Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:59 (GMT +7)
Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh
Thứ 7, 04/01/2025 | 05:31:09 [GMT +7] A A
Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh có 2.070 doanh nghiệp và 220 hợp tác xã đăng ký thành lập mới; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 2,8 tỷ USD, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Đây chính là “thước đo” khẳng định sự thành công của tỉnh trong CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; khẳng định sự hội tụ niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với Quảng Ninh. Đồng thời, thể hiện những nỗ lực của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Năm 2024 được đánh giá là một năm đầy khó khăn của Quảng Ninh bởi có những thách thức, phát sinh những vấn đề vượt ngoài dự báo, tác động từ bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu, biến động chính trị - an ninh thế giới... Đặc biệt, ngày 7/9/2024, bão số 3 (Yagi) đã ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh, gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, hạ tầng kinh tế... Trong bối cảnh ấy, tỉnh càng quyết liệt thực hiện hiệu quả các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh.
Ngay từ cuối năm 2023, đầu năm 2024, Quảng Ninh đã chủ động ban hành đồng bộ các văn bản chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên triển khai các nhiệm vụ nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân. Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, tỉnh đã ban hành các kế hoạch, văn bản để triển khai thực hiện với những giải pháp, mục tiêu cụ thể.
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 được Quảng Ninh chỉ đạo triển khai quyết liệt và nhanh chóng. Ngay sau bão, tỉnh đã tổ chức các cuộc họp làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các ngân hàng để bàn giải pháp xử lý nợ cho doanh nghiệp, người dân; tìm giải pháp tiêu thụ gỗ rừng trồng bị gãy đổ, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi biển và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, chủ tàu du lịch... Đồng thời, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết nền kinh tế sau bão số 3; thành lập Tổ công tác xây dựng chính sách hỗ trợ, khắc phục, hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Quảng Ninh cũng đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan sớm nghiên cứu, tham mưu ban hành một số cơ chế, chính sách riêng, đủ mạnh, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng nề...
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện các giải pháp về phát triển bền vững như: Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững; xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ đổi mới; tăng cường các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh... Thực hiện công khai các nguồn lực kinh doanh cho doanh nghiệp của tỉnh, cũng như công khai các kế hoạch, quy hoạch, chương trình, đề án,... để đảm bảo toàn bộ các loại hình doanh nghiệp có thể tiếp cận chứ không ưu ái riêng đối với doanh nghiệp nào.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã thực hiện nâng cao chất lượng các cuộc gặp mặt đối thoại với doanh nghiệp định kỳ cấp tỉnh, tập trung hỗ trợ, tháo gỡ tối đa khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư, khu vực dân doanh. Lãnh đạo tỉnh và các ngành, các địa phương cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, các phiên Café doanh nhân theo chuyên đề để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điển hình như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức chương trình "Café doanh nhân" với chủ đề đối thoại chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nội dung này lần đầu tiên được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp, đề xuất, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các kế hoạch, nghị quyết, quyết định. Hay như Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã phối hợp với Công ty CP Đô thị Amata tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp FDI trong KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) nhằm chia sẻ, lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư.
Đồng chí Phạm Xuân Đài, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, cho biết: Việc tổ chức gặp mặt để chia sẻ, lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã trở thành hoạt động thường xuyên của chúng tôi. Và với mong muốn những hội nghị gặp mặt doanh nghiệp hiệu quả hơn, thiết thực hơn nên quy mô, địa điểm và nội dung tổ chức cũng được điều chỉnh đến từng KCN để lắng nghe các nội dung cụ thể hơn. Từ đó, có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hợp lý hơn, phù hợp hơn.
Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch
Quảng Ninh xác định, để thu hút nguồn lực đầu tư và phát triển doanh nghiệp thì phải kiến tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch. Từ đó, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt với tư duy đổi mới, chủ động, sáng tạo, thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Trong đó, tập trung vào việc tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước để rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như minh bạch hóa quy trình giải quyết TTHC tại địa phương.
Tỉnh luôn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát, đánh giá, theo dõi nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về TTHC, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện. Qua đó, kịp thời phát hiện để loại bỏ hoặc chỉnh sửa các thành phần hồ sơ giấy phép không phù hợp, phức tạp, phiền hà bảo đảm quy định TTHC đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện TTHC. Trong năm 2024, trên cơ sở căn cứ TTHC của các bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 69 quyết định công bố danh mục TTHC, trong đó: 164 TTHC mới; 731 TTHC sửa đổi, bổ sung; 157 TTHC bãi bỏ. Hiện tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh là 1.730 TTHC. 100% TTHC được xây dựng quy trình bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết; Quy trình được xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015. Việc niêm yết, công khai TTHC được các Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời bằng mã QR tại trụ sở, cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công của tỉnh và cổng Dịch vụ công Quốc gia; vị trí niêm yết ở khu vực dễ quan sát và phân loại danh mục theo từng lĩnh vực.
Các sở, ban, ngành tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình giải quyết, phân cấp, ủy quyền tối đa cho cán bộ thẩm định, phê duyệt hồ sơ TTHC theo quy trình “5 bước tại chỗ” và “5 bước trên môi trường điện tử”. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến và cung cấp tài liệu hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp được quan tâm. Các sở, ngành, đơn vị liên quan đặc biệt quan tâm, cung cấp cho doanh nghiệp các tài liệu phổ biến về thủ tục để được miễn, giảm chi phí tư vấn pháp luật khi doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật thuộc mạng lưới tư vấn viên pháp luật của các cơ quan nhà nước. Đồng thời, tiếp tục rà soát và cải tiến hoặc xây dựng quy trình mới đảm bảo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục để được miễn, giảm chi phí tư vấn thông tin thị trường, các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement - FTA) khi sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh…
Với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh đã có những chuyển biến hết sức tích cực trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI, là tỉnh duy nhất trong cả nước duy trì 7 năm liên tiếp xếp thứ 1/63 (từ năm 2016-2023) và 11 năm liên tiếp trong top 5 các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước (2013-2023).
Đồng thời, để tạo sự vào cuộc đồng bộ, thực chất và tăng sức cạnh tranh thi đua của cấp cơ sở, giữa các sở, ngành và địa phương trên toàn tỉnh, UBND tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo triển khai, đánh giá chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương - DDCI. Việc triển khai đánh giá DDCI được triển khai khảo sát tại các đơn vị, doanh nghiệp có giao dịch trực tiếp với các sở, ban, ngành và UBND các địa phương (lấy ngẫu nhiên trong danh sách các đơn vị, doanh nghiệp phát sinh giao dịch với sở, ban, ngành và UBND các địa phương). Việc triển khai được thực hiện 80% qua trực tuyến, 10% qua đường bưu điện và 10% qua khảo sát trực tiếp. Kết quả khảo sát DDCI có ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực điều hành kinh tế cấp sở, ngành, địa phương, kết quả phân tích chỉ số DDCI mới giúp chỉ ra những điểm đã làm tốt, những điểm còn hạn chế để các cấp sở, ngành và huyện, thị có định hướng cải cách phù hợp, từ đó góp phần vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chung của toàn tỉnh một cách hiệu quả và bền vững.
Những kết quả đạt được trong CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã tiếp tục khẳng định sự hội tụ niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với Quảng Ninh. Ước cả năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 2.070 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang hoạt động là 11.765 doanh nghiệp; toàn tỉnh có 220 hợp tác xã đăng ký thành lập mới, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 681 hợp tác xã đăng ký hoạt động, có kê khai thuế. Đặc biệt, năm 2024, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh đạt trên 2,8 tỷ USD, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.
Hà Chi
Liên kết website
Ý kiến ()