4
18
/
1100286
Cẩm Phả in dấu tâm hồn thợ Mỏ
longform

Cái tên Cẩm Phả hình thành từ ý nghĩa chỉ nơi rộng rãi (Phổ, Phả) và đẹp như gấm vóc (Cẩm), nơi có rừng, có biển và giàu tài nguyên. Nhưng có lẽ, chỉ “Vùng mỏ” mới đủ sức gợi lên những cảm xúc mạnh mẽ nhất, rõ nét nhất, về vùng đất này. Những năm tháng chiến đấu gian khổ mà oanh liệt của biết bao thế hệ thợ mỏ đã dùng xương máu của mình để viết lên “bản hùng ca bất khuất vùng Mỏ”; những tầng than đen tuôn trào, tiếng máy reo trên công trường, dưới hầm lò, hay tính cách hào sảng của người thợ… là những ấn tượng mà mỗi người nếu đã từng nghe, từng đến, từng được cảm nhận, thì đều sẽ không thể quên…

Tôi là con của phu mỏ người Thái Bình. Tôi được sinh ra ở chợ Giời vào những năm 1925, rồi lớn lên ở Núi Trọc, làm nhau ở mỏ. Hơn 95 năm cuộc đời là chừng ấy năm tôi gắn bó với mảnh đất Cẩm Phả này. Sinh ra và lớn lên ở mỏ, nên trọn vẹn tuổi thơ của tôi gắn liền với những người thợ mỏ, tầng than và lán trại. Trong thời kỳ thực dân Pháp, Cẩm Phả là khu công nghiệp khai thác than lớn nhất. Ngày ấy, phu mỏ sống trong các lán xung quanh mỏ như: Lán Cọc Sáu, lán Hòa Bình, lán Núi Trọc... Năm lên 10 tuổi, tôi được ông chú đưa về quê cho đi học trong 6 năm. Đây là vốn chữ nghĩa rất quý báu để giúp tôi trưởng thành trong quá trình tham gia cách mạng. Năm 16 tuổi tôi lại ra khu mỏ làm nhau.

Ngày ấy, trẻ con từ 12 - 16 tuổi lên tầng làm nhau đông lắm, công việc không cố định nhau xe (nhau móc các xe goòng vào với nhau), nhau chuyến (nhau ghi chuyến xe goòng than, nhau cờ (làm việc cảnh giới đá lăn từ trên tầng cao xuống để công nhân làm ở những tầng dưới chạy tránh đá”... Trong ký ức của tôi đó là những ngày tháng cơ cực. Bởi tiền công làm do bọn chủ mỏ trả rất thấp: Đàn ông chống cuốc, đào than, xúc lên xe goòng chính được 40 xu/ngày, đàn bà đẩy goòng được 30 xu/ngày, còn các loại nhau chỉ được 20 xu/ngày. Tiền lương thì thấp nhưng mức khoán lại giao cao ngất ngưởng. Cả 3 loại lao động trên phải liên kết, mỗi ngày phải khai, xúc, đẩy được 21 chuyến xe goòng than đầy có ngọn trên đoạn đường ray dài hơn 1 cây số từ tầng ra gần đầu trục. Ngày làm 12 tiếng từ sáng đến tối mịt mới về, nên mới có câu “Con không biết mặt cha, chó không biết mặt chủ nhà”. Người dân Vùng mỏ vẫn truyền miệng câu ca “oằn lưng đội thúng than đầy, nửa lon gạo hẩm suốt ngày cầm hơi". Phu mỏ bị bọn thực dân bóc lột kiệt sức lao động mỗi ngày.

Phu mỏ khai thác than dưới thời Pháp vô cùng cực khổ (ảnh tư liệu).

Chính sự bóc lột của thực dân đã khiến vùng mỏ khi ấy luôn sôi sục khí thế đấu tranh. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, tổ chức quần chúng ra đời, tôi được cử làm phụ trách công đoàn tầng Lộ Trí - Đèo Nai. Khi chi bộ Đảng đầu tiên ở Vùng Mỏ Cẩm Phả do đồng chí Minh Hà, khu uỷ viên khu Hồng Quảng trực tiếp làm Bí thư Chi bộ, tôi vinh dự là một trong đảng viên đầu tiên.

Đình công năm 1936 (Tranh của họa sĩ Bùi Đình Lan).

Giặc Pháp tái chiếm vùng mỏ, tôi cùng đồng đội rút về căn cứ Sơn Dương, huyện Hoành Bồ (nay là TP Hạ Long) cùng với lực lượng chiến khu Đông Triều thành lập Đại Đội Hồ Chí Minh, tham gia đánh đồn Hà Lầm, tiêu diệt 22 tên sĩ quan, binh lính Pháp, thu 1 súng trung liên PM, bao vây đồn lính Khố xanh Cẩm Phả (lô cốt gần Ban chỉ huy Quân sự TP Cẩm Phả bây giờ). Từ tháng 9/1947, Khu uỷ Hồng Quảng đã điều động tôi từ Cẩm Phả ra Cửa Ông đổi tên thành Hoàng Bách; hoạt động bí mật công tác Đảng trong vùng địch. Những ngày tháng đó, tôi còn nhớ mãi đến giờ. Công nhân vùng Mỏ Cẩm Phả đã đoàn kết, trên dưới một lòng đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, phản đối áp bức, bóc lột…

Những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi khu mỏ, Cẩm Phả hoàn toàn được giải phóng.
Người dân Cẩm Phả tưng bừng đón bộ đội vào giải phóng (Ảnh tư liệu Bảo tàng Quảng Ninh).
Đài tưởng niệm Tổng bãi công năm 1936 (Ảnh: Trương Thành Công).

Vùng mỏ Cẩm Phả bây giờ đã mang diện mạo của đô thị hiện đại, năng động, phát triển. Những khu lán trại ngày xưa nay đã không còn. Đời sống của công nhân mỏ đã sung túc, đủ đầy, hạnh phúc hơn. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng như: Đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, khu đô thị Du lịch Dịch vụ Bái Tử Long... được xây dựng. Gắn bó cả đời người nơi đây, trong sự thay đổi không ngừng của thành phố mỏ này, có một thứ vẫn luôn tồn tại ở mỗi con người vùng mỏ đó chính là tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”. Trải qua những thăng trầm, khó khăn và thách thức, những con người vùng mỏ ở thế hệ nào vẫn luôn sát cánh, đồng tâm, mạnh mẽ đứng lên.

Vùng mỏ Cẩm Phả bây giờ đã mang diện mạo của đô thị hiện đại, năng động, phát triển.

Tôi thấy vui, hạnh phúc, vì những đấu tranh, những hy sinh, mất mát của bao thế hệ thợ mỏ ngày ấy luôn luôn được những lớp thế hệ sau nhớ đến, biết ơn và nối tiếp truyền thống cha anh. Để từ đó, xây dựng TP Cẩm Phả phát triển.

Trong thời gian 24 năm công tác ở Hà Nội, tôi thường xuyên về Quảng Ninh. Không phải là đến mà là về, vì Quảng Ninh là nhà của tôi, là quê của tôi. Tôi về tìm lại dấu chân của ba tôi (cụ Trương Văn Đẩu, nguyên Tỉnh uỷ viên tỉnh Gò Công, nay là tỉnh Tiền Giang-PV) ở những địa chỉ gần như quen thuộc, mà không thể không nhắc đến Vùng mỏ Cẩm Phả, nơi ấm áp nghĩa tình, đong đầy bao nhiêu kỷ niệm của ba tôi đã gắn bó một thời gian khó.

Thực ra, những gì về ba ở Cẩm Phả, tôi cũng chỉ nghe kể lại. Ba tôi tập kết ra Bắc và được phân công về công tác ở Quảng Ninh từ năm 1954 đến năm 1965. Có thể tổ chức khi bố trí nhiệm vụ ấy vì ba tôi là dân miền biển, lại được đào tạo từ Trường Bá nghệ Sài Gòn (nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, TP Hồ Chí Minh) nên có chuyên môn kỹ thuật. Ba làm Giám đốc đầu tiên của Mỏ than Hòn Gai, sau làm Giám đốc Xí nghiệp Bến Cửa Ông (tiền thân của Công ty Tuyển than Cửa Ông ngày nay) rồi làm ở các mỏ Cọc Sáu, Đèo Nai của Khu mỏ Cẩm Phả. Năm 1959, Bác Hồ thăm mỏ Đèo Nai cũng là thời điểm ba tôi đang công tác ở đó. Tôi đã đi tìm tấm ảnh chụp chung của ba với Bác Hồ ở Thông tấn xã Việt Nam mà chưa thấy.

Nhà máy sàng Cửa Ông do Thực dân Pháp xây dựng năm 1924 (Ảnh tư liệu).

Ba tôi cũng đã kể, nhưng do thời gian chúng tôi ở bên ba cho đến lúc ông qua đời (năm 1978) không nhiều nên những câu chuyện về Vùng mỏ Cẩm Phả chúng tôi nghe không được liền mạch. Chủ yếu chúng tôi nghe qua đồng nghiệp của ba sau này. Thời đó, ba tôi sống và làm việc cùng với các cô, chú đoàn kết, gắn bó xây dựng Vùng mỏ từ công tác chuyên môn đến công tác quần chúng và công tác xây dựng Đảng. Chính nơi đây đã giúp ba tôi rèn luyện, học tập, phấn đấu và trưởng thành. Chính nơi đây, các cô chú và anh chị em Vùng mỏ đã cưu mang, giúp đỡ, động viên ba tôi sống, làm việc trong những năm tháng xa gia đình. Đến năm 1965, ba tôi được điều về Hà Nội làm Viện trưởng đầu tiên của Viện Thiết kế chế tạo máy.

Bác Hồ trên công trường mỏ than Đèo Nai (Ảnh tư liệu).

Về Cẩm Phả, tôi đã đi các mỏ: Đèo Nai, Cọc Sáu, đến Tuyển than Cửa Ông... Qua các chuyến đi ấy, tôi hiểu thêm về vùng đất, con người Quảng Ninh, giúp tôi có kiến thức sâu rộng hơn về giai cấp công nhân, về tấm lòng và tình cảm của những người thợ mỏ. Và ngược lại, những điều lắng nghe và học tập từ thực tiễn sinh động ở Vùng mỏ cũng giúp tôi làm tốt chức trách của mình.

Phù điêu trước trụ sở làm việc của Công ty than Đèo Nai.

Sinh thời, ba vẫn nói rằng, khi nào đất nước hoà bình, Nam Bắc thống nhất một nhà, ba sẽ đưa má và 6 anh chị em chúng tôi về thăm Quảng Ninh, thăm Cẩm Phả. Vậy mà, ba chưa làm được điều đó thì đã qua đời. Chị em chúng tôi về thăm Quảng Ninh nhiều lần là để linh hồn ba ở nơi cao xanh được vui. Có lần, cậu em tôi vốn có năng khiếu thơ ca đã đọc một bài thơ về Vịnh Hạ Long mà tôi còn nhớ có câu đại ý rằng, có con rồng mẹ dẫn đàn rồng con xuống trần dạo chơi. Ba cũng vậy. Ba đã dẫn đường chỉ lối để cho chúng tôi về Quảng Ninh, kết nối sợi tơ duyên với Quảng Ninh để chúng tôi yêu Vùng mỏ như yêu những gì thân thuộc nhất của ba mình...

Trên Công trường những năm đầu mới thành lập Mỏ Than Đèo Nai.

Tôi sinh ra ở Hòn Gai, năm lên 4 tuổi thì theo bố mẹ về sống ở Cẩm Phả. Bố tôi là thợ điện ắc quy nhà máy Cơ khí Ô tô Cẩm Phả, mẹ tham gia tổ hợp tác buôn hoa quả, nước ngọt. Nhà tôi đông anh em lại nghèo, tôi là con cả. Hồi đó, tôi học lớp 8, bị thủng dạ dày mà không hay biết. Mãi đến khi tôi bị mất máu nhiều quá, đến nỗi bị ngất đi, mọi người phải đưa đi cấp cứu. Tôi nằm viện mất 1 tháng. Gia đình tôi có 8 anh chị em. Hoàn cảnh khó khăn nên bố mẹ không còn đủ khả năng để tiếp tục nuôi tôi ăn học. Sau trận ốm thập tử nhất sinh, tôi dừng việc học, “chữa” giấy khai sinh tăng thêm 2 tuổi để vào làm công nhân ở mỏ than.

Tôi vào mỏ Cọc Sáu làm thợ tham gia phong trào văn nghệ quần chúng. Tuy ăn lương thợ điện của mỏ than Cọc Sáu nhưng việc chính của tôi lúc đó lại là hát - trợ cấp đường sữa thay cho cát-xê. Có khi cả năm chỉ đi diễn, hết cho ngành than lại tới các địa phương trong tỉnh. Khi không đi hát, thì về kéo dây điện 3000V cho máy xúc, máy khoan, máy bơm, rồi sửa cũng các loại máy ấy. Bài hát đưa tôi lên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp cũng chính là một bài về thợ mỏ: “Nhịp máy khoan” của nhạc sĩ Trọng Bằng.

Rồi tôi hát nhiều bài hát về thợ mỏ như “Tôi là người thợ lò” của nhạc sĩ Hoàng Vân hay “Những ngôi sao ca đêm” của nhạc sĩ Phạm Tuyên đều thành công. Theo tôi, bài hát “Những ngôi sao ca đêm” là bản tình ca đầu tiên về người thợ mỏ. Đi đâu tôi cũng tự hào nói mình từng là thợ mỏ và hát những bài hát ấy. Có khi tôi hát cả một chùm bài hát về thợ mỏ trong một buổi luôn. Đó là những bài hát trở thành niềm tự hào của những người Vùng mỏ. Những bài hát về Vùng mỏ và thợ mỏ của những năm 60 của thế kỷ trước lên đến hàng trăm bài mà theo tôi có sức sống vĩnh cửu. Đi đâu tôi cũng không thể không hát những bài đó. Trái tim tôi lúc nào cũng hướng về Vùng mỏ và người thợ mỏ.

NSND Quang Thọ dành cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật để hát về vùng mỏ, về người thợ lò.

Quãng thời gian 8 năm làm công nhân Cẩm Phả là ký ức đẹp đi theo cả đời tôi. Tình cảm ấm áp ấy tôi không bao giờ quên. Chính những trải nghiệm chân thật về đời sống người thợ đã giúp tôi thể hiện thành công nhiều ca khúc về đề tài người thợ mỏ, trong đó nổi bật là tác phẩm “Tôi là người thợ lò”. Dù đi đâu, về đâu tôi vẫn luôn nhớ về Cẩm Phả, về Vùng mỏ, bởi nơi đó không chỉ có mái trường nơi đã học, nơi gia đình đã nuôi tôi khôn lớn, trưởng thành mà còn là nơi ắp đầy những kỷ niệm của một thời để nhớ... của tôi.

Tự hào "Tôi là người thợ lò".

Mỗi lần về Cẩm Phả, để lấy lại cảm xúc khi hát, tôi lại lang thang khắp mọi ngóc ngách phố phường. Tôi muốn để cho gió từ Vịnh Bái Tử Long lùa vào trong tóc, để bụi than và mùi biển cả mặn mòi lùa vào da thịt. Sinh sống ở Hà Nội đã lâu, tôi cũng ít có điều kiện trở về Cẩm Phả, nhưng tâm trí tôi thì luôn hướng về Vùng mỏ. Trong giấc mơ tôi có tiếng than rơi, tiếng máy reo, có nụ cười người thợ…

Nụ cười đậm chất thợ mỏ.
Tượng đài "Vinh quang thợ mỏ Việt Nam" ở quảng trường 12-11 (Cẩm Phả).

Như rất nhiều gia đình khác ở Cẩm Phả, gia đình tôi cũng đóng góp 1 thợ mỏ. Bố tôi nguyên là kỹ sư mỏ than Đèo Nai. Ông là người dẫn dắt tôi đến với cờ vua, cũng là người thày đầu đời của tôi.

5 tuổi, tôi đã ngồi sau xe bố, đi đến khắp các khu phố quanh Cẩm Phả, các câu lạc bộ cờ vua để xem các bác, các cô, các chú chơi cờ. Họ xuất thân ở nhiều tầng lớp trong xã hội, nhưng phần nhiều là những người gắn bó với ngành Than. Ngày ấy các hoạt động vui chơi giải trí chưa phong phú như bây giờ, internet cũng chưa có, nên cờ vua cũng là một trong những bộ môn thể thao khá nhiều người ưa thích.

Mỏ than Cọc 6 (Ảnh: NSNA Khắc Đạm).

Cẩm Phả đã cho tôi những người thày tuyệt vời, những người đã xây nền móng vững chắc để tôi có thể theo đuổi đến cùng đam mê của mình. Một trong những người thày tôi cảm thấy vô cùng biết ơn và trân trọng, đó là kỳ thủ Phạm Văn Tuyển - cây đại thụ” của làng cờ Đất mỏ. Ông là người đã có công rất lớn trong việc đào tạo nhiều vận động viên cờ vua trẻ ở Cẩm Phả và tôi đã rất may mắn là một trong số đó. Tôi đã được ông dìu dắt và tìm mọi cách hỗ trợ để tôi có thể sang Nga tập huấn. Ngày ấy để sang được Nga là chuyện không hề đơn giản, từ điều kiện vật chất đến tinh thần đều rất khó khăn, nhưng chỉ có đi cọ xát ở những quốc gia phát triển bộ môn thể thao cờ vua thì lớp tài năng trẻ như chúng tôi mới có cơ hội bứt phá. Cho đến tận hôm nay, tôi vẫn rất biết ơn thày vì điều đó.

Nhờ khoảng thời gian được tập huấn đó, tôi đã có những bước trưởng thành rất lớn sau này. Năm 1994, tôi được Liên đoàn Cờ vua thế giới xếp vào top 20 kỳ thủ trẻ có sức cờ mạnh nhất hành tinh. Đến năm 2001, tôi được phong danh hiệu Đại kiện tướng. Sau này, tôi lập gia đình và chuyển tới TP Hạ Long sinh sống. Vợ tôi là Lê Thị Phương Liên, cô ấy cũng có chung niềm đam mê bộ môn cờ vua như tôi, năm 2000, cô ấy đã được Liên đoàn Cờ vua thế giới phong danh hiệu Kiện tướng Fide quốc tế.

Niềm đam mê là truyền thống qua nhiều đời của người Cẩm Phả.

Tình yêu với cờ vua mà bố tôi cũng như các thày ở quê hương Cẩm Phả khi xưa đã gửi gắm, tôi đã truyền lại cho cô con gái Nguyễn Lê Cẩm Hiền. Cô con gái của tôi cũng đam mê chơi cờ vua từ nhỏ và đạt được nhiều thành tích cao ở các giải đấu trong và ngoài nước. Hiện ở cương vị là huấn luyện viên trưởng Đội tuyển cờ vua tỉnh Quảng Ninh (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh), tôi cũng đang nỗ lực truyền niềm đam mê, bồi dưỡng được những lớp tài năng trẻ bộ môn cờ vua cho tỉnh Quảng Ninh.

Bến xe ba tầng và một trong những chiếc xe chở công nhân lên mỏ khi xưa (Ảnh: Trương Thành Công).

Nhắc đến quê hương Cẩm Phả, ngoài tình yêu với cờ vua, sự biết ơn đối với những người thày, tôi hay nhớ đến kỷ niệm thời thơ ấu của mình, khi được bố cho lên mỏ than Đèo Nai chơi. Khi đó, thợ mỏ lên khai trường vất vả lắm, phương tiện cũng đâu hiện đại như bây giờ, nhưng trên những chuyến xe lên mỏ, tôi vẫn thấy ăm ắp những tiếng cười sảng khoái của họ. Con đường đi lên mỏ thật nhỏ, lại ngoằn ngoèo, nhưng vẫn khiến tôi vô cùng háo hức. Vì có phải đứa trẻ nào cũng “vinh dự” được lên mỏ than đâu. Rồi khi lên tới những tầng than cao, nhìn cả thành phố Cẩm Phả thu nhỏ trong tầm mắt mình, đó là một cảm giác thật khó tả. Cho đến bây giờ, hình ảnh đứng trên tầng than cao nhìn quê hương Cẩm Phả đó, có than, có núi, có biển, có những ngôi nhà… vẫn khiến cho tôi thật bồi hồi, xúc động.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Cẩm Phả. Nơi đây chứa đầy những kỷ niệm về tuổi thơ. Mảnh đất này còn là nơi có mái trường và người thầy đáng kính đã truyền cảm hứng, thắp lửa và nuôi dưỡng niềm đam mê của tôi.

Phần lớn những đứa trẻ như tôi được sinh ra trong các gia đình có bố mẹ làm công nhân ngành Than. Bố là thợ lái máy xúc ở Công ty Than Cọc Sáu nên gia đình tôi sống ở ngay gần Công ty để thuận tiện cho việc đi làm của bố. Ngày đó, tôi thỉnh thoảng được theo bố lên khai trường. Là đơn vị khai thác lộ thiên, do đó, Than Cọc Sau khai thác than bằng phương pháp nổ mìn. Mỗi đợt nổ mìn đó là vô cùng hoành tráng, ấn tượng và thú vị đối với những đứa trẻ như tôi. Ký ức thời thơ ấu của tôi chỉ “gói ghém” gắn liền với những chiếc máy xúc, những khai trường khai thác và cả tiếng nổ mìn vang rền.

Người thợ mỏ làm việc miệt mài, yêu hòn than, yêu công việc của mình.

Cũng giống như bao gia đình, ngày ấy, cuộc sống của thợ mỏ còn nhiều khó khăn. Hầu hết gia đình công nhân mỏ đều có nghề phụ sau mỗi giờ lên mỏ như: Chăn nuôi lợn, trồng rau, nuôi gà... để có thêm thu nhập. Vì thế, những đứa trẻ như tôi lại tất bật phụ giúp bố mẹ mỗi buổi chiều tan học. Vì cuộc sống khó khăn nên ngày đó chiếc tivi, đài cát sét, chiếc xe đạp... là những đồ vật quý giá có khi bằng vài tháng lương của thợ mỏ. Cẩm Phả ngày ấy chỉ có những dãy nhà tập thể cho công nhân ngành Than, nhà vườn hoặc ngôi nhà mái bằng 2 tầng. Cả Cẩm Phả khi ấy chỉ có 1 khu nhà tập thể 3 tầng ở phường Cẩm Thành là cao nhất Cẩm Phả. Khu tập thể nằm cách trường THPT Cẩm Phả vài trăm mét, trên con dốc mà để tới trường những đứa học trò nhà ở các phường Cẩm Trung, Cẩm Thành, Cẩm Thủy... phải lấy hết sức đạp xe mới có thể vượt qua. Do đó, người dân Cẩm Phả hay gọi con dốc này là dốc 3 tầng. Vào những năm sau khi hòa bình được lập lại, người ta xây dựng 6 lô nhà tập thể 3 tầng để phân phối cho những gia đình công nhân mỏ ở. Trong đó, chủ yếu là của các đơn vị như: Đèo Nai, Vận Tải, Thống Nhất và Cơ khí Cẩm Phả được sắp xếp theo khu, một phần giành cho giáo viên. Kiến trúc của những lô nhà này được phỏng theo mô hình giống như những căn hộ chung cư của Liên Xô thời bấy giờ.

Khai trường sản xuất Công ty CP Than Cọc Sáu (Ảnh Công ty cung cấp).

Với tôi, vùng mỏ này còn có mái trường THPT Cẩm Phả thân yêu và người thầy đáng kính đã truyền cảm hứng, thắp lửa và nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu hóa học. Nơi đây đã tạo nên nền móng quan trọng cho những thành công của tôi ngày hôm nay. Khi ấy, môn hóa học vốn là môn “đáng sợ” nhất đối với một cậu nhỏ vừa bước vào THPT như tôi. Thế nhưng, dưới mái trường THPT Cẩm Phả, tôi đã may mắn khi được thầy Đăng Lộc Thọ, nguyên hiệu trưởng nhà trường giảng dạy. Bằng cách của riêng mình, thầy đã truyền cảm hứng khiến tôi say mê, yêu thích, đam mê môn học này từ lúc nào không hay. Thầy có dành cho chúng tôi những buổi học hàng giờ đồng hồ, thậm chí tới 1-2h đêm. Nhờ sự dạy dỗ của thầy, tôi đã là học sinh đầu tiên của tỉnh đạt Huy chương Bạc tại cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế năm 1998 tại Úc. Và cho đến ngày hôm nay, đây cũng là giải thưởng quốc tế duy nhất đối với học sinh THPT không chuyên. Cũng nhờ thầy và mái trường THPT Cẩm Phả mà hôm nay tôi lại đang tiếp tục truyền lửa đam mê bộ môn hóa học cho học trò của mình để các em có niềm yêu thích, chinh phục đỉnh cao tri thức, gặt hái những thành công trong các kỳ thi Olympic.

Trường THPT Cẩm Phả - Đơn vị Anh hùng lao động.

Ký ức của tôi với mảnh đất mỏ này giản dị vậy đấy. Đó là tất cả những gì chân thật nhất, ấn tượng nhất, hạnh phúc nhất mà tôi đã trải qua những ngày còn thơ bé. Nơi đây không chỉ nuôi dưỡng cảm xúc, tình yêu và tự hào về quê hương, mà còn là nơi khởi nguồn cho những thành công của tôi. Vùng đất này còn dạy cho tôi bài học về tình yêu cuộc sống, hăng say lao động, bản lĩnh của con người nơi đây đã ngấm vào trong tôi một cách giản dị bằng chính những tấm gương của người dân quê mình. Để từ đó thôi thúc tôi cần phải nỗ lực đóng góp thật nhiều vào sự phát triển của đất nước quê hương. Tôi luôn mong muốn rằng Cẩm Phả nói riêng và Quảng Ninh sẽ được quan tâm đầu tư hơn nữa về giáo dục để tương xứng với tiềm năng phát triển.

Cẩm Phả, ngày ấy - bây giờ.

Thực hiện: Hồng Nhung - Cao Quỳnh - Phạm Học

Kỹ thuật đồ họa: Mạnh Hà


Hòn Gai - Hạ Long: Thân quen như là hơi thở
Hòn Gai là cái tên xưa cũ của thành phố Hạ Long bây giờ. Đối với những người đã sinh ra và lớn lên hoặc có gần như cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất này, Hòn Gai như là máu thịt, là một phần không thể thiếu. Trải qua thời gian, trải qua thăng trầm, đã có biết bao nhiêu đổi thay, nhưng với họ, Hòn Gai xưa - Hạ Long nay vẫn luôn thân quen như là hơi thở…
   
Quảng Yên trĩu nặng nghĩa tình
Quảng Yên - vùng đất nên thơ nằm bên dòng Bạch Đằng giang đã ghi những dấu ấn đặc biệt vào văn hoá, lịch sử đất nước với 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược phương Bắc, với những lễ hội, những công trình mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
   
Nơi ta thấy cả dáng hình đất nước thân thương
Móng Cái đang trỗi dậy mạnh mẽ trong hình hài, diện mạo của một thành phố vùng biên năng động, hiện đại, luôn trong tốp đầu phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh Quảng Ninh.
   
Miền trầm tích nơi cửa ngõ phía Tây
Đông Triều không chỉ là quê gốc của nhà Trần mà còn là vùng đất có bề dày truyền thống, cùng khí thế của một vùng đất cách mạng  hun đúc niềm tự hào thiêng liêng cho mảnh đất, con người Đông Triều vững bước đi lên hôm nay…
   
Tiên Yên - Vơi đầy một miền ký ức
Tiên Yên là một vùng đất phong cảnh hữu tình, được thiên nhiên ban tặng những ưu đãi, một miền núi non kỳ vĩ, một bờ biển tươi đẹp, một vùng đồng bằng trù phú. Đây là địa bàn cư trú lâu đời của 13 dân tộc anh em với những bản sắc văn hóa đặc sắc.