Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 05:25 (GMT +7)
Cải thiện hạ tầng kinh tế, xã hội vùng khó
Thứ 3, 26/12/2023 | 15:52:42 [GMT +7] A A
Với mục tiêu kéo giảm chênh lệch vùng miền, đảm bảo mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển bao trùm, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư nhằm cải thiện mạnh mẽ hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo (gọi chung là vùng khó khăn), tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân khu vực này phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống nhân dân.
Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí ngân sách tỉnh trên 2.430 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn, ngân sách huyện bố trí gần 1.800 tỷ đồng để thực hiện đầu tư các dự án, công trình hạ tầng kinh tế - xã hội vùng khó của tỉnh. Riêng phần vốn cấp tỉnh, đã thực hiện đầu tư 238 dự án, công trình. Đối với các công trình giao thông, tỉnh triển khai một số dự án giao thông, kết nối vùng động lực với vùng khó khăn và các cửa khẩu, như: Đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực đi xã Đại Thành (cũ), huyện Tiên Yên; đường giao thông từ trung tâm huyện Đầm Hà đi xã Quảng An; đường giao thông kết nối từ QL18 đến trung tâm xã Hải Sơn (Hải Hà); cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT cửa khẩu Móng Cái đến KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh giai đoạn 2; đường từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn từ thôn Trại Me, xã Sơn Dương đến thôn Đồng Trà (xã Đồng Lâm, TP Hạ Long); cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh 342 đoạn thuộc huyện Ba Chẽ…
Hiện đã có một số dự án được hoàn thành, mang lại hiệu quả rõ rệt trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho người dân. Ông Nình Văn Thìn, thôn Khe Lục, xã Đại Dực (huyện Tiên Yên), cho biết: Tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực đi xã Đại Thành (cũ) được tỉnh đầu tư đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng, người dân vui lắm. Con đường mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân 2 xã sau khi được sáp nhập gần nhau hơn, đoàn kết gắn bó hơn, giao thương, buôn bán các sản phẩm địa phương dễ dàng, nâng cao thu nhập, đời sống.
Về hạ tầng giáo dục - y tế, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành giáo dục tỉnh giai đoạn 2022-2025; Đề án tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao năng lực cơ sở y tế tỉnh năm 2023 (giai đoạn 1). Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 99/NQ-HĐND (ngày 31/5/2023), phấn đấu đến năm 2025 mỗi huyện có một trường học công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông và mỗi thành phố, thị xã có một trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao. Hiện nhiều trường học đã hoàn thành, mang lại nguồn động lực, khí thế mới cho thầy cô, học sinh trong quá trình học tập, luyện rèn, nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó.
Tại huyện miền núi biên giới Bình Liêu trước đây nhiều trường, lớp học nhỏ lẻ, phân tán, xa khu vực trung tâm. Trước mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo con em trong khu vực đều yên tâm học tập, tỉnh đã đầu tư Trường THPT Bình Liêu với tổng mức đầu tư 95 tỷ đồng, gồm nhà học chính 18 lớp học được đầu tư đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn phòng học chất lượng cao; khu nhà học bộ môn với 12 phòng học và khu nhà hiệu bộ, nhà công vụ, nhà đa năng, sân bóng đá… mang lại điều kiện học tập, giảng dạy, vui chơi, phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần cho học sinh và giáo viên.
Hạ tầng điện, viễn thông tại khu vực vùng khó của tỉnh cũng được các đơn vị ngành dọc thực hiện đầu tư. Hiện đã hoàn thành xây dựng và phát sóng 54/54 trạm phát sóng BTS, phủ lõm 66/66 thôn, đạt 100% kế hoạch, góp phần nâng tổng số trạm BTS trên toàn địa bàn tỉnh thành 7.112 trạm; 100% các hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt, góp phần nâng tổng số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia toàn tỉnh thành 438.670 hộ và 210 hộ sử dụng điện năng lượng mặt trời an toàn.
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục kiên trì thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, xác định tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, nhất là cải thiện mạnh mẽ hạ tầng giao thông gắn kết phát triển vùng. Một số dự án hạ tầng giao thông nằm trong kế hoạch triển khai đầu tư trong thời gian tới, như: Cải tạo đường nối QL18 đến trung tâm thị trấn Ba Chẽ; nâng cấp đường từ thôn Khe Lặc (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) đi xã Húc Động (Bình Liêu); đường nối QL18 đi qua xã Quảng Lâm vào bản Sán Cáy Coọc (xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà)...
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()