Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:06 (GMT +7)
Cải thiện tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm
Thứ 2, 09/10/2023 | 08:04:10 [GMT +7] A A
Với nhiều nỗ lực, tăng trưởng tín dụng chung toàn quốc đã có chuyển biến, tháng sau cao hơn tháng trước. Thông qua các giải pháp và sự quyết liệt trong triển khai thực hiện, tín dụng được kỳ vọng sẽ tăng tích cực trong những tháng cuối năm, qua đó có thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy nền kinh tế.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 29/9, tăng trưởng tín dụng đạt 6,92% so với cuối năm 2022, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao.
Dấu hiệu khởi sắc
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà thông tin, trong chín tháng năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp với các bộ, ngành, hiệp hội; Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 12 hội nghị, cuộc họp bàn, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực, về vấn đề lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng tổ chức các hội thảo khoa học tìm cách tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng; đáng chú ý, tại các địa phương đã có 63 hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, người dân, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là khó khăn trong tiếp cận tín dụng.
Với những giải pháp quyết liệt như vậy, tăng trưởng tín dụng chung toàn quốc đã có tín hiệu khởi sắc. Tính đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. Đây là mức tăng đáng kể so với công bố trước đó một tuần, ngày 21/9 (5,91%).
Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, mặc dù tín dụng vẫn tăng trưởng chậm hơn đáng kể so với năm 2022 và cùng kỳ các năm trước, nhưng đã có những điểm tích cực, tín dụng đã có xu hướng tăng nhanh trong giai đoạn gần đây. Đầu năm, tín dụng tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, có một yếu tố tích cực là tín dụng đã tăng đều qua các tháng, tháng sau cao hơn tháng trước,... Tín dụng với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao hơn mặt bằng.
Mặc dù tín dụng vẫn tăng trưởng chậm hơn đáng kể so với năm 2022 và cùng kỳ các năm trước, nhưng đã có những điểm tích cực, tín dụng đã có xu hướng tăng nhanh trong giai đoạn gần đây. Đầu năm, tín dụng tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, có một yếu tố tích cực là tín dụng đã tăng đều qua các tháng, tháng sau cao hơn tháng trước,... Tín dụng với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao hơn mặt bằng.
|
Cụ thể, đến ngày 31/7, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt hơn 335 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,69%, tăng 13,47% so với cuối năm 2022. Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khoảng 44,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,36%, tăng 16,09%. Riêng đối với tín dụng chính sách cho người nghèo, thu nhập thấp cũng tăng rất cao 8,19%, với tổng dư nợ 306 nghìn tỷ đồng và khoảng 6,7 triệu khách hàng. Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng thẳng thắn nhìn nhận, tín dụng vẫn tăng chậm hơn năm 2022. “Điều này do rất nhiều nguyên nhân rất cần được phân tích, đánh giá cụ thể để có giải pháp phù hợp,” ông Phạm Thanh Hà đánh giá.
Tiếp tục nhiều giải pháp mở rộng tín dụng
Làm thế nào tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn vốn tín dụng, đang là vấn đề được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt ra ngay từ đầu năm. Nhiều giải pháp lớn đã được cơ quan này ưu tiên thực hiện, như tạo thanh khoản, dư địa cho các tổ chức tín dụng mở rộng cho vay; hạ lãi suất điều hành tạo cơ sở để “kích” các ngân hàng thương mại hạ lãi suất;… Cùng với đó, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch nhằm tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành ngân hàng nhằm giúp các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, số hóa nhiều nghiệp vụ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên thực tế, lãi suất dù đã giảm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của rất nhiều doanh nghiệp. Theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Huyền Thương-Tổng Giám đốc Tập đoàn Nagakawa, các ngân hàng vẫn cần tiếp tục xem xét, ban hành chính sách giảm, ưu đãi thêm lãi suất và sớm triển khai thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với nhiều doanh nghiệp có doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận vốn hằng năm đạt từ 10%-15%, đóng góp ngân sách gần 200 tỷ đồng, nhưng việc quản lý hoạt động cho vay bằng room tín dụng có thời điểm gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn cuối năm.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Vinh - Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ Thái Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Thái Hưng đánh giá cao điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhất là lãi suất: Mặt bằng lãi suất hiện tại là mặt bằng lãi suất mà rất nhiều năm nay doanh nghiệp mới được hưởng. Lãi suất của một số ngân hàng trong nước thậm chí còn cạnh tranh được với lãi suất cho vay với các tổ chức nước ngoài. Trước đây, doanh nghiệp thường mua LC (thư tín dụng) trả chậm để lãi suất rẻ nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức LC trả ngay vì lãi suất thấp.
Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận một thực tế rằng lãi suất cho vay giảm chậm hơn so với lãi suất huy động. Theo đó từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động trên thị trường giảm đến 2% nhưng lãi suất cho vay chỉ giảm 0,5%-1%. Do vậy có thể nói, ngân hàng tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay vẫn là mong đợi chung của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay.
Tiến sĩ Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Thông qua nhiều giải pháp, chúng tôi rất kỳ vọng tín dụng sẽ tăng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế. Hy vọng trong ba tháng cuối năm, tín dụng theo thông lệ sẽ tăng nhanh. Tuy nhiên, việc tiếp cận tín dụng cần nhìn nhận từ hai phía, ngân hàng và doanh nghiệp.
Theo đó, ngành ngân hàng đã và sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt; đồng thời cần sự tiếp tục đồng hành của các bộ, ngành, địa phương và thông qua các giải pháp đồng bộ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vươn lên trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()