Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:07 (GMT +7)
Cách khắc phục chứng ra mồ hôi tay đơn giản không thể ngờ
Thứ 3, 23/04/2024 | 09:59:45 [GMT +7] A A
Với mọi người, cái bắt tay là điều quá dễ dàng. Nhưng với người bị bệnh ra mồ hôi tay chân, điều đó gây không ít bối rối, khó xử.
Những người không thể cách ly khăn giấy
Càng ngày càng có nhiều người khổ sở vì chứng ra mồ hôi tay chân. Có người mồ hôi ra nhiều đến mức cứ đi tất được một lúc là ướt. Chưa hết, họ còn liên tục bị khó xử vì chân thường xuyên ở trong tình trạng bị “rau mùi”. Đối với học sinh, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc viết bài vì mồ hôi tay khiến vở rất dễ rách, và mực thấm lem nhem.
Khi trưởng thành, phải giao tiếp xã hội nhiều hơn, việc bắt tay gần như trở thành cực hình. Có bệnh nhân chia sẻ, những lần từ chối không được, giơ tay ra bắt rồi lại nhìn người ta kín đáo chùi tay vào đâu đó khiến họ rất mặc cảm.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hà (Viện Da liễu Việt Nam), bệnh ra mồ hôi tay chân khá thường gặp, cả ở trẻ em và người già. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây nhiều cản trở trong sinh hoạt, giao tiếp. Nếu không kiểm soát tốt bệnh có thể gây một số biến chứng như viêm da, lở loét...
Tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh, bác sĩ có thể tư vấn cho bệnh nhân dùng thuốc. Chủ yếu là các thuốc kháng cholinergic, atropin, đối giao cảm để ức chế tiết mồ hôi bằng cách ức chế dẫn truyền hạch thần kinh.
Nặng hơn, có thể phẫu thuật cắt hạch giao cảm ngực bằng phương pháp nội soi dưới màng phổi nhằm lấy các hạch từ C2 đến C5. Tuy nhiên, cách này chỉ điều trị vĩnh viễn mồ hôi tay mà không thể điều trị được mồ hôi chân.
Gần đây, ở Việt Nam đã khá phổ biến phương pháp điều trị bằng điện di ion không dùng phẫu thuật. Trên thực tế, người bệnh có thể thoát khỏi chứng ra mồ hôi tay trong một thời gian nhất định khi dùng phương pháp này (khoảng 6 tháng). Tuy nhiên, có một số đối tượng không được áp dụng phương pháp trị liệu này bao gồm: những người mang máy tạo nhịp tim; phụ nữ đang mang thai; những người mang dụng cụ chỉnh hình trong người.
Cách tự khắc phục
Theo bác sĩ Hà, các bệnh nhân bị ra mồ hôi tay có thể tìm cách tự khắc phục trước. Trường hợp bệnh quá nặng mới nên nghĩ đến phương pháp phẫu thuật.
Theo kinh nghiệm dân gian, có thể nhổ cây lá lốt lấy cả rễ, rửa thật sạch, đem phơi cho tái đi, sau đó sao vàng hạ thổ rồi dùng để đun nước uống hoặc ngâm chân, tay. Nước lá lốt có tác dụng hạn chế việc ra mồ hôi và khử khuẩn, khiến tình trạng “rau mùi” được cải thiện đáng kể.
Cũng có thể dùng giấm táo giúp cân bằng độ pH trong cơ thể để làm giảm lượng mồ hôi tay. Loại men này cũng giúp se khít lỗ chân lông, hạn chế dầu thừa trên tay. Ngoài ra, nó còn có tác dụng kháng khuẩn, chống nấm hiệu quả. Cách làm: lau tay bằng khăn đã thấm ướt bằng giấm táo hữu cơ 2 lần/ngày hoặc trộn giấm với nước theo tỉ lệ 1:1, ngâm tay 5 phút. Sau đó rửa tay bằng xà phòng và nước sạch
Yếu tố tâm lý cũng là nguyên nhân gây ra mồ hôi tay. Một số người khi gặp căng thẳng quá độ sẽ toát mồ hôi tay rất nhiều. Nếu bạn thuộc trường hợp này, hãy khắc phục bằng cách tránh căng thẳng, luân phiên nghỉ ngơi làm việc; thư giãn giúp giải tỏa mệt mỏi bằng cách xem phim, nghe nhạc, du lịch; thực hiện những bài tập thể dục mà bạn cảm thấy thoải mái để nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng, làm giảm stress, tuyến mồ hôi sẽ ít hoạt động hơn.
Ngoài những cách ở trên, chế độ ăn uống hợp lý cũng là một biện pháp để xóa bỏ tình trạng ra mồ hôi tay. Có những món ăn làm kích thích tuyến mồ hôi hoạt động như là đồ ăn có vị cay, món ăn có gia vị nhiều, chứa hành tây và tỏi. Các thực phẩm chế biến sẵn hoặc chứa nhiều muối cũng làm đổ mồ hôi tay nhiều hơn. Ngoài ra, nên hạn chế sử dụng các đồ uống chứa caffein nóng và thức uống chứa cồn.
Bên cạnh đó, việc bổ sung các thực phẩm chứa vitamin B và magie cũng giúp giảm tình trạng ra mồ hôi tay. Vitamin B giúp kiểm soát tốt nhiệt độ cơ thể, không quá nóng cũng không quá lạnh. Một số thực phẩm giàu Vitamin B có thể kể đến cá, thịt gia cầm, trứng, rau xanh, ngũ cốc nguyên cám…
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()