Tất cả chuyên mục
![](https://baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo_footer_red.png)
Nếu có một từ đại diện để người ta phác họa mảnh đất Cẩm Phả, chẳng gì hơn hai tiếng “vùng mỏ”. “Vùng mỏ” đã từng là hình ảnh của những ngày tháng trường kỳ kháng chiến anh dũng, hào hùng, bất khuất. Còn “vùng mỏ” Cẩm Phả hôm nay, vẫn bằng tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” được tôi rèn trong lửa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đang cùng chung tay, góp sức, nỗ lực đưa thành phố vươn lên những tầm cao mới.
![]() |
Cẩm Phả đang thay đổi từng ngày (Ảnh: CTV) |
Những nét son trong lịch sử
Quá trình ra đời, hình thành và phát triển của Đảng bộ TP Cẩm Phả mang đậm dấu ấn của các phong trào đấu tranh của công nhân mỏ. Đỉnh cao của phong trào công nhân Vùng mỏ là Cuộc tổng bãi công của hơn 30.000 công nhân mỏ, khởi đầu từ Cẩm Phả, diễn ra từ ngày 12/11 đến 28/11/1936. Thắng lợi của Cuộc tổng bãi công đã để lại bài học sâu sắc về tinh thần “kỷ luật và đồng tâm”.
Cẩm Phả chính là nơi đầu tiên của Quảng Ninh thành lập Chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội vào năm 1928. Đây cũng là nơi xuất bản tờ báo đã đóng vai trò đắc lực trong việc tuyên truyền cách mạng ở khu mỏ, lấy tên gọi là tờ báo Than. Việc thành lập chi bộ thanh niên đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử của nhân dân Cẩm Phả, đồng thời, tạo tiền đề cho những hoạt động đấu tranh gây chấn động làm nức lòng công nhân cả nước.
Thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng, gần 2 tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Cẩm Phả - Cửa Ông được thành lập vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/1930, do đồng chí Vũ Văn Sáng làm Bí thư. Tháng 9/1930, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định tách Đảng ủy mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả thành hai Đảng ủy, trong đó, Đảng ủy mỏ Cẩm Phả - Cửa Ông do đồng chí Vũ Văn Hiếu làm Bí thư Đảng ủy. Đảng ủy mỏ Cẩm Phả - Cửa Ông chú trọng phát triển cơ sở Đảng ở những vị trí then chốt của khu mỏ như: Nhà sàng, tầng lò, bến cảng, nhà máy cơ khí... Sự ra đời, phát triển lớn mạnh của Đảng và các tổ chức quần chúng dưới nhiều hình thức phường, hội khác nhau đã đánh dấu giai đoạn phát triển mới của cách mạng ở khu mỏ này.
![]() |
Lãnh đạo TP Cẩm Phả đón nhận bằng công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Ảnh: Đỗ Phương) |
Sau cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đầu tháng 5/1946, chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Cẩm Phả và Cửa Ông được thành lập. Đây là chi bộ ghép gồm đảng viên hoạt động ở Cẩm Phả - Cửa Ông. Đến cuối năm 1950, ở Cẩm Phả - Cửa Ông đã thành lập được 3 chi bộ: Chi bộ Cửa Ông, Chi bộ nội thị Cẩm Phả, Chi bộ ghép Cẩm Bình - Quang Hanh. Ngày 22/4/1955 là mốc son chói lọi không thể nào quên, bộ đội ta từ Dương Huy và Tiên Yên tiến về tiếp quản Cẩm Phả, kết thúc 72 năm sống trong cảnh đời nô lệ lầm than, nhân dân Cẩm Phả trở thành người làm chủ vùng mỏ thân yêu. Sau khi tiếp quản, để phù hợp với sự phát triển, tháng 11/1956, Ban Thường vụ Khu uỷ Hồng Quảng đã quyết định sáp nhập TX Cửa Ông và Cẩm Phả thành TX Cẩm Phả. Sự thống nhất về chính trị, kinh tế, xã hội của Cẩm Phả đã tạo ra một điều kiện mới cho thị xã ngày càng phát triển. Ngày 23/7/1957, Khu ủy Hồng Quảng ban hành Nghị quyết số 233/NQ/KU về việc giải tán Thị ủy lập Ban cán sự TX Cẩm Phả. Ngày 30/12/1960, Đảng bộ TX Cẩm Phả được thành lập với 21 chi bộ và 280 đảng viên, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu sự trưởng thành về tổ chức và bước vào giai đoạn phát triển mới.
Dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ thị xã, Cẩm Phả đã giành được những thành tựu to lớn và nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, bằng những nỗ lực không ngừng, TX Cẩm Phả được nâng cấp thành TP Cẩm Phả tại Nghị quyết số 04/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/2/2012 về việc thành lập TP Cẩm Phả, thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Và sự phát triển hôm nay
![]() |
Cẩm Phả đang từng bước trở thành đô thị điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. |
Phát huy tinh thần “kỷ luật và đồng tâm”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cẩm Phả đã phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết, vượt lên mọi khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội. Từ một châu thuộc đặc khu Hòn Gai chỉ có 4 khối phố và 5 xã với gần 2 vạn dân, đến năm 2005, Cẩm Phả được công nhận là đô thị loại III, công nhận là thành phố vào năm 2012 và ngày nay từng bước trở thành đô thị điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững từ “nâu” sang “xanh”.
Trong chặng đường phát triển của mình, Cẩm Phả đã từng đối mặt với nhiều khó khăn. Trận mưa lụt lịch sử xảy ra vào cuối tháng 7 đầu tháng 8/2015 khiến thành phố thiệt hại nặng nề. Chỉ tính riêng phường Mông Dương, trận lụt đã khiến cho 6 ngôi nhà sập đổ hoàn toàn, 4 ngôi nhà phải sửa chữa lớn, 977 ngôi nhà bị ngập lụt. Nhiều mỏ than bị ngập, nặng nhất là mỏ Mông Dương (Công ty Than Mông Dương). Nước lụt trắng mỏ, nhiều đường lò bị phá huỷ, mỏ dừng sản xuất. Thiệt hại sơ bộ trên 500 tỷ đồng. Thế nhưng, chính trong lúc gian nan đó, tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” lại thôi thúc những người thợ mỏ cùng nhau sát cánh khắc phục ngập lụt, khôi phục sản xuất, đảm bảo cuộc sống. Mỏ Mông Dương được hồi sinh trước kế hoạch 2 tháng. Mừng nhất là dù công tác cứu mỏ gặp rất nhiều hiểm nguy, nhưng đã không xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Câu chuyện của thợ mỏ Mông Dương quyết tâm giành sự sống cho mỏ là minh chứng rõ nét cho tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” vẫn luôn gìn giữ, kế thừa, phát huy.
Là trung tâm công nghiệp than lớn nhất cả nước do đó Cẩm Phả không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn của ngành Than, nhất là vào thời điểm cuối năm 2017. Trong mọi khó khăn, người ta vẫn luôn thấy hình ảnh những người dân vùng mỏ sát cánh, đồng tâm, hiệp lực vượt qua gian nan, gặt hái thành công, đưa thành phố phát triển. Nhiều năm qua, Cẩm Phả hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, số thu ngân sách nhà nước đạt trên 1.000 tỷ đồng, chi đầu tư cân đối từ nguồn ngân sách địa phương đạt trên 45%. Đặc biệt, trong hai năm liên tiếp 2017 và 2018, Cẩm Phả là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thành phố cũng đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Kinh tế - văn hoá - xã hội có bước phát triển vượt bậc. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường học, trạm xá, các công trình phúc lợi công cộng... được đầu tư phát triển. Đời sống của nhân dân được nâng cao rõ rệt.
Không chỉ dừng lại ở thành phố công nghiệp, trong đường lối phát triển của mình, Cẩm Phả đang từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Quyết tâm này của Cẩm Phả đã được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 là: Phấn đấu đến năm 2020, Cẩm Phả cơ bản trở thành thành phố phát triển theo hướng công nghiệp - dịch vụ đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường. Đưa nghị quyết vào cuộc sống, Cẩm Phả đã xây dựng đề án định hướng phát triển du lịch giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050, đề án triển khai nhân rộng mô hình thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, quy hoạch du lịch thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...
Cẩm Phả “xanh” đang hiện hữu cùng những dự án hạ tầng động lực thúc đẩy phát triển dịch vụ. Có thể kể tên một số dự án tiêu biểu như: Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, khu đô thị - du lịch, dịch vụ Bái Tử Long, cụm công nghiệp Cẩm Thịnh, khu dịch vụ du lịch và đô thị sinh thái Cửa Ông, tổ hợp nhà phố thương mại Vincom Shophouse Cẩm Phả, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả...
Cao Quỳnh
Ý kiến ()