những năm gần đây đã từng bước nâng cao. Mạng lưới Y tế dự phòng Quảng Ninh luôn chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Mặc dù vậy, nguồn nhân lực của ngành còn đối mặt với nhiều thách thức và là rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của hệ thống Y tế Quảng Ninh. Khó khăn phổ biến hiện nay đối với hầu hết các cơ sở y tế trong toàn tỉnh là thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao và chuyên sâu. Thêm vào đó là sự phân bố bác sĩ không đồng đều theo lĩnh vực, theo tuyến, theo độ tuổi và năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Phần lớn các bác sĩ tập trung ở đơn vị y tế tuyến tỉnh (hơn 1.000 người) và cũng chỉ tập trung ở một số bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Sản Nhi.
Số bác sĩ được thu hút về tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 chủ yếu tập trung tại các đơn vị y tế tuyến tỉnh và đều là bác sĩ được đào tạo chính quy; trong khi các bác sĩ được bổ sung tại các cơ sở y tế thuộc vùng khó khăn (Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Cô Tô...) đều là bác sĩ cử tuyển hoặc đào tạo theo địa chỉ.
Sự thiếu hụt về số lượng bác sĩ cũng đang là vấn đề rất nan giải đối với các đơn vị thuộc lĩnh vực y tế dự phòng và chuyên khoa đặc thù như: Tâm thần, Lao..., trung tâm y tế huyện vùng khó khăn, trạm y tế xã.
Tại tuyến huyện, nhân lực Y tế dự phòng vừa thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, do việc sáp nhập thành Trung tâm Y tế đa chức năng trong bối cảnh các đơn vị thực hiện tự chủ nên hầu hết đều tập trung nhân lực cho công tác điều trị. Do biến động về nhân sự trong quá trình sáp nhập, tuyển dụng mới nên nhiều cán bộ chưa được đào tạo về công tác quản lý, giám sát, triển khai các chương trình y tế. Tỷ lệ cán bộ được đào tạo về chuyên ngành Y tế dự phòng còn thấp. Nhân lực Y tế dự phòng tuyến huyện thường xuyên bị quá tải trong bối cảnh phòng chống đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác do phải tham gia vào các hoạt động cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm.
Do nhân lực y tế có trình độ chuyên môn cao phân bố không đều nên năng lực chuyên môn kỹ thuật của các cơ sở khám, chữa bệnh thường rất chênh lệch giữa các tuyến. Người dân vùng sâu, vùng xa chưa được thụ hưởng tại chỗ dịch vụ y tế chất lượng, góp phần làm gia tăng tình trạng quá tải đối với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh. Trong khi đó, từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh có 143 bác sĩ nghỉ hưu, trong đó tới 40 bác sĩ tuyến xã; đây cũng là khó khăn về nhân lực cho tuyến y tế cơ sở thời gian tới.
Đặc biệt, tỷ lệ dược sĩ đại học của tỉnh mới đạt 2,5 dược sĩ/vạn dân, thấp hơn so mức trung bình của cả nước và chưa đáp ứng được nhu cầu trong thực tế, nhất là với nhân lực Dược chất lượng cao được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực mũi nhọn như: Dược lâm sàng, nghiên cứu sản phẩm, bào chế… Rất ít Dược sĩ đại học làm việc tại tuyến huyện, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý dược trên địa bàn.
Trong khi đó, chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân lực có trình độ cao của tỉnh đã không còn được thực hiện từ năm 2014. Hoạt động đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế đều do đơn vị phải chủ động thực hiện nên chưa mang lại hiệu quả như mong muốn bởi các đơn vị y tế đều thiếu nguồn tài chính để cử cán bộ đi đào tạo nhất là đào tạo chuyên sâu, sau đại học; các đơn vị y tế tuyến huyện không có nguồn nhân lực bác sĩ để cử đi đào tạo.
Để tháo gỡ được những khó khăn, bất cập này, trong thời gian tới tỉnh cần ban hành những cơ chế, chính sách đột phá trong đào tạo, tuyển dụng, thu hút và giữ chân nhân lực y tế có trình độ chuyên môn cao yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với các cơ sở y tế công lập nhất là trong lĩnh vực Dược, lĩnh vực Dự phòng, lĩnh vực chuyên khoa đặc thù và tuyến y tế cơ sở ở những vùng khó khăn; từ đó tiếp tục nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()