Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:26 (GMT +7)
Cách sơ cứu người bị sốc nhiệt do nắng nóng
Thứ 3, 06/07/2021 | 15:42:18 [GMT +7] A A
Sốc nhiệt do nắng nóng nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể để lại những biến chứng nặng nề, thậm chí đột tử.
Sốc nhiệt là gì?
Sốc nhiệt được hiểu đơn giản là trạng thái cơ thể bị tổn thương do nhiệt, đặc trưng là sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ lạnh sang nóng hoặc ngược lại. Sốc nhiệt thường xảy ra ở người già hoặc trẻ nhỏ khi sống trong môi trường khép kín với điều hòa quá lâu, hoặc những đối tượng không thể đổ mồ hôi hay làm mát cơ thể đủ khi họ đang chịu đựng sức nóng bên ngoài.
Sốc nhiệt thường là hậu quả của việc tập luyện hay làm việc nặng trong môi trường nóng, đi kèm với việc không uống đủ nước.Những yếu tố nguy cơ khác bao gồm mất nước, sử dụng rượu bia, bệnh tim mạch và sử dụng một số loại thuốc.
Triệu chứng chính của sốc nhiệt là việc tăng đáng kể nhiệt độ của cơ thể, thường là trên 40 độ C, kèm theo tính trạng tâm thần thay đổi có thể từ thay đổi tính tình cho đến lú lẫn và hôn mê. Da có thể nóng và khô, tuy nhiên sốc nhiệt do gắng sức thì da thường ẩm.
Cách xử lý khi bị sốc nhiệt
Khi phát hiện người nghi bị sốc nhiệt cần nhanh chóng làm mát cơ thể bằng cách đưa vào nơi có bóng râm, mát hoặc đưa vào trong nhà, cởi bỏ bớt quần áo.
Đồng thời làm mát người bằng cách phun nước mát, ngâm nước mát, nhúng khăn vào nước mát lau lên người, có thể đặt túi nước đá, khăn lạnh vào đầu, cổ, nách, háng người bệnh.
Cho người bệnh uống nước mát hoặc các loại đồ uống không có cồn khác nếu họ có thể uống được.
Theo dõi thân nhiệt của nạn nhân thường xuyên, liên tục làm mát cho đến khi nhiệt độ giảm xuống còn khoảng 38,3 - 38,8 độ C.Lưu ý, trong trường hợp này, không dùng thuốc hạ sốt cho bệnh nhân vì thuốc hạ sốt không có giá trị khi bị sốc nhiệt.
Nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị ngay, tránh xảy ra biến chứng.Nếu dịch vụ cấp cứu ở xa hay không đến ngay lập tức được có thể hỏi các nhân viên y tế cách cấp cứu nạn nhân.
Tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) nếu người bệnh mất ý thức và không thấy có dấu hiệu tuần hoàn như tự thở, ho và cử động.
Phòng ngừa sốc nhiệt
Những ngày thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, nên hạn chế ra ngoài đường khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo chống nắng, đeo kính chống nóng.
Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, dẫn đến thay đổi đột ngột nhiệt độ khi ra ngoài, không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Điều quan trọng trong phòng ngừa sốc nhiệt là tránh để cơ thể mất nước và không hoạt động mạnh trong những ngày thời tiết nóng ẩm. Nếu phải hoạt động nhiều trong những ngày nóng ẩm, cần uống nhiều nước (bao gồm nước lọc và các thức uống thể thao bù muối và chất khoáng), tránh uống các thức uống có cồn, cafein và đường vì có thể gây mất nước.
Cần bổ sung các chất điện giải (natri) và nước cho cơ thể nếu đổ mồ hôi nhiều, hoặc làm việc dưới ánh mặt trời lâu trong những ngày nắng nóng. Thường xuyên nghỉ giải lao, mặc quần áo mỏng nhẹ, sáng màu.
Theo tieudung.vn
Liên kết website
Ý kiến ()