Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:37 (GMT +7)
Nhận diện những thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên không gian mạng
Thứ 5, 13/07/2023 | 13:47:42 [GMT +7] A A
Có thể nói, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thời gian qua đã trở thành tâm điểm trong những câu chuyện ở mọi nơi. Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin nhiều vụ việc, trong đó không ít trường hợp bị đối tượng xấu lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu trở thành nạn nhân là do bị thao túng tâm lý; công khai thông tin trên mạng xã hội; chủ quan với những cảnh báo an ninh, an toàn thông tin trên phương tiện truyền thông; mất cảnh giác, nhẹ dạ, cả tin; tâm lý hám lợi, thích làm việc nhẹ, lương cao; thiếu kiến thức pháp luật, công nghệ thông tin, truy cập đường link lạ...
Nhằm giúp người dân nắm rõ những chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo, nêu cao tinh thần cảnh giác, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với thượng tá Trần Văn Đức, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh).
Theo thượng tá Trần Văn Đức, với sự tinh vi trong việc thao túng tâm lý nạn nhân, các đối tượng xấu thường dùng 12 chiêu trò lừa đảo phổ biến hiện nay, nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. Đó là: Chủ động làm quen, yêu đương chiếm lòng tin - kết bạn hẹn hò (love scam); giả danh nhân viên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Tiki, Sendo, Lazada...) tuyển cộng tác viên làm việc online với lợi nhuận cao; quảng bá, đánh bóng tên tuổi, kêu gọi tham gia đầu tư tài chính, giao dịch vào hệ thống do đối tượng lừa đảo thiết lập; giả mạo website, các ứng dụng uy tín để lừa đảo người dùng truy cập, tự cung cấp thông tin cá nhân (lai lịch, căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, tài khoản đăng nhập cá nhân, mã OTP, mã xác thực) - tấn công giả mạo (phishing); sử dụng công nghệ Deepfake biến bức ảnh của người bất kỳ thành đoạn video trên phông nền, tạo người trong ảnh như đang nói, dùng video chiếu vào camera điện thoại để gọi cho người thân, bạn bè chuyển, vay tiền; sử dụng thông tin căn cước công dân lấy cắp được, đăng ký mã số thuế ảo, vay tiền qua app hoặc phục vụ hoạt động lừa đảo; đăng tin bán sản phẩm, yêu cầu người mua chuyển tiền đặt cọc, sau đó cắt liên lạc; mạo danh công ty, tập đoàn kinh doanh nhắn tin khuyến mại, trúng thưởng, dẫn dụ truy cập trang web giả mạo nhằm đánh cắp thông tin trong ngân hàng, yêu cầu nộp lệ phí; đăng tải bài viết về các hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi từ thiện; giả mạo giáo viên, bảo vệ nhà trường, nhân viên bệnh viện... gọi phụ huynh chuyển tiền nhập viện gấp cho con; đăng tin cho vay vốn qua app với thủ tục nhanh gọn, hướng dẫn thực hiện thủ tục qua app vay tiền, sau đó yêu cầu chuyển tiền chứng minh tài chính, nộp thuế; chuyển nhầm tiền vào tài khoản, sau đó giả danh người thu hồi nợ của công ty tài chính, yêu cầu trả lại số tiền như một khoản vay cùng với khoản lãi “cắt cổ”...
Thượng tá Trần Văn Đức cũng cho biết thêm, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) đã và đang chủ động tích cực phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh tiếp tục thu thập chứng cứ, quyết liệt đấu tranh với loại tội phạm này. Tuy nhiên, khuyến cáo người dân đặc biệt nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay chuyển tiền cho người lạ. Trường hợp không may trở thành nạn nhân, cần kịp thời thông tin, khai báo tới Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), địa chỉ: Cột 8, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, trên cơ sở đó, cơ quan công an có thêm chứng cứ thủ đoạn, tìm giải pháp đấu tranh với các loại tội phạm...
Thanh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()