Tất cả chuyên mục

Những ngày Tháng Mười này, trên mọi miền quê Quảng Ninh đang rộn ràng không khí đón mừng kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập tỉnh nhà. Trong thời điểm ý nghĩa và giàu xúc cảm này, ai cũng muốn bày tỏ, chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc, những kỳ vọng lớn lao về tương lai phát triển của mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, huyền thoại mà cũng rất đỗi thơ mộng mà mình yêu thương, gắn bó. Có thể nói, từ các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, hay những người con đất mỏ xa quê, đến những người nông dân bình dị mà các PV được gặp, được trò chuyện bên thềm lễ kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh, ai cũng vẫn vẹn nguyên tình yêu với quê hương Quảng Ninh.
* Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Đàm: Vui vì Quảng Ninh đã bước sang trang mới
![]() |
Cụ Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Hành chính (nay là Ủy ban nhân dân) tỉnh năm nay đã bước qua tuổi 91. Nhưng quá trình nghe cụ kể chuyện, tôi vẫn cảm nhận được thật rõ sự tinh anh, minh mẫn của cụ, một cán bộ lão thành, lãnh đạo chủ chốt một thời của tỉnh. Không chỉ là những kỷ niệm trong quá khứ, những nhận xét của cụ về cuộc sống hôm nay cũng rất sắc sảo, không hề có sự “lẫn cẫn” như thường thấy ở người cao tuổi. Cụ chia sẻ:
Đó là những năm tháng không dễ gì mà quên được. Tôi về nhậm chức ở Quảng Ninh từ năm 1952, lúc đó còn chưa đến 30 tuổi. Tôi nhớ ngay cả sau khi được giải phóng thì tỉnh vẫn nghèo, dân vẫn đói lắm. Ngoài khai thác than ra, chúng ta gần như không phát triển thêm được gì. Hàng năm, Trung ương vẫn phải trợ cấp cho tỉnh một nguồn nhất định… Là người đã gắn bó với mảnh đất này từ những ngày đầu tiên ấy, đến nay tôi thật sự vui mừng vì Quảng Ninh đã bước sang một trang mới. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, biến động nhưng sau năm 1990, tỉnh ta bước vào thời kỳ có những thay đổi hết sức căn bản để tạo đà cho sự chuyển mình mạnh mẽ. Không chỉ có công nghiệp khai thác than, khoáng sản, chúng ta đã mạnh dạn hơn trong việc phát triển các ngành nghề khác như thương mại, dịch vụ hay du lịch. Đặc biệt, một vài năm trở lại đây, tôi thấy lĩnh vực công nghiệp và du lịch đang được tỉnh quan tâm đầu tư nên đã có khá nhiều thành tựu nổi bật. Ngày trước, trong phát triển kinh tế, ít ai đề cập đến việc thu hút đầu tư hay nguồn ngoại lực. Giờ thì tỉnh ta đã và đang là một trong những địa phương thu hút được nhiều nguồn lực, trong đó có những nguồn lực lớn từ bên ngoài. Qua đó, hỗ trợ đáng kể vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà. Kết cấu hạ tầng nói chung dần được nâng cấp, hoàn thiện. Điện đã về với từng bản làng, hải đảo. Gần đây nhất, tôi nghe tin đến Cô Tô cũng đã có dự án đưa điện lưới quốc gia ra đó. Tôi rất vui vì Quảng Ninh giờ là địa phương duy nhất của cả nước có tới 4 thành phố trực thuộc và luôn là một trong những địa phương nộp ngân sách cho Trung ương nhiều nhất. Thế hệ lãnh đạo như chúng tôi đã qua lâu rồi, nhường bước cho những lớp thế hệ đi sau. Họ có tư duy mới, cách làm mới phù hợp với xu thế thời đại. Tôi đặt sự kỳ vọng vào họ.
* Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hồng Cường: Tôi tự hào về thế hệ đi sau
![]() |
Thế hệ lãnh đạo chúng tôi tuy cách đây chưa xa, khi đó đất nước đã có nhiều đổi thay nhưng nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, cuộc sống của người dân cũng còn nhiều vất vả. Trước những năm 1990, kết cấu hạ tầng của tỉnh còn yếu và thiếu nghiêm trọng. Các tuyến đường giao thông huyết mạch như QL18A vừa nhỏ, vừa hẹp khiến cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Ngày ấy, muốn đi công tác miền Đông nhanh thì cũng phải mất gần một ngày. Đường hẹp, quanh co lại có nhiều cầu ngầm, cứ mỗi lần gặp lũ là không qua được, có khi phải ở lại dọc đường tới vài ngày vì lũ lớn. Khó khăn là thế nhưng cũng từ khó khăn mà các lớp lãnh đạo tỉnh đã đoàn kết nhất trí và đưa ra nhiều quyết sách đúng về phát triển đường giao thông, cảng biển, kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp… nhất là việc tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương trong đầu tư các công trình trọng điểm của tỉnh. Một lần trong chuyến tháp tùng Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đi khảo sát tại Móng Cái, nhưng tới Hải Hà lại gặp lũ không qua được đành phải “tá túc” tại Trung đoàn 43 chờ lũ rút rồi đi tiếp. Sau đó, tỉnh tranh thủ mời Phó Thủ tướng và các bộ trưởng đi thăm Yên Tử. Rồi đích thân Phó Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp các bộ trưởng, đồng ý chủ trương đầu tư nâng cấp QL18A, chỉnh trang phát triển Yên Tử. Đây chính là tiền đề quan trọng để tỉnh phát triển thương mại biên giới và xây dựng Thiền viện Yên Tử như ngày hôm nay…
Mỗi thời kỳ đều có những khó khăn, thuận lợi riêng nhưng tôi tự hào vì các thế hệ đi sau đã biết kế thừa và phát huy những thành quả của lớp người đi trước, để Quảng Ninh trở thành một tỉnh động lực trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ như ngày hôm nay. Rõ ràng, những khó khăn, thách thức cho sự phát triển của địa phương đặt ra ngày một nhiều hơn nhưng với những gì Quảng Ninh đã và đang thực hiện, tôi tin thế hệ sau sẽ làm được và làm tốt mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành cửa ngõ hợp tác kinh tế quốc tế, nhất là với Trung Quốc; là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các tỉnh phía Bắc và cả nước.
* Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Văn Hiền: Thắng lợi tự nó không thể đến
![]() |
“Thắng lợi - tự nó không thể đến” là cách nói của người Nga mà tôi rất tâm đắc. Điều này cũng giống như “Tiềm năng, lợi thế tự nó không thể biến thành lực lượng vật chất mà phải thông qua sự sáng tạo, lao động của con người”. Và thông qua sự lao động, sáng tạo ấy, Quảng Ninh từ một tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào ngành khai khoáng đã từng bước trở thành một tỉnh có các ngành kinh tế phát triển năng động từ công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, cảng biển đến kinh tế cửa khẩu…
Tôi nhớ đầu năm 1973, sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, lần đầu tiên đạp xe từ Hải Dương ra Nhà máy cơ khí Hòn Gai nhận công tác, Hòn Gai khi ấy gần như chỉ còn những đống đổ nát vì bị tàn phá bởi bom đạn. Nhà máy nơi tôi đến cũng vậy: Vắng tanh, đổ nát, mọi người đi sơ tán chưa về.
Từ một cán bộ kỹ thuật rồi trải qua nhiều cương vị công tác nhưng thời gian sống, làm việc và gắn bó với những người thợ cơ khí và thợ mỏ đã giúp tôi học hỏi được nhiều điều. Đó là sự đoàn kết, quan tâm, sẻ chia đối với mọi người, là đức tính kỷ luật, chính xác, tư duy logic và tính sáng tạo trong công việc. Có lẽ chính điều này đã giúp tôi tiếp cận nhanh với công việc ở các cương vị công tác sau này. Năm 1995, khi được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian đầu tôi cũng gặp khó khăn vì chưa trực tiếp làm quản lý nhà nước bao giờ, nhưng được rèn luyện trong môi trường công nhân nên tôi đã tiếp cận nhanh với công việc. Thực lòng mà nói, tôi cũng rất may mắn vì có một ê kíp làm việc rất tốt, các đồng chí phó chủ tịch đều đã có kinh nghiệm, năng lực, trách nhiệm với công việc và ủng hộ tôi. Giai đoạn đó vốn đầu tư rất ít, không thể trông chờ hết vào ngân sách nhà nước nên chúng tôi đều rất trăn trở làm thế nào để huy động được các nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Sau khi học hỏi và rút kinh nghiệm cách làm của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện 2 dự án đầu tiên theo cơ chế đổi đất lấy hạ tầng. Đó là dự án đô thị mới Nam Hùng Thắng và khu du lịch Tuần Châu. Điều này đã giúp tỉnh đạt được nhiều mục tiêu như mở rộng không gian đô thị, huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thúc đẩy dịch vụ, du lịch phát triển, tạo nên một sinh khí mới cho Quảng Ninh. Trước khi thực hiện dự án, Tuần Châu còn là hòn đảo gần như biệt lập với đất liền, thuộc diện nghèo. Tuần Châu giờ là một khu du lịch nổi tiếng. Đời sống của người dân trên đảo được nâng cao rõ rệt. Khu Nam Hùng Thắng trước đây chỉ là bãi sú vẹt, giờ đã là khu đô thị mới hiện đại hứa hẹn nhiều triển vọng phát triển. Sau đó, nhiều dự án khác như khu đô thị Vựng Đâng, Cột 5, Hà Khánh... cũng được tiến hành. Năm 1996, Chính phủ đồng ý cho Quảng Ninh thực hiện thí điểm thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và được áp dụng một số cơ chế ưu đãi. Quảng Ninh được giữ lại 50% số thu tại Móng Cái để đầu tư hạ tầng tại chỗ. Từ nguồn đầu tư trở lại này, một loạt công trình hạ tầng KT-XH được đầu tư xây dựng tạo tiền đề hình thành thành phố cửa khẩu Móng Cái với các tuyến phố, trụ sở khang trang, đẹp đẽ. Từ kinh nghiệm của Móng Cái, Chính phủ cũng đã đồng ý cho Quảng Ninh giữ lại 100% phí tham quan Vịnh Hạ Long trong 12 năm để đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long…
Tôi nghĩ rằng, trong quá trình phát triển của tỉnh Quảng Ninh thì doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thực sự đã là động lực phát triển. Đúng như một ai đó đã nói, họ như là những mái chèo của “con thuyền nền kinh tế”. Thế nhưng họ luôn luôn cần sự quan tâm của tỉnh. Niềm tin, sự động viên chia sẻ và những điều kiện thuận lợi tỉnh dành cho là động lực để các doanh nghiệp phát triển bền vững. Cuối năm 2004, tôi được Trung ương điều về làm Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tây. 30 năm gắn bó trọn vẹn với Quảng Ninh cùng biết bao kỷ niệm sâu sắc về con người và công việc, chứng kiến sự phát triển không ngừng của tỉnh, tôi vô cùng phấn khởi, tự hào và trong tôi Quảng Ninh luôn là quê hương thân thiết của mình.
* Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Quynh: Khó vạn lần dân liệu cũng xong
![]() |
Trên 30 năm gắn bó với Quảng Ninh, qua mỗi khó khăn lại cho tôi thêm một bài học quý. Trải qua nhiều cương vị công tác, nhưng những bài học đầu tiên khi tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tại Quảng Ninh vẫn luôn là những bài học quý giá đối với tôi.
Năm 1974, khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm, tôi được phân công ra Móng Cái giảng dạy tại Trường Thanh niên dân tộc nội trú. Sau 10 năm gắn bó với ngành Giáo dục, tôi được phân công sang làm công tác Đảng, là Bí thư Đảng uỷ xã Hải Đông. Thật sự khi ấy, nhiệm vụ khó khăn nhất đối với Bí thư xã là hoàn thành kế hoạch thu sản. Khi đó tôi đã đi tìm hiểu kỹ về những bất hợp lý trong cách thực hiện. Tôi thấy nhiều người không phải do cố tình chây ì mà là do cách thu chưa hợp lý, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho bà con. Tôi đã bàn với Chủ tịch UBND xã thuê lại bao đựng thóc của Kho lương thực huyện, thuê xe chở thóc cho bà con và thông báo kế hoạch thu tập trung tại sân Uỷ ban cho nhân dân biết. Xã cũng đề ra phần thưởng để khuyến khích các gia đình nộp đúng, nộp đủ sản lượng sẽ được thưởng 2m vải. Tới ngày thu, bà con hào hứng đi nộp sản, nhà nào chưa gặt xong thì vay nhà gặt trước để nộp đủ sản lượng. Vụ thu năm đó, xã Hải Đông hoàn thành xuất sắc kế hoạch được giao. Đúng là “Thóc thuế mà có dân đong, trăm công nghìn việc ngược dòng cũng xuôi”.
Bài học này đã theo tôi trong suốt quá trình công tác, trước mỗi khó khăn đều phải tìm rõ đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là chủ quan để có giải pháp tháo gỡ. Cuối năm 2002, tỉnh chủ trương xây dựng chợ Trung tâm Móng Cái hiện đại, nhưng nguồn vốn ngân sách không thể đáp ứng được. Khi đó, tôi với cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh ra Móng Cái bàn về công tác triển khai. Buổi tối hôm trước, tôi và mấy đồng chí ra ngồi uống trà ở quán vỉa hè gần cổng chợ. Khi nghe chúng tôi nói chuyện về xây dựng chợ thì có một cô ngồi gần đó hỏi rằng: Các chú định xây chợ thì có xây đúng như thiết kế đã công bố không và có đảm bảo đúng thời gian như vậy không? Khi nghe tôi khẳng định sẽ đúng như vậy, cô ấy nói nếu vậy thì những người kinh doanh như chúng cháu sẵn sàng nộp tiền mua lốt trước, không có tiền thì chúng cháu đi vay. Sau đó, Móng Cái đã lấy ý kiến và thông báo rộng rãi tới các tiểu thương về việc đăng ký lốt bán hàng tại chợ. Mặc dù 7 giờ mới làm việc nhưng các tiểu thương đã đến xếp hàng từ 2 giờ sáng, hạn nộp tiền trong 1 tháng thì dân nộp xong trong 1 tuần. Việc huy động sức dân trong đầu tư xây dựng Tuần Châu, Yên Tử cũng vậy… Vấn đề là làm thế nào để khơi dậy, phát huy sức dân, bởi sức dân không đơn thuần chỉ là nguồn lực vật chất mà còn là trí tuệ, là cách thức quản lý. Nhiều quốc gia, nhất là Singapore đã rất thành công khi biết huy động sức dân trong phát triển KT-XH. Đối với Quảng Ninh hiện nay cũng vậy, làm thế nào phát huy hết giá trị của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cả về giá trị vật chất và tinh thần để tạo nên đẳng cấp thế giới. Nếu chỉ bằng lòng và dừng ở đó thôi thì ta sẽ tụt hậu.
Bây giờ, ở cương vị mới, tôi được đi nhiều nơi và tiếp xúc nhiều người nhưng trong tôi luôn trọn vẹn tình cảm yêu thương và gắn bó với con người và vùng đất Quảng Ninh.
TS Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương: Quảng Ninh đi lên bằng văn hoá
![]() |
Tôi sinh ra và trưởng thành ở TP Hạ Long nhưng đã chuyển công tác về “nơi rồng bay” được gần 15 năm. Tuy vậy, mỗi lần về thăm quê tôi lại thấy sự đổi thay đến không ngờ. Câu hát “Một ngày bằng mấy mươi năm hỡi người” có lẽ đúng với sự đổi thay kỳ diệu của Quảng Ninh.
Là cán bộ nghiên cứu, tham mưu trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, có điều kiện tìm hiểu văn hoá của tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, điều làm tôi thấy rõ nhất ở Quảng Ninh chính là sự quan tâm, đầu tư cho sự nghiệp văn hoá… Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” tổ chức ngày 11-6 vừa qua và Nghị quyết 05/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh về “Một số chủ trương, giải pháp phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020” đã cho thấy sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của văn hoá đối với nhiệm vụ xây dựng Quảng Ninh thành một trọng điểm kinh tế, một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng duyên hải Bắc Bộ, là một trong bốn trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.
Ngoài vị trí chiến lược quan trọng, Quảng Ninh là một vùng đất linh thiêng, giàu truyền thống cách mạng; nơi hội tụ, giao thoa, sự thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng; mảnh đất, con người, xã hội mang nét riêng của vùng Đông Bắc. Với trên 600 di tích lịch sử, văn hoá, trong đó Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, 2 di tích được cấp bằng quốc gia đặc biệt (Bạch Đằng và Yên Tử)... Quảng Ninh đề cao vai trò của văn hoá, nhất là biết sử dụng “sức mạnh mềm” văn hoá để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Là địa phương được thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên khoáng sản, rừng, biển… sở hữu di sản thiên nhiên thế giới và kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, lại có 250km bờ biển, Quảng Ninh vừa biết kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, vừa biết tiếp thu có chọn lọc giá trị văn hoá các nước, theo phương châm “hoà nhập không hoà tan”. Quảng Ninh đã phát huy và gắn kết tốt giữa bản sắc văn hoá truyền thống với văn hoá hiện đại, giữa văn hoá làng xã với văn hoá công nghiệp - văn hoá của công nhân Vùng mỏ với tinh thần “kỷ luật và đồng tâm”. Cách Quảng Ninh quản lý và tổ chức lễ hội, xã hội hoá các công trình xã hội, thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội theo tư duy công nghiệp là một thế mạnh, là một mô hình tiến bộ, văn minh…
Như vậy có thể thấy Quảng Ninh phát triển dựa vào văn hoá và chính văn hoá tạo cho thế mạnh quảng bá tiềm năng để Hạ Long luôn là điểm đến thân thiện với du khách trong và ngoài nước, không chỉ một lần.
* Diễn giả Nguyễn Sơn Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đào tạo Toả Sáng (Cầu Giấy, Hà Nội): Tôi luôn tự hào về quê hương Quảng Ninh
![]() |
Tôi bắt đầu xa Quảng Ninh từ năm 2000, nhưng hơn mười năm qua tôi vẫn thường xuyên về thăm nhà và kết hợp tham gia một số hoạt động của tỉnh. Mỗi lần về Quảng Ninh tôi lại thấy rất vui vì quê hương mình càng ngày càng thay da đổi thịt. Nhiều khu đô thị mới mọc lên, cơ sở hạ tầng về giao thông cũng có nhiều sự thay đổi tích cực.
Ở Uông Bí, nơi tôi sinh ra và lớn lên là một ví dụ điển hình. Hàng loạt công trình giao thông, khu đô thị mới được hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo cho thành phố một diện mạo mới. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về đô thị, các giá trị kinh tế, ý thức của người dân cũng được nâng lên rõ rệt. Điển hình là phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn phát triển sôi nổi trong quần chúng nhân dân. Nhiều hộ đã tình nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất, tháo dỡ công trình của gia đình để giải phóng mặt bằng làm đường dân sinh, làm công trình công cộng mà không hề đòi hỏi sự đền bù nào. Người dân cũng đã nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu dân cư hay tích cực tham gia các phong trào đảm bảo an toàn giao thông đường phố…
Ngoài ra, cũng phải kể đến khối tài sản vô giá mà cha ông đã để lại, đó là Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Tam tổ - Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử đã góp phần không nhỏ đưa ngành du lịch của địa phương trên đà phát triển. Hàng năm, địa điểm này đã thu hút hàng triệu lượt khách thập phương về đây chiêm bái. Bên cạnh đó, với vai trò là trung tâm văn hoá - chính trị của tỉnh, TP Hạ Long cũng có sự phát triển vượt bậc. Diện mạo thành phố du lịch ngày càng khang trang, đẹp hơn và hấp dẫn du khách hơn. Ngoài ra nơi đây cũng là miền đất hứa chào đón những người con Quảng Ninh trở về công tác. Hay như việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái sẽ giúp Quảng Ninh nâng cao hơn nữa vai trò “điểm khởi đầu” của vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ, đồng thời có nhiều cơ hội để phát triển thương mại khu vực biên giới…
Con người Quảng Ninh vốn mạnh mẽ, vững vàng và làm việc hăng say. Tuy nhiên, đứng trên góc độ một diễn giả, công việc hiện nay của tôi, thì tôi nghĩ chúng ta cần đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục, đặc biệt là kỹ năng mềm. Cũng như các tỉnh, thành phố khác, để phát triển một cách bền vững, con người chính là yếu tố quan trọng nhất, nếu điều đó làm tốt thì mọi thứ khác sẽ tốt. Quảng Ninh cần có thêm những chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên, cán bộ, nhân viên các cơ quan, công ty...
Tôi nghĩ dù làm ở đâu cũng không quan trọng bằng việc làm như thế nào. Tôi vẫn đang làm việc và tự hào về quê hương đất mỏ của mình.
* Cụ Trần Thị Hựu (85 tuổi), khu phố Vĩnh Sinh, thị trấn Mạo Khê (Đông Triều): Tôi rất vui và phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương
![]() |
Những năm gần đây tôi thấy thị trấn Mạo Khê nói riêng, huyện Đông Triều nói chung đang ngày càng đổi mới. Ngay ở xóm Chợ Con thời Pháp thuộc xưa và nay là khu phố văn hoá Vĩnh Sinh thì ai cũng thấy rõ sự đổi mới, nó khác gấp trăm nghìn lần ngày xưa.
Các khu phố ở thị trấn đều có nhà văn hoá để nhân dân sinh hoạt, hội họp, hát văn nghệ, đánh cầu lông, các cháu thiếu nhi vui chơi. Còn qua bí thư chi bộ khu phố đã phổ biến tại khu phố thì trong hơn 2 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn huyện chúng tôi đã vận động 1.596 hộ dân hiến đất để làm đường giao thông, nhà văn hoá với tổng diện tích gần 170.000m2. Người dân không chỉ hiến đất mà còn đóng góp 7.600 ngày công; các doanh nghiệp cũng hỗ trợ vật liệu gạch, xi măng tổ chức thực hiện được 1,5km đường, 2.000m2 gạch lát nền, xây dựng tường bao cho 17 nhà văn hoá thôn trên địa bàn 7 xã. Tổng giá trị các hộ dân hiến đất, ngày công, đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp có giá trị trên 50 tỷ đồng, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước để tạo ra diện mạo nông thôn mới của Đông Triều.
Phấn khởi nhất là các thầy cô giáo ở Đông Triều đã đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, dạy lịch sử khu di tích nhà Trần tại Đông Triều cho cháu chắt chúng tôi vào kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập tỉnh. Tôi thấy các trường học được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Chúng tôi rất vui và phấn khởi lắm...
* Việt kiều Hoàng Anh, 103 northliverpool road, mt Pritchard, New South Wales, 2170. Australia: Cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư hoàn thiện góp phần mở rộng không gian đô thị
![]() |
Hiện nay tôi đang định cư ở Australia, nhưng mỗi khi có điều kiện là tôi lại cố gắng thu xếp công việc để về thăm quê hương Quảng Ninh. Ấn tượng nhất trong tôi mỗi lần về thăm quê đó là tốc độ phát triển của các khu đô thị, sự đổi thay nhanh chóng của các thành phố lớn như Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí.
Tôi thấy một trong những thành quả lớn nhất của TP Hạ Long thời gian qua là công tác quy hoạch và chỉnh trang đô thị, khai thác nguồn lực trong dân một cách hiệu quả để xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng không gian đô thị. Điều này đã làm thay đổi bộ mặt thành phố, thu hút các nhà đầu tư, tác động tích cực đến quá trình phát triển KT-XH, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Rất nhiều khu đô thị mới được xây dựng như Khu đô thị Cột 5 - Cột 8 phường Hồng Hải, Hồng Hà; khu đô thị Vựng Đâng; Hà Khánh A, B; khu đô thị Hùng Thắng đã tạo nên bộ mặt của thành phố du lịch hiện đại.
Ra thăm Móng Cái tôi được chứng kiến không khí sôi động của thành phố vùng biên với những dãy nhà cao tầng san sát mọc lên. Các công trình văn hoá, công trình phục vụ cộng đồng mới được xây dựng đã giúp cho cảnh quan thành phố đẹp và sinh động hơn. Tất cả các tuyến đường nội thị đã được bê tông hoá, xây dựng đồng bộ với cống thoát nước và đèn chiếu sáng. Hệ thống cấp nước sạch được đầu tư xây dựng đảm bảo phục vụ cho đời sống nhân dân và du khách.
Hiện nay tuyến Quốc lộ 18A đang được cải tạo, nâng cấp sẽ góp phần tạo thuận lợi trong giao thương giữa Quảng Ninh với các tỉnh bạn. Bên cạnh đó, dự án đầu tư xây dựng sân bay Vân Đồn được quy hoạch xây dựng tại xã Đoàn Kết (Vân Đồn) đang được triển khai. Với vị trí địa lý thuận lợi của sân bay Vân Đồn, hành khách có thể bay tới hầu hết các nước trong khu vực Đông Á trong khoảng thời gian chưa đầy 2 giờ đồng hồ. Chắc chắn khi dự án được triển khai đầu tư xây dựng sẽ tạo hạ tầng giao thông quan trọng không chỉ kết nối vùng cho Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn mà còn kết nối, mở rộng hành lang vận tải khách du lịch quốc tế đến với Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.
Lê Hải - Thu Hằng - Thanh Hoa (Thực hiện)
Ý kiến ()