Tất cả chuyên mục

Quảng Ninh đang trong quá trình phát triển với nhiều dự án, công trình cần được đầu tư. Điều này đã đặt ra thách thức lớn đối với nền tài chính của tỉnh. Thế nhưng, với sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã tự hào là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số thu ngân sách, qua đó có điều kiện đầu tư nhiều công trình hiệu quả. Kết quả đó khẳng định công tác quản lý tài chính, đặc biệt là cải cách hành chính ngành tài chính đã có những bước đột phá.
Từ đột phá trong thủ tục hành chính
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của việc cải cách hành chính sẽ tạo sự chuyển biến tích cực đối với nguồn ngân sách, do đó tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, thể chế liên quan đến lĩnh vực ngân sách, thu hút đầu tư, xây dựng khu công nghiệp, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển, phân cấp, uỷ quyền cho các phòng tài chính cấp huyện trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, khi nhiều văn bản pháp luật về tài chính không còn phù hợp với tình hình, tỉnh đã sửa đổi, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật kịp thời nhằm đảm bảo nguồn tài chính được cân đối hợp lý như: Sửa đổi nghị quyết của HĐND về quy định thu phí đấu giá; điều chỉnh khung mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô đối với các điểm, bãi trông giữ xe tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hoá, các điểm tổ chức lễ hội, du lịch, hội chợ; quy định khung mức thu phí vệ sinh trên địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả. Sửa đổi nghị quyết về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ điều tiết nguồn thu giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2011 và thời kỳ ổn định ngân sách 2011-2015. Nhằm đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật các khoản chi của các đơn vị, tỉnh cũng ra nghị quyết về việc quy định mức chi đảm bảo các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh quản lý…
![]() |
Hướng dẫn người dân làm thủ tục tại bộ phận “một cửa” của Chi cục thuế TP Hạ Long. |
Đáng ghi nhận là khi Trung tâm Hành chính công tỉnh đi vào hoạt động, Sở Tài chính đã loại bỏ 2 thủ tục hành chính, chuyển 2 thủ tục cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ, sửa đổi bổ sung 4 thủ tục và đưa xuống Trung tâm hành chính công tỉnh để giải quyết 2 thủ tục hành chính nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thực hiện cơ chế một cửa, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính ban hành quyết định về Danh mục thủ tục hành chính và quy định hồ sơ chi tiết các thủ tục thực hiện “cơ chế một cửa” tại Sở, gồm các lĩnh vực liên quan như đầu tư tài chính, quản lý tài sản công... Đồng thời niêm yết công khai tại bộ phận một cửa để các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp biết thực hiện. Các hồ sơ được tiếp nhận tại bộ phận một cửa đều được chuyển đến các phòng nghiệp vụ xử lý và trả kết quả đảm bảo đúng thời gian quy định.
Đến những cơ chế tài chính hiệu quả
Cùng với việc cải cách các thể chế, thủ tục hành chính, thì Quảng Ninh đã thực hiện có hiệu quả cơ chế quản lý tài chính công. Vì thế giai đoạn 2011-2015 đã đạt được nhiều kết quả trong thu NSNN.
Vào thời điểm khó khăn của nền kinh tế tác động đến mục tiêu tăng trưởng, ảnh hưởng đến thu NSNN, trong khi đó việc thực hiện các giải pháp giãn, miễn giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết 13 của Chính phủ cũng làm giảm nguồn thu, nhưng với sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo điều hành thu chi ngân sách để chỉ đạo công tác thu chi ngân sách, do vậy tổng thu NSNN trên địa bàn vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra, là một trong những tỉnh, thành phố có số thu ngân sách cao nhất cả nước. Tổng thu NSNN giai đoạn 2011-2015 ước đạt 159.342 tỷ đồng, tốc độ tăng thu ngân sách bình quân của cả giai đoạn là 8,4%/năm, tăng gấp hơn 2 lần so với giai đoạn 2006-2010. Chi ngân sách địa phương của tỉnh trong những năm qua đã có những quyết sách hiệu quả như cơ cấu theo hướng giảm các khoản chi bao cấp, tăng dần tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển, tập trung ưu tiên chi cho những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quan trọng và giải quyết những vấn đề an sinh xã hội. Công tác quản lý và phân cấp ngân sách đã có những đổi mới căn bản, nâng cao quyền chủ động và trách nhiệm của các đơn vị, các địa phương và các ngành sử dụng ngân sách; giảm được nhiều khâu, thủ tục không cần thiết trong phân bổ ngân sách, tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính. Dự kiến tổng chi ngân sách của toàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 đạt 60.852 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với giai đoạn trước, trong đó chi đầu tư phát triển chiếm 44,6%, chi thường xuyên chiếm 54,6%.
Đặc biệt, thực hiện cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tỉnh đã thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và quản lý tài chính theo Nghị định 130 của Chính phủ, đã tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị kiểm soát chi tiêu nội bộ, tạo ra sự thay đổi về thái độ làm việc, tinh thần và ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức đối với công việc và ngân sách được giao. Về hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, tỉnh đã triển khai thực hiện chế độ tự chủ cho 100% các đơn vị sự nghiệp, tạo sự chủ động sử dụng nguồn lực tài chính, lao động, cơ sở vật chất. Đến năm 2014, tỉnh đã ban hành quyết định về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với 55 đơn vị sự nghiệp công lập như: Với 4 đơn vị đã tự đảm bảo được 100% tài chính tiếp tục thực hiện đảm bảo trong năm 2015, bổ sung thêm 13 đơn vị tự đảm bảo tài chính do có khả năng xã hội hoá cao; đối với 5 tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc đối tượng quy định của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm giao tự đảm bảo 100% tài chính; giao quyền tự đảm bảo 50% về tài chính cho 21 đơn vị có khả năng khai thác nguồn thu; giao quyền tự đảm bảo 30% tài chính cho 7 đơn vị sự nghiệp thực hiện cung cấp các dịch vụ công phục vụ công tác quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, thực hiện nhiệm vụ chính trị…
Có thể khẳng định, cơ chế tài chính đối với khu vực hành chính sự nghiệp được đổi mới về cơ bản theo hướng tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính. Cơ chế tài chính trong việc cung cấp dịch vụ công theo hướng khuyến khích các tổ chức kinh tế và nhân dân đầu tư để thực hiện và cung cấp một số dịch vụ công, đẩy mạnh xã hội hoá một số lĩnh vực sự nghiệp, thu hút được nguồn lực đáng kể cho phát triển sự nghiệp.
Từ những đổi mới, cải cách hành chính ngành Tài chính đã góp phần quản lý hiệu quả nguồn ngân sách, tăng thu, giảm chi phù hợp, đầu tư cho những công trình dấu ấn, các chương trình an sinh xã hội, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thanh Hằng
Ý kiến ()