Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:08 (GMT +7)
Cải cách hành chính thực chất và hiệu quả
Thứ 6, 26/01/2024 | 11:08:16 [GMT +7] A A
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh trong năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Để thực hiện hiệu quả, thực chất hơn nhiệm vụ này, tỉnh tiếp tục xác định ưu tiên các vấn đề cấp bách, cần tháo gỡ, nhất là việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục về đầu tư, đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Những năm gần đây, Quảng Ninh tiếp tục vượt qua các tỉnh, thành phố trong cả nước để duy trì vị trí đứng đầu Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Đây là một trong những kết quả có ý nghĩa hết sức quan trọng, tiếp tục khẳng định niềm tin, sự hài lòng ngày càng cao của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, phản ánh hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền tỉnh. Việc Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu chỉ số SIPAS và PAR INDEX đã chứng minh cho sự nỗ lực lâu dài trong nhiều mô hình cải cách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới một nền hành chính phục vụ của tỉnh. Trong đó, tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ từ cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…
Tính riêng trong năm qua, tỉnh đã thẩm định 11 đề nghị xây dựng nghị quyết, 79 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tham gia ý kiến 70 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh và trên 200 dự thảo văn bản khác của Trung ương, các sở, ban, ngành gửi đến; tự kiểm tra 29 văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành; phối hợp với Ban Pháp chế HĐND tỉnh tự kiểm tra 10 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND tỉnh ban hành và tiếp nhận, kiểm tra 71 văn bản quy phạm pháp luật do các địa phương gửi đến. Đến hết năm 2023, đã có 1.367 (100%) TTHC đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến (trong đó có 908 thủ tục (66,5%) được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỉnh cũng đã tích hợp, kết nối 1.248 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia - là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về nội dung này. Toàn bộ quy trình giải quyết TTHC được thực hiện theo quy trình "5 bước tại chỗ" và "5 bước trên môi trường điện tử" thông qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, được xây dựng quy trình đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết...
Bà Nguyễn Thị Phương, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên chia sẻ: Người dân chúng tôi đánh giá cao việc địa phương quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Hành chính công huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Qua đó, chúng tôi thấy được những thay đổi tích cực trong việc cung ứng và giải quyết các dịch vụ cho người dân, nhiều cải cách hướng tới lợi ích của nhân dân…
Trong quá trình cải cách, tỉnh cũng đã kịp thời nhận diện những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, những khó khăn, thách thức đối với người dân, doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ. Đồng thời, tăng cường tương tác thường xuyên giữa chính quyền các cấp và người dân, doanh nghiệp; không ngừng nâng cao năng lực, phản ứng chính sách, kịp thời xử lý những vấn đề mới phát sinh thuộc thẩm quyền; mở rộng sự kết nối trao đổi thông tin; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các thành phần kinh tế..
Trong năm nay, tỉnh tiếp tục xác định ưu tiên các vấn đề cấp bách, cần tháo gỡ, nhất là việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục về đầu tư, đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Theo đó, từ nay đến hết năm, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp cải cách hành chính để thu hút đầu tư, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư có chọn lọc (bao gồm thu hút FDI và thu hút đầu tư trong nước); kịp thời đề xuất sửa đổi, hủy bỏ các quy định pháp luật, thủ tục pháp lý còn bất cập để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư trước, trong và sau đầu tư. Đồng thời với đó, tỉnh cũng triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ; phát huy và giữ vững vị thế của Quảng Ninh trong công tác cải cách hành chính; tham mưu các giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực, tìm các giải pháp giữ chân người lao động hiện đang làm việc tại tỉnh Quảng Ninh…
Hiện tỉnh cũng đang gấp rút hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN và các dự án đầu tư thứ cấp vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh. Với bộ tiêu chí, tỉnh sẽ thể hiện rõ quan điểm trong việc ưu tiên, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có uy tín, tiềm lực và kinh nghiệm; thu hút trọng tâm vào các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, đóng góp lớn cho ngân sách… nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo đúng định hướng và đạt chỉ tiêu.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()