Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:04 (GMT +7)
Cải thiện mạnh mẽ chất lượng điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh
Thứ 6, 28/04/2023 | 16:43:52 [GMT +7] A A
Xác lập kỷ lục 6 năm liên tiếp (2017-2022) giành quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và 10 năm liên tiếp (2013-2022) trong top 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước, nhưng Quảng Ninh chưa khi nào tự thỏa mãn, sớm hài lòng, mà luôn nỗ lực không ngừng, nhìn nhận thẳng vào những điểm nghẽn, hạn chế để giải pháp khai thác các dư địa cải cách. Với tinh thần “Chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên”, Hội nghị phân tích chuyên sâu Chỉ số PCI và công bố kết quả khảo sát Chỉ số DDCI của tỉnh năm 2022 tổ chức ngày 28/4 đã giúp tỉnh và các sở, ngành, địa phương có thêm định hướng, quyết tâm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ chất lượng điều hành, năng lực cạnh tranh, góp phần cải thiện bền vững Chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo.
Nhận định điểm nghẽn của PCI
Báo cáo phân tích PCI trình bày tại Hội nghị chỉ rõ, mặc dù 6 năm liên tiếp giành quán quân PCI và 10 năm liên tiếp trong top 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước, nhưng tổng điểm của Quảng Ninh năm 2022 lại giảm và có 6/10 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm trước đó; một số chỉ số thành phần chưa đạt được mục tiêu đã đề ra, hoặc tăng điểm/tăng hạng nhưng chưa cao so với các địa phương khác; vẫn còn nhiều dư địa cải cách; công tác phối hợp giữa các cơ quan, nhất là cơ quan đầu mối các chỉ số thành phần và các cơ quan chủ trì các chỉ tiêu chưa thực sự nhuần nhuyễn và thường xuyên...
Phân tích chuyên sâu các chỉ số thành phần của Quảng Ninh, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI Quốc gia, nhấn mạnh và đưa ra khuyến nghị về các chỉ số, chỉ tiêu có điểm số còn thấp, như: Chi phí gia nhập thị trường có xu hướng tăng; thời gian thanh, kiểm tra và thực hiện các TTHC kéo dài; doanh nghiệp vẫn phải chi trả các khoản chi phí không chính thức; môi trường cạnh tranh chưa thực sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; tính năng động, sáng tạo của chính quyền tỉnh có xu hướng giảm; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa có nhiều cải thiện… Dù có những điểm sáng ở những chỉ số tăng điểm, tăng hạng, như doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn; môi trường kinh doanh minh bạch hơn; chính sách đào tạo lao động tốt hơn… nhưng tổng điểm của Quảng Ninh đã bị giảm 0,07 so với năm trước đó.
Ông Đậu Anh Tuấn nhận định: Chính quyền tỉnh Quảng Ninh là một trong số ít các địa phương tạo lập được thương hiệu về môi trường kinh doanh thuận lợi, thân thiện, chuyển tải thông điệp nỗ lực của bộ máy chính quyền để tạo môi trường đầu tư kinh doanh; là hình mẫu về hợp tác hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên thời gian gần đây, có một số vấn đề tồn tại đã xuất hiện và tác động tới điểm số PCI, như chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” của Quảng Ninh bộc lộ tính không ổn định qua các năm. Năm 2022 giảm điểm, giảm hạng do hầu hết các chỉ tiêu liên quan đến cấp phép kinh doanh có điều kiện giảm điểm sâu, đứng ở vị trí gần cuối Bảng xếp hạng PCI toàn quốc. Khi được hỏi về “Sự thuận lợi khi thực hiện các thủ tục kinh doanh có điều kiện” của Quảng Ninh, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý không vượt quá 25%. Hay như chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng”, có tới 52% số doanh nghiệp được khảo sát đồng ý rằng “Thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai là đặc quyền dành cho các doanh nghiệp lớn” (tăng 30,4% so với năm 2021); 42% doanh nghiệp đồng ý rằng “TTHC nhanh chóng hơn là đặc quyền dành cho các doanh nghiệp lớn (tăng 22% so với năm 2021)…
Trước những nhận định này, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ: Là cơ quan đầu mối chủ trì nhiều chỉ số quan trọng trong PCI, Sở đã phối hợp với cơ quan chủ trì một số chỉ tiêu thành phần nhận diện một số nguyên nhân, như: Quy trình giải quyết thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện một số chỗ chưa rõ ràng, còn quy định chung chung; thời gian thực hiện thủ tục cấp phép còn kéo dài; một số thủ tục phải mất thêm chí phí không chính thức... Trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo, Sở sẽ chủ động đề ra các giải pháp cụ thể trong chức năng, nhiệm vụ của mình; đồng thời phối hợp tích cực với các sở, ngành, địa phương giải quyết triệt để những hạn chế, góp phần nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh và lợi thế thu hút đầu tư của tỉnh.
Với quyết tâm chính trị cao nhất thực hiện mục tiêu duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện bền vững năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hướng tới mục tiêu tăng dần điểm tổng PCI qua từng năm, sau khi phân tích, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến những chỉ tiêu giảm điểm, giảm hạng và tiếp thu các ý kiến tham vấn, khuyến nghị của các chuyên gia, tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp chiến lược. Trong đó đặt nhân tố con người là quyết định, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu và đội ngũ CBCCVC trong xây dựng chính quyền minh bạch, liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được xác định là yếu tố then chốt.
Lãnh đạo tỉnh khẳng định tiếp tục phát huy vai trò, tính năng động, dám nói dám làm của người đứng đầu; thu hút, lựa chọn đúng người thực đức, thực tài, kịp thời sàng lọc, thay thế kịp thời khi không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch 3 đột phá chiến lược; ứng dụng CNTT gắn với chuyển đổi số trong quá trình giải quyết TTHC; đơn giản hóa các TTHC, kiên quyết loại bỏ các rào cản bất hợp lý, các chi phí không chính thức…
Cùng với đó, nhanh chóng nghiên cứu xây dựng và vận hành một số mô hình mới trong công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư. Quảng Ninh cũng sẽ tập trung cải thiện điểm số, khắc phục hạn chế ở các chỉ số, như: Chi phí không chính thức, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và ANTT, quyết tâm duy trì vị trí trong top 5 cả nước về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI)…
Để đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân
Được xây dựng theo phương pháp của Bộ chỉ số PCI, với cấu trúc thành phần khá tương đồng, Bộ chỉ số DDCI của Quảng Ninh là công cụ quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Qua 8 năm triển khai, DDCI đã cung cấp những thông tin quan trọng, từ những đánh giá khách quan của cộng đồng doanh nghiệp về năng lực điều hành của các sở, ban, ngành, địa phương, là chỉ dẫn tin cậy để các cấp, ngành của tỉnh đưa ra những chương trình hành động, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp; giúp thúc đẩy thi đua, cạnh tranh giữa các sở, ban, ngành và giữa các địa phương trong cải thiện năng lực điều hành. Qua đó góp phần giúp tỉnh giữ vị trí quán quân PCI liên tiếp 6 năm qua.
DDCI năm 2022 có những thay đổi mạnh mẽ; trong đó ở khối sở, ban, ngành bổ sung 19 chỉ tiêu, chỉnh sửa 5 chỉ tiêu, loại bỏ 18 chỉ tiêu không phù hợp; khối địa phương bổ sung 26 chỉ tiêu, chỉnh sửa 10 chỉ tiêu, loại bỏ 16 chỉ tiêu không phù hợp. Đặc biệt, Bộ chỉ số được khảo sát, đánh giá, bổ sung 3 nội dung quan trọng: Cập nhật, điều chỉnh để tương thích với những điểm mới trong Bộ chỉ số PCI cấp tỉnh; bổ sung khảo sát những khó khăn và nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp; bổ sung khảo sát về mức độ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của khối sở, ngành và khối địa phương. Phương pháp khảo sát được triển khai gần như hoàn toàn trực tuyến do Nhóm tư vấn của VietAnalytics thực hiện độc lập dưới sự giám sát của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.
Phân tích kết quả DDCI năm 2022 tại Hội nghị cho thấy điểm trung vị của cả hai khối giảm nhẹ so với năm 2021, khá tương đồng với điểm số PCI 2022 của tỉnh. Các chỉ số thành phần có điểm số tích cực của khối địa phương: “Tiếp cận đất đai và cơ sở hạ tầng”, “Chi phí thời gian”, “Tiếp cận, minh bạch thông tin”, “Chuyển đổi số và Hỗ trợ doanh nghiệp”; của khối sở, ban, ngành: “Thiết chế pháp lý”, “Tiếp cận, minh bạch thông tin”, “Chuyển đổi số” cũng được phản ánh qua kết quả tích cực của những chỉ số thành phần tương ứng trong PCI năm 2022 của tỉnh.
Tương tự như vậy, một số chỉ số của DDCI có điểm số chưa tích cực, thể hiện: “Tỷ lệ doanh nghiệp phải điều chỉnh hồ sơ khi thực hiện TTHC” còn lớn, dao động từ 13-59%; hồ sơ nộp trực tuyến, nhưng vẫn có hiện tượng “ngâm hồ sơ” thay vì bấm nút “Hồ sơ đã được chấp nhận” ngay trong ngày hoặc trong 8 giờ làm việc, vẫn còn khá phổ biến; thời gian chờ đợi giải quyết một số TTHC còn cao; một số địa phương có hiện tượng trì hoãn/chậm trễ thực hiện các quyết định/chủ trương của UBND tỉnh; chưa đưa ra được nhiều giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp; khá nhiều doanh nghiệp đánh giá, nhận định các sở, ban, ngành ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn hơn là phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa… Điều này cũng tương ứng với những chỉ số, chỉ tiêu giảm điểm giảm hạng của PCI.
Với việc nhiều chỉ số, chỉ tiêu có tính chất như những "lát cắt" sâu hơn của các chỉ tiêu PCI ở cấp sở, ban, ngành và chính quyền địa phương, Bộ chỉ số DDCI của tỉnh cho thấy bức tranh tổng quát về năng lực điều hành của các sở, ban, ngành, địa phương qua con mắt của cộng đồng doanh nghiệp, cho phép tỉnh xác định những nhiệm vụ tiếp theo cần phải thực hiện để cải thiện tốt hơn nữa môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên vẫn còn có những dư địa mà DDCI Quảng Ninh có thể cân nhắc bổ sung trong các năm tiếp theo để đáp ứng tốt hơn nữa kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác PCI, nhận định: Trong năm 2023 tỉnh tiếp tục tập trung phát huy nội lực, khai thác hiệu quả vốn đầu tư công để làm vốn mồi nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh. Đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể hỗ trợ các vấn đề của doanh nghiệp, như xây dựng chiến lược xuất khẩu, xây dựng và phát triển thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tiếp cận vay vốn, thương mại điện tử, quản lý chất lượng, phát triển kênh phân phối… Các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh minh bạch thông tin và tiếp cận thông tin, đặc biệt thông qua các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số; tái cấu trúc quy trình giải quyết TTHC; thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và tái sử dụng kết quả, không yêu cầu khai báo lại; khắc phục hiện tượng hồ sơ nộp trực tuyến bị “ngâm”; nỗ lực hơn trong việc công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch đất đai, quỹ đất; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm mặt bằng phù hợp khi có nhu cầu tiếp cận hoặc mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh…
Tổ chức Hội nghị, tỉnh và các sở, ngành, địa phương có cơ hội để nghiên cứu kỹ, nhận diện những điểm mạnh, điểm yếu trong các nội dung CCHC và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từ báo cáo phân tích, nhận định, ý kiến khuyến nghị của các chuyên gia và sự chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương chắc chắn sẽ có thêm những định hướng cụ thể và động lực, quyết tâm để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ và thực chất chất lượng điều hành, năng lực cạnh tranh, góp phần cải thiện bền vững Chỉ số PCI của tỉnh năm 2023 và giai đoạn tiếp theo.
Song Hà
Liên kết website
Ý kiến ()