Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 10:27 (GMT +7)
Cần chính sách chuyên biệt, đặc thù sau bão
Thứ 6, 20/09/2024 | 09:16:55 [GMT +7] A A
Cơn bão số 3 cùng mưa hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Để sớm ổn định cuộc sống người dân, đặc biệt là khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế - xã hội, người dân và doanh nghiệp đang mong chờ những chính sách chuyên biệt, đặc thù sau bão để hỗ trợ phục hồi các ngành kinh tế bị ảnh hưởng bởi bão.
Theo thống kê, tổng hợp của các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão YAGI, đến ngày 15/9, bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập úng do hoàn lưu sau bão đã làm 348 người chết và mất tích; gần 232.000 ngôi nhà bị hư hỏng; hơn 190.000 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; gần 48.000 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; gần 32.000 ha cây ăn quả bị hư hại; 3.269 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 2,6 triệu con gia cầm, gia súc bị chết…
Đối với tỉnh Quảng Ninh, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra rất nặng nề, ước tính sơ bộ toàn tỉnh khoảng 24.200 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa số thiệt hại của toàn quốc. Trong đó, có 25 người chết, hơn 1.000 người bị thương; 70% cây xanh đô thị bị gãy, đổ; 165 tàu, phương tiện thủy bị chìm; hơn 102.800 nhà dân bị tốc mái, 251 nhà bị đổ sập, 4.942 nhà bị ngập; 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 7.500 ha lúa bị ngập; hơn 500.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 90.000 ha rừng bị thiệt hại…
Sau bão, nhiều gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị thiệt hại nặng nề, thậm chí mất trắng tài sản. Để bắt đầu lại từ đầu, xây dựng, sửa chữa lại nhà cửa, khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, người dân và doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương với những chính sách chuyên biệt, đặc thù và sớm được ban hành.
Thấu hiểu những khó khăn, thiệt hại do bão YAGI gây ra cho người dân, doanh nghiệp, tại Hội nghị lần thứ 55 tổ chức ngày 17/9, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất điều chỉnh, phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2024; điều chỉnh, bổ sung phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024. Trong đó, thực hiện cơ cấu lại nhiệm vụ chi triệt để, tiết kiệm chi thường xuyên để dành 1.000 tỷ đồng thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn chỉnh các báo cáo, tờ trình trình HĐND tỉnh trong Kỳ họp thứ 21 – kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh khóa XIV sẽ diễn vào ngày 23/9/2024. Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh thẩm tra kỹ lưỡng các nội dung trình, đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao. Đồng thời đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách.
Để sớm khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt, ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu nâng quy mô gói tín dụng với lâm, thủy sản lên khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng, để hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau bão. Từ nay đến cuối năm là thời điểm thu hoạch hàu và cá của ngư dân, nhưng cơn bão quét sạch thành quả lao động bao năm, đẩy nhiều gia đình vào cảnh trắng tay, nợ nần. Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng được giao nghiên cứu nâng quy mô gói tín dụng ưu đãi với lâm, thủy sản gấp đôi so với mức 30 nghìn tỷ đồng hiện nay.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế cũng vừa có công văn hướng dẫn miễn giảm, gia hạn tiền thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho người dân, doanh nghiệp sau bão lũ. Theo đó, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng thiên tai được gia hạn từ 1-2 năm tiền nộp thuế, tùy từng trường hợp ảnh hưởng của bão. Doanh nghiệp được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa dùng cho sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai cũng được giảm tối đa 30% số thuế tiêu thụ đặc biệt trong năm xảy ra thiệt hại. Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế địa phương hướng dẫn cá nhân, tổ chức doanh nghiệp thực hiện chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế.
Bão số 3 đã gây ra những thiệt hại vô cùng lớn đối với nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Những chính sách đặc thù, chuyên biệt, kịp thời chắc chắn sẽ giúp người dân, doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả của bão, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()