Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:12 (GMT +7)
Cán bộ công tác xã hội tâm huyết
Thứ 2, 19/07/2021 | 10:05:42 [GMT +7] A A
Tròn 10 năm gắn bó với nghề, hiện đang đảm nhận cương vị Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh, nghiên cứu sinh, thạc sĩ Đỗ Anh Hòa (SN 1986) đã có nhiều nghiên cứu, đóng góp ý nghĩa trong lĩnh vực hoạt động CTXH tại địa phương. Không chỉ năng động, sáng tạo, tích cực nghiên cứu khoa học, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, Đỗ Anh Hòa còn hăng hái tham gia nhiều hoạt động, phong trào thi đua do Trung tâm và các cấp, ngành phát động, trở thành tấm gương sáng cho đồng nghiệp noi theo.
Luôn ý thức rất rõ về đặc thù nghề nghiệp của mình là trách nhiệm can thiệp, hỗ trợ, cung cấp dịch vụ CTXH chuyên nghiệp để trợ giúp những đối tượng yếu thế, hướng đến góp phần đảm bảo an sinh xã hội, vì vậy trong suốt những năm qua, Đỗ Anh Hòa chưa bao giờ thôi trăn trở, không ngừng nghiên cứu, đề xuất những sáng kiến, mô hình hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng công việc. Tiêu biểu như: Sáng kiến hình thành và triển khai tổng đài tư vấn miễn phí 18001769 để tiếp nhận thông tin, tư vấn, kết nối trợ giúp 24/24h cho các đối tượng có nhu cầu tại Trung tâm CTXH tỉnh; xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống văn phòng CTXH các cấp, gồm 17 văn phòng tại Móng Cái, Hạ Long, Tiên Yên và Quảng Yên.
Đặc biệt, với mong muốn cải thiện tình trạng của những trẻ em tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho các gia đình, anh Hòa đã dành nhiều tâm huyết, thời gian cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động của mô hình tâm lý trị liệu cho trẻ em thuộc đối tượng này. Anh đã đề xuất xây dựng và triển khai mô hình tâm lý trị liệu cho trẻ em rối nhiễu tâm trí, tự kỷ tại Trung tâm CTXH tỉnh; hình thành và triển khai hoạt động của mô hình CLB Gia đình trẻ tự kỷ; đề xuất và triển khai mô hình Sàng lọc, tư vấn, can thiệp, trị liệu tâm lý thường xuyên tại gia đình cho trẻ em rối nhiễu tâm trí, tự kỷ, người lớn bị trầm cảm...
Từ năm 2020 đến nay, anh Hòa cùng cán bộ, nhân viên Trung tâm đã trực tiếp sàng lọc, đánh giá, chẩn đoán cho 100 trẻ có biểu hiện tự kỷ rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm và cộng đồng. Đồng thời, thực hiện trị liệu tâm lý thường xuyên cho 80 trẻ tại Trung tâm và tại gia đình. Cùng với đó, việc duy trì hiệu quả CLB Gia đình trẻ tự kỷ đã thiết thực giúp các bậc phụ huynh có thêm kiến thức, phương pháp, cũng như giảm thiểu chi phí, thời gian, công sức trong việc chăm sóc trẻ và hỗ trợ, trị liệu cho trẻ tự kỷ một cách tốt nhất.
Xuất phát từ thực tế công tác, thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, thậm chí cùng ăn, cùng ở để tư vấn, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của đối tượng yếu thế, anh Hòa nhận thấy còn rất nhiều đối tượng cần được hỗ trợ, giúp đỡ, song chưa biết đến các kênh hỗ trợ phù hợp. Vì vậy, anh chủ động đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân về nghề CTXH, về vai trò, vị trí của Trung tâm trong việc cung cấp dịch vụ CTXH. Từ đó, giúp mọi người biết và trực tiếp tìm đến Trung tâm để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
"Thông qua những đề xuất, sáng kiến của mình và các đồng nghiệp, chúng tôi mong muốn góp một phần trách nhiệm vì cộng đồng, huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành để giúp đỡ những người yếu thế từng bước hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống. Đó cũng là động lực để đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm CTXH tỉnh luôn trau dồi, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, phát huy tinh thần, tâm huyết trong công việc, không ngừng khẳng định ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nghề CTXH" - Đỗ Anh Hòa chia sẻ.
Với những nỗ lực, cố gắng trong công tác, Đỗ Anh Hòa đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng, phát triển của Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh. Qua đó, góp phần đưa Trung tâm trở thành điểm sáng trong triển khai Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 trên cả nước và thật sự là “ngôi nhà chung” đầy yêu thương cho những mảnh đời yếu thế trong xã hội.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()