Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:40 (GMT +7)
Cách giúp trẻ giảm khó chịu khi bị đầy hơi
Thứ 3, 18/04/2023 | 14:09:48 [GMT +7] A A
Đầy hơi là hiện tượng hoàn toàn phổ biến và bình thường ở trẻ sơ sinh do hệ tiêu hóa còn yếu và chưa hoàn thiện ở độ tuổi này.
Đầy hơi là hiện tượng bình thường đối với trẻ sơ sinh và trẻ thường kiểm soát được bằng cách ợ hơi hoặc xì hơi. Đầy hơi đặc biệt phổ biến trong 3 tháng đầu đời khi đường tiêu hóa của trẻ vẫn đang trưởng thành, có thể tồi tệ hơn vào ban đêm. Hầu hết trường hợp đầy hơi là do nuốt quá nhiều không khí, nhưng có thể có những lý do khác khiến trẻ gặp phải tình trạng này.
Mặc dù khí thường không gây hại, áp suất mà bong bóng khí tạo ra có thể gây đau và khó chịu khi khí bị mắc kẹt trong dạ dày hoặc ruột của bé.
Dấu hiệu
Theo Healthshots, tiến sĩ Vinay H Joshi, bác sĩ nhi khoa và sơ sinh cấp cao, Tập đoàn Bệnh viện Cloudnine, Mumbai (Ấn Độ), cho biết trẻ sơ sinh đầy hơi có các dấu hiệu đặc trưng bao gồm:
-
Khóc quá nhiều hoặc quấy khóc kéo dài hơn một giờ mỗi ngày.
-
Thường xuyên càu nhàu và nhăn mặt vì đau.
-
Thường xuyên nôn trớ.
-
Bụng chướng hoặc đầy hơi.
-
Co hai chân lên nằm sấp và vặn vẹo vì khó chịu và đau đớn.
-
Giảm ăn và ăn ngắt quãng.
-
Giấc ngủ bị xáo trộn hoặc giảm sút.
Nguyên nhân
Nhiều yếu tố có thể góp phần khiến bé bị đầy hơi.
Hệ tiêu hóa đang phát triển
Hệ thống tiêu hóa của em bé vẫn đang phát triển trong vài tháng đầu tiên. Tiến sĩ Joshi cho biết ruột chưa trưởng thành hoặc đang phát triển của trẻ cho phép thức ăn đi qua nhanh chóng mà không bị phân hủy hoàn toàn. Điều này dẫn đến hình thành nhiều khí hơn.
Ngậm vú không đúng cách
Việc ngậm ti rất quan trọng đối với trẻ sơ sinh vì nó giúp trẻ sơ sinh bú đủ sữa để phát triển khỏe mạnh. Khi làm không đúng cách, em bé sẽ nuốt nhiều không khí hơn.
Tư thế sai khi cho con bú
Có những tư thế cho con bú hiệu quả và nếu không được thực hiện đúng cách, em bé có thể gặp vấn đề về đầy hơi. Tư thế bú đúng là đầu của em bé nên được giữ cao hơn bụng.
Trẻ bú bình
Nếu bạn chọn cho bé bú bình, có khả năng trẻ sẽ nuốt quá nhiều không khí.
Trẻ uống sữa công thức
Một số bà mẹ thích cho con uống sữa công thức, nhưng quá nhiều đường sữa có thể khiến trẻ bị đầy hơi. Ngoài ra, nhiều trẻ quá mẫn cảm với một số loại sữa công thức (hoặc thực phẩm trong chế độ ăn của người mẹ đang cho con bú) cũng có thể bị đầy hơi.
Cách giúp bé bớt đầy hơi
Nếu các vấn đề về dạ dày của con dường như là một vấn đề, dưới đây là những việc cần làm đối với trẻ đầy hơi:
- Cho trẻ ăn sớm trước khi bé khóc vì đói lâu: Nếu trẻ khóc nhiều trước khi bú sữa có thể khiến trẻ bị đầy hơi. Tốt nhất là dự kiến thời gian cho ăn. Sau đó bắt đầu cho trẻ ăn đúng giờ để trẻ không khóc lâu vì đói.
- Đảm bảo tư thế cho con bú đúng cách: Bế con đúng cách khi cho con bú và tập trung vào việc cho con bú tốt. Làm đúng hai điều này để đảm bảo trẻ không bị đầy hơi.
- Cho bé ợ hơi: Cho trẻ ợ hơi khi bạn đang cho trẻ bú và sau khi cho trẻ bú là điều quan trọng nhất cần làm. Rất nhiều trẻ sơ sinh khó chịu là do nuốt phải không khí trong khi bú. Ngoài việc cho bé ợ hơi sau khi bú, hãy thử vỗ lưng nhẹ nhàng cho bé giữa bữa ăn để loại bỏ không khí đã nuốt trước khi đi đến ruột của bé.
Dấu hiệu khác cho thấy bé cần được ợ hơi giữa bữa ăn là bé quấy khóc bỏ bú mẹ hoặc bú bình chỉ sau vài phút bú, điều này có nhiều khả năng liên quan đến đầy hơi hơn là cảm giác no.
- Cho bé "đạp xe" tập thể dục: Giữ chân bé và nhẹ nhàng đạp xe theo chuyển động đạp xe đạp về phía bụng để tự đẩy không khí bị mắc kẹt ra ngoài. Hoặc nhẹ nhàng đẩy đầu gối của bé lên ngang bụng và giữ trong 10 giây, sau đó thả ra và duỗi thẳng chân. Lặp lại nhiều lần.
- Cho trẻ nằm sấp: Đặt bé nằm sấp, một tay đặt dưới bụng trẻ, một tay nhẹ nhàng xoa bóp vùng lưng của bé. Đợi 20-30 phút sau khi cho con bú (luôn luôn sau khi ợ hơi). Đặt tay dưới bụng có thể làm giảm bớt áp lực từ khí. Ngoài ra, việc massage nhẹ nhàng có thể làm dịu cơn quấy khóc của trẻ.
- Cân nhắc thay đổi loại sữa công thức: Bạn có thể dùng sữa công thức ít đường sữa hoặc protein thủy phân cho con mình, nhưng hãy làm điều đó sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa.
- Kiểm tra chế độ ăn uống của bạn nếu đang cho con bú: Nếu bạn đang cho con bú, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa về việc liệu bạn có nên thử cắt bỏ những thực phẩm có khả năng gây đầy hơi ở trẻ hay không. Một số thứ có thể khiến bé bị đầy hơi bao gồm các sản phẩm từ sữa, caffeine, hành, tỏi, thức ăn cay và bắp cải.
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()