Khi thử đồ tại cửa hàng, vào phòng khách sạn..., người dùng nên kiểm tra kỹ vật dụng như đồng hồ, bóng đèn vì chúng có thể bị cài camera quay lén với kích cỡ nhỏ.
Những camera "tí hon" này có ống kính, cảm biến hình ảnh để quay video, đèn LED hồng ngoại để ghi hình vào ban đêm hoặc môi trường thiếu sáng. Khi đến nơi không quen thuộc, như phòng trọ, homestay, nhà vệ sinh công cộng, phòng thử đồ... người dùng nên dành thời gian xem kỹ vật dụng trong phòng để giảm thiểu nguy cơ bị ghi lại hình ảnh nhạy cảm.
Đồng hồ
Sáng 25/6, KOL Châu Bùi cho biết trên Facebook rằng cô là nạn nhân của quay lén sau khi phát hiện một chiếc đồng hồ đeo tay gắn camera trong phòng thử đồ. Đồng hồ là thiết bị phổ thông, ít được chú ý đến. Do yếu tố ít gây chú ý, nhiều sản phẩm đồng hồ gắn camera siêu nhỏ đang được bán tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử, từ vài trăm đến vài triệu đồng.
Ngoài ra, đồng hồ để bàn cũng là món đồ thường xuất hiện trong phòng ngủ. Nó có kiểu dáng không khác đồng hồ bình thường, với đầy đủ chức năng xem giờ, báo thức. Chúng được quảng cáo có camera giấu kín và khó phát hiện, thường được gắn bên trong các con số hoặc ở điểm giao nhau giữa hai kim.
Gương hai chiều
Giữa năm 2022, nữ streamer họ Li được người đàn ông họ Zhang tặng một chiếc gương. Người này nói gương có tính năng tạo hình ảnh cơ thể và khuôn mặt đẹp, nhưng phải cắm điện 24/24 để phòng cháy mạch. Một ngày, Zhang bảo cô khỏa thân trước gương để xem cơ thể thon gọn thế nào. Nghi ngờ, cô nhờ người kiểm tra. "Bên trong có bốn camera nhỏ xíu, độ nét cao và 5 thẻ nhớ 32 GB. Một trong những bản ghi thẻ nhớ có số 2019, có nghĩa tôi không phải nạn nhân đầu tiên của hắn", cô nói và cho biết đã báo cảnh sát.
Trước đó, năm 2019, một nam giáo viên ở New Zealand và là chủ homestay đã phải hầu tòa vì lắp gương hai chiều, cài camera kín phía trong để quay cảnh khách thuê nhà tắm gội.
Để kiểm tra, cách phổ biến nhất là đưa ngón tay sát mặt kính. Nếu có khoảng cách giữa hai đầu ngón tay, đó là loại gương bình thường. Ngược lại, nếu hai đầu ngón chạm vào nhau, đó gương hai chiều. Tuy nhiên, cách này không phải lúc nào cũng chính xác do còn tùy thuộc vào góc đặt gương, ánh sáng, đầu ngón tay có chạm vào đúng hình chiếu của nó hay không.
Bóng đèn
Năm 2019, cô gái họ Liễu ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) đang tắm bỗng nghe tiếng "kết nối thành công rồi nhé" ngay phía trên đầu. Khi quan sát kỹ, cô phát hiện điều bất thường từ bóng đèn LED chiếu sáng và báo công an. Khi bị triệu tập, ông chủ nhà họ Vương thừa nhận gắn camera siêu nhỏ vào trong đèn.
Trên thị trường hiện có hai loại bóng đèn chứa camera đang được bày bán công khai là đèn LED treo tường và đèn LED sử dụng cho đèn ngủ. Sản phẩm được quảng cáo sử dụng điện trực tiếp từ ổ cắm, người mua không cần sạc chúng. Camera quay lén ngụy trang dưới dạng bóng đèn cũng có đèn hồng ngoại, có thể ghi hình trong môi trường thiếu sáng. Một số loại có cả mic để thu âm.
Tuy nhiên, đa phần thiết bị này có hình dáng lạ, khác bóng đèn bình thường. Do đó, người dùng nên kiểm tra nếu thấy loại bóng "dị biệt" trong không gian của mình.
Modem Wi-Fi
Các bộ phát Wi-Fi chứa camera thường có màu đen để che giấu hoạt động. Theo quảng cáo, thiết bị ghi hình được đặt ở phần trước modem, có đèn hồng ngoại bên cạnh nhằm hỗ trợ khả năng quay ban đêm. Các modem này vẫn có chức năng như thiết bị phát Wi-Fi bình thường. Do đó, người dùng thường không để ý đến và có nguy cơ bị theo dõi.
Thiết bị báo khói
Một ngày vào tháng 11/2023, Dakota Williams, 23 tuổi, đang nằm trên giường trong căn hộ cho thuê ở Colorado (Mỹ) và nhận thấy điều gì đó đáng ngờ. "Tôi quan sát có hai thiết bị báo khói trong phòng. Tôi bỗng thấy bồn chồn, tim như thắt lại", cô kể trênInside Edition. Sau đó, cô phát hiện thiết bị được đặt trên trần hướng xuống giường hoàn toàn không phải máy báo khói mà là camera ẩn. Một thanh niên sau đó đã bị bắt và thừa nhận âm thầm cài thiết bị mà chủ nhà không hay biết.
Ý kiến ()