Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:18 (GMT +7)
Cải cách tiền lương từ 1/7: Giáo viên mong phụ cấp sẽ được điều chỉnh
Thứ 4, 21/02/2024 | 09:34:04 [GMT +7] A A
Bắt đầu từ 1/7 tới đây, chính sách cải cách tiền lương mới được áp dụng. Nhiều giáo viên kỳ vọng đồng lương sẽ được cải thiện đáng kể để yên tâm tập trung giảng dạy.
Cải cách tiền lương thực hiện ngày 1/7
Từ tháng 7 năm nay, chính sách cải cách tiền lương mới sẽ được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm. Trong đó, đội ngũ giáo viên đang là lực lượng chủ yếu trong hệ thống cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hiện nay.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW 2018, cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm 70% tổng quỹ tiền lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ tiền lương); bổ sung tiền thưởng chiếm 10% tổng quỹ lương).
Cơ cấu tiền lương mới sau cải cách của giáo viên sẽ gồm ba bộ phận là lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng, tính theo công chức: Lương = Lương cơ bản + phụ cấp + thưởng (nếu có).
Như vậy, việc trả lương của giáo viên là viên chức sẽ không thực hiện theo hệ số x mức lương cơ sở như hiện nay mà được thay thế bằng các bảng lương theo vị trí việc làm gồm một bảng lương chức vụ và một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, cải cách tiền lương sẽ xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.
Ngoài ra, sẽ sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành. Theo đó, sẽ có khoản phụ cấp mới là phụ cấp theo nghề - được hình thành từ việc gộp ba khoản phụ cấp: phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Đồng thời, bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề giáo viên.
Cô Tạ Thị Thu Hiền - giáo viên dạy Ngữ văn cấp THCS ở Hà Nội tâm sự: "Tôi và đồng nghiệp rất vui mừng khi tới đây lương sẽ được tăng. Việc lương được áp dụng theo Nghị quyết mới sẽ giúp chúng tôi có cuộc sống cải thiện hơn so với hiện nay".
Cô Hiền cho biết, việc trả lương theo vị trí việc làm sẽ góp phần tạo ra sự công bằng trong hoạt động giáo dục. "Lương của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay đều được tính theo một công thức chung là hệ số lương x mức lương cơ sở theo tôi là không đánh giá được đúng năng lực, vị trí của giáo viên.
Sau cải cách tiền lương vào tháng 7 tới, lương giáo viên được trả theo vị trí việc làm. Việc trả lương theo vị trí việc làm sẽ căn cứ vào từng chức danh, chức vụ, cơ cấu tổ chức trong công chức, viên chức để xác định mức lương cụ thể cho từng đối tượng sẽ tạo động lực cho giáo viên nỗ lực, đánh giá đúng năng lực, vị trí của từng cá nhân. Chúng tôi hy vọng tiền lương giáo viên sẽ được ưu tiên xếp cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp. Có như vậy thì nhà giáo chúng tôi sẽ yên tâm giảng dạy, bám trụ với nghề".
Là một trong số các giáo viên trông chờ vào cải cách tiền lương, cô Nguyễn Lan Anh - giáo viên dạy cấp tiểu học ở huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cho biết: "Tôi cùng đồng nghiệp rất vui và mong chờ vào chính sách cải cách tiền lương sắp tới đây. Đây chính là động lực để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, tập trung vào chuyên môn giảng dạy mà không phải lo gánh nặng cơm áo gạo tiền".
Tuy nhiên, cô Lan Anh băn khoăn về chế độ phụ cấp mới: "Theo cách tính lương mới thì phụ cấp thâm niên sẽ bị cắt bỏ và gộp các khoản phụ cấp khác nên tôi lo mức lương sẽ không được tăng lên nhiều, đặc biệt với những giáo viên có thâm niên lâu năm như tôi sẽ bị thiệt thòi. Chúng tôi mong sẽ có thông tin chi tiết về các mức phụ cấp theo nghề mới và có thể được điều chỉnh tăng lên cho phù hợp để tiếp thêm động lực cho đội ngũ nhà giáo chúng tôi".
Xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp
TS. Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: "Bộ GD&ĐT đã đề xuất và được đưa vào lộ trình cải cách chính sách tiền lương, theo đó ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Bộ Nội vụ cùng với Bộ GD&ĐT rà soát quy định tiền lương, ưu đãi nghề nhà giáo để tăng lên mức cao nhất".
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, khi thực hiện cải cách tiền lương, lương viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác, bởi vì chúng ta đang thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế. Nhất là qua đợt dịch COVID-19 vừa rồi cho thấy cần phải quan tâm nâng cao đời sống của đội ngũ thầy giáo và thầy thuốc nhiều hơn nữa.
Vì vậy, khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm điều chỉnh hỗ trợ để đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên, bác sĩ được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm của họ, vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức, vừa thể hiện ưu đãi đối với hai ngành này.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, theo phương án cải cách tiền lương, từ 1/7 tới đây, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()