Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:35 (GMT +7)
Cẩm Phả: Phát triển kinh tế biển
Thứ 4, 24/03/2021 | 05:44:56 [GMT +7] A A
Những năm qua, TP Cẩm Phả đã dành nhiều nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế biển, đảo, phát triển kinh tế biển, kinh tế - xã hội địa phương, góp phần củng cố quốc phòng - an ninh.
Bến thủy nội địa Vũng Đục (phường Cẩm Đông) đưa vào hoạt động từ tháng 9/2017. |
Bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, những năm qua, thành phố luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, môi trường. Một số ngành kinh tế được thành phố xác định quan tâm, chú trọng để tạo động lực để phát triển kinh tế biển là: Cảng biển và dịch vụ cảng biển, phát triển khu dịch vụ hậu cần sau cảng và logistics; du lịch biển đảo; nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá...
Thành phố có đường bờ biển dài 73km, nằm ở vị trí đắc địa trên trục đường vận tải biển để trung chuyển hàng hóa. Hệ thống cảng biển phục vụ hỗ trợ ngành công nghiệp và du lịch của thành phố đang phát triển khá mạnh mẽ.
Trong đó phải kể đến: Cụm cảng Km6 (phường Quang Hanh), chủ yếu phục vụ xuất, nhập khẩu than và hàng hóa; cảng 10/10 tiếp nhận đến 15 triệu tấn than hàng năm; cảng Hòn Nét - Con Ong ngoài khơi vận tải than đá phục vụ nhu cầu cả nước và là cảng tổng hợp để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa...
Tổng doanh thu của ngành vận tải - kho bãi năm 2020 của thành phố đạt 4.325,2 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2019, trong đó ngành vận tải đóng góp gần 18 tỷ đồng (chiếm 12,44% tổng thu ngân sách toàn thành phố).
Năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cảng biển của thành phố đạt 1.909,6 triệu USD, tăng 15% so với năm 2019.
Hệ thống tàu cao tốc tại Bến thủy nội địa Hoàng Gia do doanh nghiệp tư nhân đầu tư. |
Song song với đó, thành phố không ngừng kêu gọi, thu hút đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Hoạt động của tàu du lịch diễn ra chủ yếu tại các Bến thủy nội địa Vũng Đục, Hoàng Gia. Hiện có 453 tàu thuyền thường xuyên hoạt động tại các bến, có 7 tàu khách thủy cao tốc chuyên tuyến: Cẩm Phả - Quan Lạn, Cẩm Phả - Minh Châu, Cẩm Phả - Cô Tô, Cẩm Phả - Cát Bà. Thành phố có 2 bãi tắm là Quảng Hồng (phường Cẩm Sơn) và bãi tắm Lương Ngọc (phường Quang Hanh) được công nhận điểm du lịch.
Tuy nhiên, kinh tế biển của Cẩm Phả chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương. Lượng khách lưu trú chỉ chiếm khoảng 10% lượng khách đến Cẩm Phả, thời gian lưu trú trung bình chưa được 1 ngày. Bến thủy nội địa quy mô nhỏ, cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ khách với số lượng lớn đi tham quan Vịnh Bái Tử Long...
Ông Bùi Vũ Tùng, Trưởng Phòng Kinh tế TP Cẩm Phả, cho biết: Trong phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố phấn đấu giai đoạn 2020-2025, dịch vụ cảng biển đóng góp khoảng 3-5% GRDP của thành phố. Thời gian tới, Phòng tiếp tục tham mưu cho thành phố kêu gọi đầu tư các cảng, bến thủy nội địa phục vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách; hiện đại hóa các cảng, bến thủy nội địa phục vụ vận tải; thu hút các nguồn lực đầu tư hệ thống cảng biển, dịch vụ, du lịch trên địa bàn.
Thành phố cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ đầu tư cảng Hòn Nét - Con Ong cũng như nghiên cứu cảng Hòn Nét - Con Ong kết nối với cảng Lạch Huyện (TP Hải Phòng), Mũi Chùa, Hải Hà, Vạn Ninh; phát triển sản phẩm Vịnh Bái Tử Long gắn với Vịnh Hạ Long theo đúng định hướng của tỉnh. Thành phố tăng cường quản lý chặt chẽ mặt nước biển có gắn với đất, để phát triển đô thị và dịch vụ, từ đó đưa kinh tế biển ngày càng chiếm tỷ trọng lớn.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()