Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:54 (GMT +7)
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Những điều đáng tự hào
Thứ 5, 19/08/2021 | 08:31:03 [GMT +7] A A
Mùa thu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo lời kêu gọi của Người: “Giờ quyết định vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một, nhất tề vùng lên giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vẻ vang nhất, đánh dấu một cuộc biến đổi cực kỳ to lớn trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Kể từ đây, dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; Đảng Cộng sản Đông Dương từ một đảng hoạt động bí mật trở thành một đảng cầm quyền; nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, một nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Khái quát ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc". (Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng năm 1951).
Hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng dấu ấn về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn không phai mờ trong mỗi người dân Việt Nam. Và khi nhắc đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có bốn điều khiến chúng ta cảm thấy tự hào:
Thứ nhất, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là điển hình về “nghệ thuật” binh pháp.
“Nghệ thuật” binh pháp của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được thể hiện trước tiên thông qua việc huy động đúng đắn lực lượng chính trị quần chúng với sử dụng lực lượng vũ trang tiến công quân sự và khéo kết hợp hai hình thức đấu tranh: Đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự để thúc đẩy phong trào cách mạng cả nước phát triển mạnh mẽ chính là mấu chốt giành thắng lợi.
Thời kỳ này ta động viên được đông đảo quần chúng tham gia, với 20 triệu người, đủ các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam (công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức, tư sản dân tộc…). Quần chúng với vũ khí rất thô sơ (cuốc, gậy gộc, giáo mác…), thậm chí là tay không đã đứng lên đấu tranh dưới các hình thức: Mít tinh có vũ trang, biểu tình - tuần hành thị uy, biểu tình vũ trang… Trong khi đó, phát xít Nhật và thực dân Pháp sử dụng vũ khí quân sự, súng ống và trang bị đầy đủ, có cả xe tăng.
Cùng với sự tham gia đông đảo của quần chúng, lực lượng vũ trang tuy còn ít về số lượng, vũ khí, trang bị thô sơ nhưng đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lực lượng chính trị, tạo động lực, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy, giành chính quyền.
“Nghệ thuật” binh pháp của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn thể hiện ở việc chọn đúng thời cơ tổng khởi nghĩa, mà như Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: Đây là thời cơ “ngàn năm có một”. Thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đó là lúc 16.000 quân Anh chưa vào miền Nam và khi 20 vạn quân Tưởng chưa vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật; quân Nhật bại trận mất tinh thần, hoang mang, rệu rã ngồi chờ quân Đồng minh đến tước vũ khí; còn chính quyền Trần Trọng Kim thì bỏ trốn hoặc đầu hàng chính quyền cách mạng. Do chọn đúng thời cơ nên sức mạnh của toàn dân ta được nhân lên gấp bội, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước một cách nhanh, gọn, ít đổ máu và thành công triệt để.
Thứ hai, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một thắng lợi thần tốc.
Ngay chiều tối ngày 13/8/1945, khi nhận được tin phát xít Nhật đã bại trận và chuẩn bị đầu hàng quân Đồng minh thì ngay lập tức, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc; đồng thời soạn thảo “Quân lệnh số 1”. Đến 23 giờ đêm cùng ngày, bản “Quân lệnh số 1” hoàn thành và được phát đi ngay, hạ lệnh tổng khởi nghĩa trên toàn quốc. Từ ngày 13 trở đi, cuộc tổng khởi nghĩa diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ và liên tiếp giành thắng lợi ở nhiều địa phương trong cả nước. Đến ngày 28/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền tại các tỉnh lỵ Đồng Nai Thượng và Hà Tiên, cơ bản kết thúc cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước.
Như vậy, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những cuộc cách mạng thành công nhanh nhất thế giới, vẹn vẻn chỉ trong 15 ngày (từ ngày 13 đến ngày 28/8/1945).
Thứ ba, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi đầu tiên trong thời đại mới của một dân tộc nhược tiểu đã tự đấu tranh giải phóng khỏi ách đế quốc, thực dân.
Thắng lợi ấy tạo ra làn sóng cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do của các nước thuộc địa ở châu Á và châu Phi như: Inđônêxia cùng giành được độc lập trong tháng 8/1945; Ấn Độ giành độc lập năm 1947; Mianma giành độc lập năm 1948; Marôc giành độc lập năm 1956; Malaixia giành độc lập năm 1957; Ăngôla giành độc lập năm 1961; Angiêri giành độc lập năm 1962…
Thứ tư, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được thế giới kính phục, lấy làm hình mẫu cho nhiều nước khác đứng lên đấu tranh giành chính quyền.
Khi nói về Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sử gia Charles Fourniau (nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt) đã khẳng định: Cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam có ý nghĩa quốc tế, bởi lẽ đây là một trong những phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu tiên trên thế giới.
Giáo sư Aleksandr Sokolovsky (Trưởng khoa Nghiên cứu các nước Nam Á và Đông Nam Á, Trường Đại học Tổng hợp Viễn Đông) lại cho rằng: Theo tôi, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự hình thành của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có ý nghĩa rất to lớn. Tôi không hình dung điều gì sẽ đến với Việt Nam nếu không có cuộc cách mạng này. Thậm chí khái niệm Việt Nam thống nhất cũng sẽ không tồn tại.
Còn sử gia Locksley Edmondson (Trường Đại học Cornell Mỹ) khẳng định: Đó là một sự kiện lớn của thế giới. Trên bình diện quốc tế, nó còn là hình mẫu và là động lực cho nhiều nước khác đứng lên đấu tranh, đánh đuổi thực dân, giành lại chính quyền.
Trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã viết nên nhiều trang sử vẻ vang với những chiến công chói lọi chống ngoại xâm và chống ách thống trị của nước ngoài. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những trang sử vẻ vang, chói lọi nhất, tạo ra những điều kiện đặc biệt quan trọng để nhân dân Việt Nam bước tiếp và giành nhiều thắng lợi quan trọng có ý nghĩa lịch sử trong suốt hơn 70 năm qua.
GV Nguyễn Thị Nhị (Khoa Xây dựng Đảng, Trường Đào tạo Cán bộ Nguyễn Văn Cừ)
- Mãi tỏa sáng tinh thần Cách mạng Tháng Tám
- Cách mạng Tháng 8: Sức mạnh của lòng dân và tinh thần đoàn kết
- Cách mạng tháng 8: Bài học về sự sáng tạo của Đảng và đoàn kết dân tộc
- Sức mạnh đoàn kết dân tộc
- Lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám
- Bài học về đại đoàn kết làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám
Liên kết website
Ý kiến ()