Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 06:27 (GMT +7)
Cần cảnh giác với những bệnh nhân Covid-19 có ít triệu chứng
Thứ 4, 26/05/2021 | 09:24:46 [GMT +7] A A
PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhận định người mắc Covid-19 ít triệu chứng nhưng diễn biến nhanh, nặng, gây khó khăn trong điều trị.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, trong đợt dịch này, biến chủng Ấn Độ khiến chúng ta ghi nhận một số ca tử vong. Điều đáng lo đó chính là các bệnh nhân trẻ tuổi nhưng diễn biến nặng rất nhanh.
Hơn 80% bệnh nhân ít có triệu chứng
Rút kinh nghiệm từ những ca bệnh này, ông Khuê cho hay ngành y tế đang xây dựng phần mềm nhằm phát hiện sớm người có nguy cơ cao, dễ diễn biến nặng.
“Chúng tôi đang chuẩn bị phần mềm theo tiêu chí cập nhật kinh nghiệm trong nước, thế giới, với khoảng 5-10 tiêu chí như nhịp thở, nồng độ oxy trong máu”, ông Khuê thông tin. Đây là những chỉ số lâm sàng mà thầy thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 phải cảnh giác khi nó thay đổi.
Phương án này được đưa ra sau khi Việt Nam ghi nhận nhiều trường hợp trẻ tuổi, không mắc các bệnh nền nhưng có diễn biến nặng trong thời gian ngắn. Đặc biệt, một bệnh nhân trẻ, không rõ bệnh nền, triệu chứng viêm phổi nhanh đã tử vong.
“Có thể một số người bệnh cảm thấy vẫn bình thường nhưng các chỉ số thay đổi ở mức đáng báo động. Ê-kíp điều trị phải chú ý và chuẩn bị sẵn oxy, máy thở, phương tiện cấp cứu hoặc chuyển bệnh nhân”, ông Khuê nói thêm.
Hiện tại, thống kê từ Tiểu ban Điều trị cho thấy khoảng 80% người mắc Covid-19 tại Việt Nam ít có triệu chứng. Cơ thể người mắc ít thấy có biến đổi, sốt không cao, cảm giác mệt mỏi chưa nhiều, viêm phổi chưa biểu hiện. Tuy nhiên, ông Khuê cho rằng chúng ta luôn phải cảnh giác ngay cả với những người ít triệu chứng. Những người này phải được đưa vào điều trị ở những nơi đảm bảo cách ly an toàn, theo dõi sát sao.
Khoảng 20% bệnh nhân Covid-19 trong đợt bùng phát này có thể diễn biến nặng. Trong đó, 10% dễ chuyển từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu. Còn lại, họ có nguy cơ cao chuyển sang nặng (5%) hoặc rất nặng (5%).
Đây đều là những trường hợp dễ tử vong mà ngành y tế phải chú ý, phản ứng nhanh. Đặc biệt, nhóm bệnh nhân này phải có tiêu chí cụ thể để thầy thuốc tại tất cả bệnh viện căn cứ vào đó xử lý, kết nối hội chẩn với các chuyên gia tuyến trung ương khi cần.
Ông Khuê nhận định các bệnh nhân nhẹ nhưng diễn biến nhanh là điều rất khó khăn với các thầy thuốc khi điều trị. Trong khi đó, tỷ lệ bệnh nhân nặng trong đợt dịch này gần như ít thay đổi so với đợt trước. Hầu hết ca tử vong đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền.
Ứng dụng AI để dự báo F1 có nguy cơ thành F0
Ông Lương Ngọc Khuê cho biết trên thực tế, chúng ta đã làm chủ được tình hình nhưng diễn biến có nhiều sự thay đổi, phải hết sức cảnh giác, tập trung các biện pháp để cố gắng giảm tối thiểu tỷ lệ tử vong. Trên thế giới, biến chủng Ấn Độ gây lây lan nhanh, thời gian ủ bệnh, lây truyền phức tạp, khó xét nghiệm phát hiện. Do đó việc quản lý cách ly rất quan trọng.
Theo GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nhận định trong phòng thí nghiệm, bình thường các chủng khác phải sau 3-4 ngày nuôi cấy mới mọc chân. Tuy nhiên, biến chủng mới có hiện tượng này sau 2 ngày. Về vấn đề lâm sàng, virus sẽ phát tán rất nhanh, khác với các chủng trước đây.
Do đó, sắp tới, ngành y tế đưa cảnh báo đỏ các bệnh nhân có nguy cơ cao qua phần mềm. Ngoài ra, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển ứng dụng sàng lọc F1, dự báo những trường hợp có nguy cơ cao chuyển thành F0.
Ông Khuê khẳng định nếu ứng dụng này triển khai được, đây sẽ là biện pháp giúp phát hiện sớm người mắc Covid-19 tại Việt Nam. “Từ những ứng dụng này, chúng tôi có thể hỗ trợ điều trị cho tất cả bệnh nhân Covid-19 tại tất cả bệnh viện trên cả nước”, ông Khuê nói. Vị chuyên gia đánh giá điều này rất cần thiết, đặc biệt là khi Việt Nam có thêm nhiều ổ dịch nóng, diễn biến mới.
Tại tỉnh Bắc Giang, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, số bệnh nhân nặng của địa phương này đang tăng lên, gây khó khăn cả về nhân lực, trang thiết bị y tế. Do đó, ông đề nghị Bộ Y tế lưu ý kiểm tra kho để bổ sung trang thiết bị cho Bắc Giang.
Về công tác xét nghiệm tại khu công nghiệp, Bắc Giang là bài học cho cả nước. Thứ trưởng yêu cầu cần có hướng dẫn sát về việc làm xét nghiệm test nhanh, rRT-PCR.
Ông Sơn đề nghị với khu công nghiệp, khu sản xuất, ngành y tế Bắc Giang phải xây dựng bộ mẫu an toàn, triển khai kiểm soát; biện pháp phòng ngừa khi trở lại sản xuất.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()