Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:40 (GMT +7)
Cách phòng tránh bệnh tiêu chảy do Rotavirus, bố mẹ nhất định phải nhớ
Thứ 6, 03/02/2023 | 17:27:01 [GMT +7] A A
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, mãi đến năm 1980 mới nghiên cứu và xác định virus Rota là nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Đó là một bệnh rất phổ biến đứng thứ hai sau nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ em.
Ở miền Bắc, bệnh thường xảy ra vào mùa thu đông kéo dài tới mùa xuân (khi thời tiết mưa, lạnh, ẩm ướt). Ở miền Nam, bệnh xảy ra quanh năm, nhiều nhất là vào tháng 3 và tháng 9.
Tại Việt Nam khoảng 56% số trẻ nhập viện do viêm dạ dày ruột cấp là do nhiễm virus Rota. Hàng năm, số trẻ chết do virus Rota chiếm từ 4-8% trong tổng số trẻ dưới 5 tuổi bị chết vì mọi nguyên nhân.
Triệu chứng nhận biết bệnh tiêu chảy Rota
Theo ThS.BSNT Trần Tiến Tùng - khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, nôn mửa là dấu hiệu xuất hiện đầu tiên khi trẻ mắc bệnh tiêu chảy Rota. Triệu chứng này thường xuất hiện trong vòng từ 6 - 24 giờ trước khi triệu chứng tiêu chảy xuất hiện. Tình trạng nôn mửa sẽ giảm dần khi tiêu chảy xuất hiện.
Tiêu chảy: trẻ đi phân lỏng nhiều nước thường có màu xanh và chứa nhầy nhớt dễ nhận biết. Đối với trẻ sơ sinh thường đi ngoài phân lỏng khoảng 20 lần/ngày và đối với trẻ từ 1 - 5 tuổi thường đi trên 10 lần trong ngày.
Cơ thể mất nước thường khiến cho trẻ khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô,… Khi nhận thấy các dấu hiệu này, bố mẹ cần bổ sung nước ngay cho trẻ để bù lại lượng nước đã mất do đi ngoài. Nên bổ sung nước khoáng hoặc nước có chứa thành phần muối dành cho trẻ bị tiêu chảy để tránh dẫn đến tình trạng mất nước, mất muối dễ gây tử vong nếu không được bù nước kịp lúc.
Trẻ thường quấy khóc, khó chịu, mệt lã, ăn uống kém, mệt mỏi,…
Dấu hiệu kèm theo có thể xuất hiện sau tiêu chảy là sốt cao, ho, sổ mũi,…
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy Rota
Đối với trẻ sơ sinh bú bình thì nguyên nhân gây tiêu chảy Rota cấp thường do bình sữa không đảm bảo vệ sinh, nhiễm khuẩn từ môi trường. Vì vậy so với trẻ bú mẹ thì trẻ bú bình thường có nguy cơ mắc tiêu chảy Rota cao hơn.
Thực phẩm không được bảo quản đúng cách sau khi chế biến cũng như tình trạng đun lại thức ăn nhiều lần cũng khiến cho hệ tiêu hóa của trẻ dễ bị virus Rota tấn công.
Thức ăn bị ô nhiễm trong quá trình chế biến đặc biệt là đối với các món thịt tươi sống như thịt bò, thịt heo, cá.
Virus Rota có khả năng sinh trưởng mạnh trong môi trường nước nên khi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm và nước chưa đun sôi hoặc để lâu khi trẻ uống sẽ dễ mắc bệnh. Đối với những gia đình sử dụng máy lọc nước trực tiếp từ nguồn nước cũng cần đảm bảo đun sôi trước khi cho con sử dụng.
Virus Rota có thể truyền nhiễm từ dụng cụ hoặc tay người chế biến thức ăn bị nhiễm bệnh trước đó.
Trẻ có thói quen đưa tay vào miệng khi chơi đùa hoặc khi ăn và trong đó có thể chứa virus Rota vì thế cần tập thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn cho trẻ.
Cách phòng bệnh tiêu chảy Rota ở trẻ
Điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày
Ăn chín uống sôi là tiêu chí hàng đầu để phòng bệnh tiêu chảy Rota.
Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn kém vệ sinh.
Nên tiệt trùng bình sữa, dụng cụ ăn uống của trẻ bằng nước sôi hoặc máy tiệt tùng chuyên dụng trước khi ăn uống.
Vệ sinh khu vực sinh hoạt, đồ chơi của trẻ thường xuyên để tránh virus Rota có thể bám trên bề mặt.
Thường xuyên bổ sung các loại vitamin, khoáng chất hoặc các loại men vi sinh để tăng đề kháng cho hệ tiêu hóa của trẻ.
Sử dụng vaccine để phòng bệnh
Ngoài các biện pháp phòng ngừa bằng cách giữ vệ sinh cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hàng ngày thì virus Rota vẫn có cơ hội xâm nhập và tạo ra triệu chứng tiêu chảy Rota. Đặc biệt do hệ miễn dịch còn yếu cũng như hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện thì tỉ lệ bệnh nặng cao hơn so với người lớn.
Hiện nay, uống vaccine phòng tiêu chảy do virus Rota đã được Việt Nam triển khai phổ biến thông qua gói tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo thống kê thì loại vaccine này đã giảm hơn 84% số trẻ mắc bệnh chuyển biến nặng và giảm đến 85% tỉ lệ tử vong.
Chính vì thế các tổ chức y tế thế giới khuyến cáo cho trẻ sử dụng vaccine phòng ngừa bệnh tiêu chảy Rota càng sớm càng tốt. Nên cho trẻ sử dụng vaccine vào thời điểm 6 tuần tuổi hoặc trước 6 tháng tuổi để đảm bảo phát huy tốt khả năng phòng ngừa bệnh tiêu chảy Rota cho trẻ.
Mặc dù bệnh tiêu chảy Rota là bệnh nguy hiểm đối với trẻ em nhưng hiện nay việc sử dụng vaccine đã giúp hạn chế tối đa rủi ro nhập viện, tử vong do loại virus này.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()