Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:36 (GMT +7)
Cách phân biệt ho do viêm phổi và cảm lạnh
Thứ 5, 28/10/2021 | 10:28:10 [GMT +7] A A
Giao mùa, nhất là đêm và sáng nhiệt độ xuống thấp khiến nhiều người mắc các bệnh về hô hấp gây ho. Làm thế nào để phân biệt ho do viêm phổi và ho do cảm lạnh để có những phương pháp điều trị kịp thời?
1. Thời tiết thay đổi dễ bị viêm đường hô hấp
Theo PGS. TS Cao Minh Thành - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV Đại học Y Hà Nội, trong thời điểm giao mùa, nhiệt độ thay đổi liên tục là lúc các bệnh cảm cúm, viêm đường hô hấp gia tăng. Vào mùa này, nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày đêm nhiều người không chủ quan, mặc quần áo đủ ấm dễ bị nhiễm lạnh. Người già, trẻ con hoặc người có hệ miễn dịch kém rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp.
Nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp cấp tính trên có thể do virus, vi khuẩn và các tác nhân khác.
Dấu hiệu sớm của một người bị nhiễm bệnh ở đường hô hấp trên là:
- Ho, đau họng,
- Hắt hơi, sổ mũi,
- Có thể kèm theo sốt, nhức đầu.
Bệnh hô hấp do virus thường diễn tiến từ 5-7 ngày, sau đó sẽ giảm dần rồi hết. Nếu sau thời gian này bệnh không đỡ mà người bệnh nặng hơn như thay đổi màu sắc dịch ở họng, mũi….. có thể bệnh nhân đã bị bội nhiễm vi khuẩn.
Biến chứng của viêm đường hô hấp trên xuất hiện ở những cơ quan lân cận như tai, họng, thanh quản… biến chứng xa hơn là viêm phổi.
2. Phân biệt ho do viêm phổi và ho do cảm lạnh
Để phân biệt ho do viêm phổi và ho do cảm lạnh, cần phải chú ý những điểm sau:
2.1. Với bệnh viêm phổi:
Ho thường diễn ra kèm theo có tình trạng sốt, nhưng ở người cao tuổi thường diễn ra âm thầm khó phân biệt. Đối với trẻ em, hầu hết trẻ sốt chủ yếu là trên 38 độ C và kéo dài thời gian sốt, dù cho đã uống thuốc hạ sốt và lặp đi lặp lại.
Trong quá trình bị viêm phổi, ngoài ho, sốt người bệnh sẽ bị khó thở, mệt mỏi, có thể bị sụt cân nhiều do chán ăn, ăn không ngon, tức ngực. Hầu hết trẻ em bị viêm phổi, triệu chứng ho kèm với thở khò khè nặng, nghiêm trọng hơn có thể gây khó thở.
Riêng đối với bệnh viêm phổi cấp thì người bệnh ho nhiều, khạc đờm có màu vàng, sốt cao, đau ngực nhiều và cơn đau tăng lên khi ho và hít thở sâu.
Với bệnh viêm phổi mạn tính thì bệnh diễn biến từ từ. Bệnh viêm phổi mạn tính thường xảy ra ở người mắc các bệnh ở đường hô hấp trên như viêm họng, viêm amidan tái phát nhiều lần và điểm khác biệt nữa trong bệnh viêm phổi mạn tính là người bệnh có thể ho kèm theo sốt nhẹ, nhưng nhiều trường hợp sốt rất nhẹ nên dễ bị bỏ qua.
2.2. Ho do cảm lạnh:
Tình trạng ho có kèm theo hắt hơi liên tục, nếu có sốt thì chỉ là sốt nhẹ và một thời gian ngắn, uống thuốc, chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ sẽ sớm khỏe mạnh trở lại. Các biểu hiện của cảm lạnh chỉ kéo dài trong vòng 5-7 ngày nhưng làm cho sức đề kháng của cơ thể yếu đi. Người bệnh ho nhiều thường có đờm, đờm loãng, màu trắng và dễ khạc nhổ.
Người bệnh ho nhiều hơn vào ban đêm và khi thời tiết ấm hơn sẽ bớt ho. Ở một số trường hợp ho hoặc thở khò khè do cảm lạnh thường nhẹ hơn và không gây khó thở.
3. Khi nào ho trở nên nghiêm trọng?
Đối với ho do cảm lạnh nếu chăm sóc và có chế độ dinh dưỡng tốt sẽ khỏi dần. Nhưng cũng có thể là khởi đầu cho bệnh về đường hô hấp nặng hơn sau vài ngày. Nếu tình trạng không thuyên giảm, sau 2-3 ngày mà có dấu hiệu nặng lên như ho tăng, chán ăn, mệt mỏi kèm theo sốt không đỡ… cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Các dấu hiệu cảnh báo ho nguy hiểm
- Nếu ho kéo dài hơn ba tuần, điều trị bằng thuốc không giảm, có kèm theo sốt, ho có đờm xanh, nâu gỉ, vàng, ho ra máu, thở nông hoặc đau ngực khi ho có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm...
- Đối với các bệnh nhân có tiền sử hen, lao phổi, huyết áp tăng, đau dạ dày, sụt cân nhiều nên đến bác sĩ tìm nguyên nhân để điều trị tận gốc như hen, viêm phế quản mạn, suy tim sung huyết, viêm phổi, lao phổi, viêm họng, viêm amidan, ung thư phổi...
4. Chăm sóc khi cảm lạnh
Thông thường khi bị cảm, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, khó chịu do đó rất cần được nghỉ ngơi. Nếu là trẻ đang trong độ tuổi đi học thì mẹ nên cho trẻ nghỉ học vài hôm để nghỉ ngơi, đồng thời cũng hạn chế việc lây lan virus cảm lạnh cho các trẻ khác.
Nếu chỉ sốt nhẹ (dưới 38 độ C) thì không cần thiết phải sử dụng đến thuốc hạ sốt. Bên cạnh đó, có thể giúp giảm ho bằng cách sử dụng bạc hà, chanh, lá hẹ hấp mật ong. Riêng với mật ong, chỉ an toàn khi sử dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên nên với trẻ nhỏ có ho thì việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ cần thận trọng hơn.
Về dinh dưỡng giúp nhanh khỏi với người cảm thì nên ăn các thức ăn dễ tiêu hóa, lỏng như súp, cháo, phở, bún... đủ dinh dưỡng, chia nhỏ bữa.
Ở người lớn nên ăn cháo giải cảm, uống trà nóng. Ở trẻ nhỏ ăn súp gà nấm cùng với việc tăng cường bú mẹ, uống sữa nóng, uống nước hoa quả, nước ấm… sẽ giúp giảm ho và các triệu chứng khác của cảm lạnh.
5. Chăm sóc người bệnh viêm phổi
Những triệu chứng của viêm phổi là sốt, khó thở, ho đều làm tăng năng lượng của cơ thể đặc biệt là trong quá trình phục hồi, cơ thể càng cần được cung cấp đủ năng lượng, chất dinh dưỡng.
Tuy nhiên khi bệnh, một số người nhất là những người lớn tuổi thường cảm giác ăn không ngon miệng, chán ăn, buồn nôn, dễ cảm giác no, do đó đa số người bệnh thường thiếu năng lượng.
Nguyên tắc dinh dưỡng là ăn đầy đủ ba bữa chính.
-
Nếu người bệnh ăn kém cần chia nhỏ bữa ăn, ăn thêm 2-3 bữa phụ: những loại thực phẩm giàu năng lượng như bánh quy, sữa chua, bánh, trái cây.
-
Bổ sung những loại thực phẩm cao năng lượng vào bữa ăn như phô mai, bơ, dầu thực vật.
-
Uống thêm nước trái cây.
-
Bổ sung sản phẩm dinh dưỡng đường uống (nếu người bệnh vẫn thấy sụt cân nhiều hoặc lượng ăn thêm vào vẫn không đủ nhu cầu năng lượng).
-
Cung cấp đầy đủ chất đạm rất cần thiết cho quá trình điều trị và phục hồi viêm phổi, để tái xây dựng những mô bị tổn thương, tổng hợp những chất tăng cường hệ miễn dịch...
-
Kết hợp đạm động vật như thịt, cá, trứng, sữa (khoảng 150-200g/ngày), và đạm thực vật như các loại đậu (đậu xanh, đậu trắng, đậu Hà Lan, đậu cô ve, đậu nành), các loại hạt (đậu phộng, óc chó, hạnh nhân, macca...).
-
Với những người bệnh có cảm giác chán ăn, no lâu có thể ưu tiên ăn thức ăn trước (thịt, cá, trứng, đậu,...), ăn những thực phẩm khác sau.
-
Có thể bổ sung thêm những thực phẩm giàu đạm khác vào khẩu phần ăn nếu ăn không đủ nhu cầu như sữa tươi tách béo, lòng trắng trứng, sữa chua…
Tóm lại, khuyến khích người bệnh ăn đủ năng lượng, đạm. Ăn thêm bữa phụ. Uống đủ nước. Ăn đủ rau xanh, trái cây...
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()