Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 18:52 (GMT +7)
Cách ứng phó với bệnh cước trong mùa đông
Thứ 2, 01/11/2021 | 09:31:15 [GMT +7] A A
Bệnh cước là một tổn thương cục bộ ở ngoài da vào mùa đông. Dân gian gọi là "lên cước". Y học cổ truyền gọi là cước khí, bệnh cước. Những vùng bị cước, các ngón chân, ngón tay bị sưng đỏ, có cảm giác ngứa, rát khó chịu...
Khi da chịu tác động của khí lạnh, các mạch máu ngoại vi dưới da bị co lại, khiến máu lưu thông kém, gây thiếu oxy ở vùng da cần nuôi dưỡng, tạo thành những đám da phù nề màu đỏ sẫm, đôi khi có mụn nước, xuất huyết, trợt loét, rất lâu lành. Trường hợp nặng còn có thể dẫn đến hoại tử tế bào.
2. Bệnh cước được chia thành hai thể
- Thể cấp tính: Là thể bệnh cước khí nhẹ trong chấn thương do lạnh. Biểu hiện ban đầu chỗ da bị bệnh thấy trắng nhợt, sau đó tấy đỏ, có cảm giác đau rát, hoặc ngứa, hoặc tê bì.
- Thể mạn tính: Hay gặp ở người cao tuổi, là thể bệnh cước khí nặng trong chấn thương ngoài da do lạnh. Mức độ của bệnh tùy thuộc vào nhiệt độ và thời gian chịu lạnh.
Biểu hiện ban đầu da bị tổn thương màu trắng xám hoặc tím tái, trên da có thể xuất hiện mụn nước to nhỏ khác nhau hoặc sưng tấy, đau nhức, mất cảm giác.
3. Thuốc dùng ngoài điều trị bệnh cước
a. Thể cấp tính sử dụng một trong số bài thuốc kinh nghiệm như sau:
- Bài 1: Giấm ăn 50 -100 ml, đun ấm, lấy bông thấm giấm bôi hoặc đắp vào nơi tổn thương, ngày 3-5 lần.
Giấm ăn có tác dụng giải độc, tán ứ, tiêu thũng, sát trùng.
- Bài 2: Gừng già 100g, rượu trắng 200ml; gừng thái nhỏ, ngâm trong rượu 3 ngày; lấy bông thấm rượu thuốc bôi vào nơi tổn thương, ngày bôi 3 lần.
Gừng có tác dụng ôn trung tán hàn, ôn kinh chỉ huyết; rượu trắng có tác dụng trừ phong chỉ thống hoạt huyết.
- Bài 3: Gừng già 100g, vỏ quýt tươi 50g. Gừng và vỏ quýt rửa sạch, thái nhỏ, đun kỹ với nước, để nguội, dùng bông thấm nước thuốc bôi vào nơi tổn thương chẳng hạn như đầu mũi và vành tai bị cước. Ngày bôi 3 lần, dùng liên tục 3-5 ngày.
b. Thể mạn tính dùng thuốc ngâm, đắp nước thuốc
Thành phần: Xương bồ, tế tân, huyết đằng, quế chi, xuyên khung, bạch chỉ, thăng ma, nhân hạt gấc, lá tre. Mỗi vị 20g. Các vị thuốc cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, nấu sôi, bắc ra để nguội, đổ ra chậu rồi ngâm chân trong 15 -30 phút hoặc thấm nước thuốc vào khăn bông đắp vào nơi bị cước.
Công dụng: Trừ thấp tà, sưởi ấm cân cơ huyết mạch, phục hồi chức năng sinh lý.
4. Thuốc uống trong hỗ trợ điều trị
- Bài 1: Phòng phong 10g, xa tiền 12g, lá tre 16g, kinh giới 12g, thổ phụclinh 20g, nam tục đoạn 20g, độc lực 16g, tần giao 12g, rễ cúc tần 16g, tế tân 12g, quế chi 10g, kiện 10g, chích thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Công dụng: Khu phong trừ thấp, ôn kinh tán hàn.
- Bài 2: Đinh lăng 16g, trinh nữ 20g, ngải diệp 16g, đơn hoa 16g, thổ phục linh 20g, bưởi bung 16g, tục đoạn 16g, cỏ xước 16g, kinh giới 16g, thạch xương bồ 16g, tang chi 12g, quế chi10g, kiện 10g, thăng ma 12g, trần bì 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Công dụng: Trừ phong, thông kinh hoạt lạc.
- Bài 3: Độc lực 16g, hy thiêm 16g, xương bồ 16g, ngưu tất 16g, đậu đen sao thơm 20g, rễ cỏ xước 20g, cà gai leo 16g, tất bát 12g, rễ xấu hổ 16g, củ đinh lăng 20g, thăng ma 12g, huyết đằng 20g, đương quy 16g, hà thủ ô 16g, bạch truật 12g, đại táo 3 quả, quế 10g, kiện 10g, chích thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống 7-10 ngày là 1 liệu trình.
Nếu đau nhức không ngủ được gia hắc táo nhân 16g, lá vông 20g, viễn chí 12g.
5. Phòng bệnh cước như thế nào?
Khi vừa bị lên cước, chú ý không được sưởi ấm vì có thể làm vỡ các mạch máu nhỏ, gây viêm loét đau và ngứa hơn.
Khi bị ngứa, chỉ nên xoa nhẹ, chớ gãi mạnh làm trầy xước da, dễ gây nhiễm trùng và lở loét.
Khi bệnh mới phát, da có cảm giác tê bì chỉ cần chú ý giữ ấm và ăn uống đủ nhiệt lượng, đủ chất dinh dưỡng. Người thể chất hư hàn, chịu lạnh kém có thể sử dụng thêm những món ăn, vị thuốc có tính ấm, để điều hòa khí huyết, ôn thông kinh mạch, phòng ngừa phát cước như thịt dê, thịt chó, thịt gà, gừng, mật ong, trần bì, sa nhân, nhục quế...
Đối với thể cước khí mạn tính, phòng bệnh tái phát bằng cách:
- Cần chú ý bồi bổ khí huyết.
- Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh.
- Luyện tập thể thao để tăng cường lưu thông máu trong cơ thể.
- Uống đủ từ 1,5 đến 2 lít nước/ngày.
- Ăn nhiều hoa quả và các loại rau xanh.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng nhất là những chất giàu protein.
- Không nên dùng các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản tôm, mực…
- Có thể uống một chút rượu vang vào buổi tối sẽ làm giãn các mạch máu nhỏ, giúp máu lưu thông tới các chi (đầu ngón chân và tay).
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh và các hóa chất tẩy rửa.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()