Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 15:26 (GMT +7)
Cách chống đau xương khớp khi trời lạnh
Thứ 3, 26/12/2023 | 16:32:52 [GMT +7] A A
Sự thay đổi của thời tiết kéo theo sự thay đổi của các yếu tố bên trong cơ thể như độ nhớt của máu và dịch khớp, sự kết tủa của các muối, thay đổi nồng độ các hóa chất trung gian trong cơ thể, thay đổi vận mạch gây đau xương khớp.
Các bệnh đau xương khớp hay gặp trong mùa lạnh
GS.TS Trần Trung Dũng - trưởng bộ môn chấn thương chỉnh hình, Đại học Vin University, cho biết nhiều nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết lên bệnh xương khớp. Đau xương khớp tăng lên có liên quan đến thay đổi nhiệt độ, áp lực hơi nước, độ ẩm không khí.
Nhiệt độ thấp, áp lực khí quyển cao và độ ẩm lớn là những yếu tố khí hậu ảnh hưởng lớn đến bệnh viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, cơn gút cấp, hội chứng Raynaud (cứng khớp, thoái hóa khớp, xơ cứng bì toàn thể...
Các bệnh khớp thường gặp là:
- Bệnh thấp khớp cấp hay còn gọi là bệnh thấp tim, hay gặp ở lứa tuổi học đường, xuất hiện sau nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, đặc biệt là viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn bêta nhóm A.
Trẻ có biểu hiện ban đầu như viêm họng, sốt cao. Sau vài tuần kể từ khi bị viêm họng, trẻ có thể xuất hiện các viêm khớp cấp do thấp. Viêm khớp có tính chất xảy ra đột ngột, hay gặp ở các khớp to vừa như khớp gối, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay, ít gặp viêm các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân, hoặc viêm một khớp đơn độc.
Các khớp bị viêm sưng to, nóng, đỏ, đau, có thể có dịch nhưng không bao giờ bị hóa mủ. Khớp viêm thường không đối xứng, hay di chuyển từ khớp này sang khớp khác.
Viêm khớp có thể tự khỏi, nhưng thường khỏi nhanh hơn khi dùng thuốc chống viêm. Trong khi biểu hiện ở khớp thường khỏi nhanh, khỏi hoàn toàn không để lại di chứng thì biểu hiện ở tim thường nặng nề và là biểu hiện nguy hiểm nhất của bệnh.
Ngoài các triệu chứng ở khớp, ở tim... trẻ còn có thể có các triệu chứng thần kinh như co giật, liệt, hôn mê; đau bụng, tiểu ra máu...
Viêm khớp dạng thấp là bệnh chủ yếu gặp ở nữ giới, tuổi trung niên, viêm khớp kéo dài với các đợt sưng đau khớp cấp tính, bệnh nhân thường sưng đau nhiều khớp, sốt, có thể có các biểu hiện ở các cơ quan khác.
Nếu không được điều trị, các khớp nhanh chóng bị biến dạng, dính khớp. Các khớp thường gặp nhất là các khớp nhỏ ở bàn tay, khớp cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân, cả hai bên.
Ở giai đoạn muộn, thường biểu hiện ở các khớp vai, háng, cột sống cổ. Buổi sáng, khi mới ngủ dậy, người bệnh thấy có cảm giác cứng tại khớp, khó vận động. Dấu hiệu này rõ nhất ở các khớp cổ tay và bàn tay, khiến người bệnh phải làm các động tác như gấp, xoay cổ tay... một hoặc vài tiếng, mới giảm bớt cảm giác cứng khớp.
Sau nhiều đợt cấp tính hoặc sưng đau khớp kéo dài (vài tháng hoặc vài năm), các khớp có thể biến dạng: bàn tay bị vẹo, cổ tay sưng, các ngón tay ngón chân cũng bị biến dạng, các cơ teo, khiến cho chức năng vận động của bệnh nhân bị giảm sút, thậm chí ở giai đoạn muộn, bệnh nhân trở thành tàn phế.
- Đau vai gáy, đau thắt lưng, viêm các điểm bám tận của các gân vào đầu xương trong chứng bệnh đau cân cơ (fibromyalgia).
Bệnh thường gặp ở những nhân viên văn phòng, đánh máy tính... Do trời lạnh, các cơ thưòng co lại để sinh nhiệt (rét run), tư thế "so vai, rụt cổ" do các cơ vùng gáy co lại để hạn chế tối đa trao đổi nhiệt với môi trường lạnh xung quanh.
Các tư thế này phải duy trì trong thời gian dài làm cho các cơ cạnh cột sống bị giữ ở một tư thế lâu, gây mệt và mỏi cơ. Có thể đau một hay hai bên bả vai, hạn chế các động tác của cột sống như cúi, ưỡn, nghiêng... Các triệu chứng hay đi kèm là trạng thái mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ...
Co thắt các mạch máu đầu chi trong hội chứng Raynaud, đây là một biểu hiện hay gặp trong bệnh xơ cứng bì toàn thể. Khi tiếp xúc với lạnh, đầu ngón tay, ngón chân bị trắng bệch, tê buốt do thiếu máu đầu chi, sau đó chúng trở nên tím ngắt, căng tức.
Xơ cứng bì là một bệnh hệ thống, do bất thường về hệ thống miễn dịch, có biểu hiện ở tất cả các cơ quan trong cơ thể, trong đó thường thấy như da dày lên, mờ hoặc mất các nếp nhăn trên mặt, khó há miệng, lắng đọng canxi ở tổ chức dưới da, giảm tiết dịch các tuyến ngoại tiết như tuyến nước bọt, tuyến nước mắt, dịch tiêu hóa, xơ hóa phổi, tràn dịch màng ngoài tim, màng phổi...
- Thoái hóa khớp là bệnh lý hay gặp ở người cao tuổi, do quá trình lão hóa của sụn khớp, sụn bị mất tính đàn hồi, mỏng dần đi và nhuyễn hóa, làm lộ tổ chức xương dưới sụn, gây đau và hạn chế vận động.
Khi trời lạnh, các gân cơ bị co rút lại, dịch khớp đông quánh hơn làm cho các khớp trở nên cứng hơn, khó cử động hơn. Hơn nữa khi trời lạnh, các thói quen tập luyện hằng ngày cũng bị giảm đi, cũng góp phần làm bệnh nặng thêm.
Bí quyết giảm cơn đau xương khớp
Theo bác sĩ Lê Thị Bích Thủy - trưởng khoa nội thần kinh - cơ xương khớp, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, nhiệt độ thấp có thể dẫn đến co thắt cơ, dẫn đến cứng cơ và đau khớp. Một số cách sau có thể giúp giảm đau khớp mùa lạnh:
- Luôn giữ ấm cơ thể: Sử dụng găng tay, tất, mang quần áo ấm để giữ ấm cơ thể khi trời lạnh sẽ giúp bảo vệ xương khớp không bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
- Vận động thường xuyên: Vận động vừa giúp giữ ấm cơ thể, vừa giúp cải thiện lưu thông máu, nhờ đó xua tan cơn đau cứng khớp do ngồi quá lâu.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Khi trời trở lạnh, cần chú ý tăng cường bổ sung canxi và vitamin C, D, E..., uống đủ nước và một chế độ ăn giàu axit béo omega-3 sẽ giúp giảm đau xương khớp.
Bên cạnh việc cung cấp đủ đạm cho cơ thể, tăng cường các loại thực phẩm như đậu nành, các loại hạt, cá hồi, cải xoăn..., vừa giúp bổ sung canxi để chắc khỏe xương, vừa làm giảm cơn đau.
Đau khớp mùa lạnh là biểu hiện của các bệnh lý về xương khớp. Khi thấy triệu chứng, người bệnh cần thăm khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị, không nên tự ý mua thuốc giảm đau có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm.
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()