Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 16:44 (GMT +7)
Cái “duyên” với thạch sùng mí…
Chủ nhật, 21/08/2022 | 10:14:45 [GMT +7] A A
Việc trau dồi những kiến thức chuyên môn và nhiệt tình trong công tác nghiên cứu là chìa khóa dẫn tới sự thành công của người làm khoa học, nhưng sự may mắn và tình cờ đôi khi cũng là một phần đóng góp vào thành công ấy. Và đó là câu chuyện về việc phát hiện ra một loài thằn lằn đặc hữu quý hiếm chỉ ghi nhận trên Vịnh Hạ Long, đó là loài Thạch sùng mí Cát Bà.
Trong công tác của những người làm nghiệp vụ chúng tôi ở Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cùng với việc chủ động thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, chúng tôi còn phải thường xuyên phối hợp với các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu trong nước tiến hành điều tra, khảo sát nghiên cứu làm rõ các giá trị tài nguyên di sản. Trong số các cuộc điều tra, khảo sát nghiên cứu từ trước đến nay, việc phát hiện và thực hiện giám sát loài Thạch sùng mí Cát Bà là kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với cán bộ Phòng Nghiệp vụ - Nghiên cứu, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng như nghiên cứu sinh Ngô Ngọc Hải, thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, cũng là người nghiên cứu chính về loài này.
Năm 2008, trong chương trình khảo sát thực địa khám phá và điều tra về hang động, chúng tôi lần đầu tiên bắt gặp sự xuất hiện của các cá thể thằn lằn có màu sắc rất kỳ lạ và bắt mắt trên các đảo nhỏ. Những thông tin và hình ảnh về loài được chúng tôi lưu lại. Những bí ẩn về loài dần được hé lộ trong lần khảo sát đa dạng thực vật của Tiến sĩ Nguyễn Thế Cường, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, vào cuối năm 2014.
Khi đó, chúng tôi được cộng sự của anh Nguyễn Thế Cường, đang nghiên cứu về Lưỡng cư bò sát cho xem ảnh về loài thạch sùng mí Cát Bà và khẳng định rất có thể loài này cũng có phân bố trên các đảo Vịnh Hạ Long. Nhìn qua, tôi khẳng định đã có ảnh loài này chụp trong hang động Vịnh Hạ Long năm 2008 tại hang Hồ Động Tiên. Tuy nhiên, chúng tôi khi đấy đang ngoài biển, sóng yếu không thể liên lạc về bờ để gửi ảnh cho đoàn khảo sát xem được. Và câu chuyện về loài thạch sùng này dừng lại ở đấy khi đoàn phải về Hà Nội gấp.
Bẵng đi đến năm 2015, trong chương trình khảo sát về các loài thực vật đặc hữu quý hiếm trên Vịnh Hạ Long của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hiệp và Thạc sĩ Từ Bảo Ngân, thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, thì hình ảnh một số loài này đã được chuyển đến Thạc sĩ Ngân và Thạc sĩ Ngô Ngọc Hải là cán bộ thuộc Phòng Bảo tồn thiên nhiên của đơn vị.
Ngô Ngọc Hải là nghiên cứu sinh về loài này tại Trường Đại học Cologne và vườn thú Cologne (Đức), tỏ rõ sự bất ngờ và vui sướng khi nhận được những hình ảnh về loài thằn lằn này. Qua thảo luận với một số cán bộ thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và vườn thú Colgone (Đức), nhóm nghiên cứu khẳng định đây có thể là loài Thạch sùng mí Cát Bà, mà trước đây chỉ ghi nhận duy nhất tại Vườn quốc gia Cát Bà vào năm 2008.
Cơ hội và những hướng nghiên cứu mới ngay lập tức đến với Hải, khi đây có thể là loài mà nhóm nghiên cứu đang tập trung để bảo tồn trước nguy cơ có thể tuyệt chủng trong tương lai gần. Vì vậy, chuyến khảo sát điều tra ngay lập tức được xây dựng và thực hiện phối hợp với các cán bộ thuộc Ban Quản lý Vịnh Hạ Long lần đầu tiên vào tháng 7/2017.
Khó khăn ở chỗ, loài thằn lằn này hoạt động và kiếm ăn vào ban đêm, nên sẽ rất khó khăn đối với đoàn nghiên cứu trong việc tiếp cận các đảo nhỏ thuộc Vịnh Hạ Long. Di chuyển tới các đảo nhỏ để đưa đoàn nghiên cứu phải rất cẩn thận mỗi khi nước thủy triều rút, nhiều đá ngầm sắc nhọn có thể phá hủy đáy và động cơ của thuyền, và đặc biệt phải đảm bảo an toàn cho đoàn nghiên cứu.
Những nét văn hóa, phong tục, sự kiêng cữ đối với người làm nghề biển cũng là điều mà nhóm nghiên cứu được trải nghiệm. Còn nhớ hôm đấy trong tiết tháng 7, buổi chiều trời yên biển lặng, đoàn dự định ăn cơm sớm để đi sớm vì địa hình nơi đây cách xa trạm quản lý của Trung tâm bảo tồn. Việc nấu cơm khê có vẻ là một trong những điều kiêng kị với người lái tàu. Bác Hòa khi ấy là tổ trưởng tại trạm quản lý Cống Đỏ có nói “cơm khê là lật xuồng”, tối nay các chú không đi được đâu. Lúc đầu, đoàn cũng phân vân vì muốn hoàn thành công việc sớm, tuy nhiên sau đó trời bỗng đổ mưa và giông bão khiến đoàn không thể thực hiện việc khảo sát trong đêm.
Vậy là hôm sau, chúng tôi xuất phát đến một hang động trong đảo nhỏ vào lúc 2 giờ đêm, khi trời không còn mưa nữa, để đảm bảo sự an toàn. Công việc này được thực hiện liên tục trong khoảng 2 tuần, bắt đầu từ 7 giời tối cho đến 12h đêm, có những hôm qua 12 giờ, đoàn nghiên cứu vẫn chưa thu được mẫu, nên phải thực hiện việc khảo sát tìm kiếm đến 4h sáng ngày hôm sau.
Việc di chuyển qua các tuyến núi đá vôi sắc nhọn vào ban đêm cũng đòi hỏi chúng tôi phải hết sức cẩn thận để đảm bảo an toàn. Sự vui sướng có lẽ là cảm xúc tuyệt nhất khi nhóm nghiên cứu thu được thành quả đầu tiên với một cá thể đực được ghi nhận tại hang Cặp La. Đoàn đã tiến hành nghiên cứu, đo đạc số liệu về hình thái của loài, tuy nhiên để xác định được đúng loài, các mẫu thu được cần phải phân tích hình thái và sinh học phân tử để định loại cá thể. Kết quả đã khẳng định đây chính là loài thạch sùng mí Cát Bà.
Thạch sùng mí là loài đặc hữu, chỉ ghi nhận tại khu vực Hạ Long - Cát Bà, vì vậy, chúng tôi liên tiếp thực hiện các đợt khảo sát từ năm 2017 đến 2019, nhằm đánh giá về phạm vi phân bố của loài tại các đảo thuộc Vịnh Hạ Long, hiện trạng quần thể bằng việc giám sát chip điện tử được gắn trên các cá thể bắt gặp, sinh thái học, thành phần thức ăn và những tác động, từ đó đề xuất các biện pháp bảo tồn cho loài.
Để có kết quả đó, những hành trình xuyên đêm trên đảo vẫn cứ đều đặn diễn ra không quản mưa gió, có những đêm các thành viên ngồi đo mẫu trên đảo đến 8 giờ sáng, tay đặt thước lên đo mẫu vật mà ngồi ngủ gật vì quá mệt. Hoàn thành đo đạc mẫu vật, tất cả cá thể đều được nhóm nghiên cứu thả lại sinh cảnh ngoài tự nhiên.
Qua nỗ lực điều tra nghiên cứu bước đầu mang lại những kết quả khoa học. Đó là các công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế, như: Đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu và dự đoán vùng phân bố tiềm năng của loài dựa trên những kịch bản biến đổi khí hậu trong hội thảo khoa học tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật; 2 ấn phẩm trên tạp chí quốc tế uy tín đánh giá về hiện trạng quần thể loài tại Vịnh Hạ Long và sinh thái của loài; 1 ấn phẩm trên tạp chí quốc tế điều tra về hiện trạng buôn bán loài và các loài thạch sùng mí khác ở trong nước và quốc tế.
Đồng thời, nhóm nghiên cứu đã tiến hành lập hồ sơ khoa học đưa loài thạch sùng mí Cát Bà vào trong Danh mục đỏ của thế giới IUCN xếp hạng Nguy cấp (EN), công ước quốc tế buôn bán động thực vật hoang dã CITES thuộc phụ lục II và gần đây được đưa vào trong nhóm IIB của Nghị định 06/2019/NĐ-CP và Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Phạm Lê Minh (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()