Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:31 (GMT +7)
Cách biến tấu thức ăn thừa sau ngày Tết thành món ngon 'nhức nách'
Thứ 5, 15/02/2024 | 09:01:20 [GMT +7] A A
Mâm cỗ Tết truyền thống với những món ăn quen thuộc như bánh chưng, giò, thịt gà,... khiến nhiều gia đình ăn mãi không hết, thừa thãi, lãng phí. Với những gợi ý sau, hy vọng chị em sẽ không khó khăn trong việc giải quyết thức ăn thừa sau ngày Tết.
Tại sao hầu hết các gia đình đều bị tồn lại thức ăn thừa sau Tết?
Như chúng ta đã biết, để chuẩn bị cho dịp tết Nguyên đán, hầu hết các gia đình thường mua rất nhiều thực phẩm để dự trữ. Đồ ăn trong ngày phải có đủ ít nhất những món cơ bản như: gà, giò, chả, bát nấu, đĩa xào, bánh chưng, món rán...
Lượng thực phẩm nhiều, nhưng đồ ăn nấu xong để thắp hương là chính. Gia đình nào cũng vậy, nếu ăn vài bữa đầu sẽ thấy rất ngon, nhưng ngày nào cũng ăn thì ai cũng cảm thấy ngán. Thêm vào đó, vào dịp Tết, mỗi ngày phải có một mâm cơm mới để cúng, thành ra nhiều gia đình rơi vào tình trạng các món đạm và bánh chưng cúng ế từ bữa này tới bữa khác.
Mỗi kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm này cũng là lúc không ít các gia đình phải khổ sở ngao ngán nhìn đống thức ăn thừa sau ngày Tết. Mặc dù bỏ đi thì thấy tiếc nhưng nếu cứ tiếp tục ăn thì "nhồi" không nổi. Thậm chí có nhiều người, cứ nhìn thấy bánh chưng hay chả, giò là thấy sợ.
Vậy làm thế nào để giải quyết hết thức ăn thừa sau ngày Tết? Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ gợi ý cho các bà nội trợ cách xử lý thức ăn thừa sau Tết, vừa giúp tận dụng được thực phẩm cũ vừa biến chúng thành các món ăn mới thơm ngon.
Cách chế biến thức ăn thừa sau ngày Tết thành món mới khiến ai ăn cũng 'nghiền'
Bánh chưng thừa sau ngày Tết phải làm sao?
Bánh chưng là món ăn phổ biến không thể thiếu trong ngày Tết và cũng là một trong các món bị đưa vào "danh sách" thức ăn thừa ngày Tết đầu tiên.
Nhiều gia đình sử dụng biện pháp hấp lại hoặc chiên/rán bánh chưng thừa ngày Tết để dùng cho bữa sáng. Tuy nhiên, thành phần làm nên bánh chưng là gạo, đỗ và thịt nên nếu ăn liên tục sẽ rất dễ ngấy và nhanh chán.
Để đưa ra cách xử lý món ăn này, hội chị em đã truyền tai nhau bí quyết chế biến bánh chưng rán nước lọc. Cách này sẽ giúp bánh mềm, dễ ăn, vẫn vàng đều 2 mặt mà không bị ngấm dầu mỡ, sẽ tránh cảm giác ngấy khi ăn.
Cách làm rất đơn giản: Cắt bánh chưng thành miếng nhỏ. Cho vào chảo chống dính một cốc nước lọc và thả bánh vào đun cùng. Khi nào nước sôi, lấy thìa dầm nhuyễn bánh và dàn đều khắp chảo.
Chờ đến lúc nước cạn thì hạ nhỏ lửa để bánh vàng mặt dưới. Tiếp tục lật rán vàng với mặt còn lại. Khi cả hai mặt đã vàng, giòn, bỏ ra đĩa, cắt thành miếng nhỏ để thưởng thức.
Ngoài bánh chưng rán nước lọc, các mẹ đảm có thể chế biến bánh chưng thừa sau ngày Tết thành món pizza bánh chưng. Nghe có vẻ lạ, nhưng pizza bánh chưng lại là món ăn chắc chắn sẽ được lòng rất nhiều bạn nhỏ trong gia đình.
Tiếp theo, bạn khéo léo khoét một lỗ tròn ở giữa và đổ vào khoảng giữa 1 quả trứng gà. Sau đó, đậy nắp vung lại, chiên với lửa nhỏ cho đến khi bánh vàng giòn mặt dưới, phần trên chín đều thì cho ra đĩa, rắc thêm chút hành lá. Như vậy là có món bánh pizza thơm ngon, hảo hạng từ bánh chưng thừa sau ngày Tết. Các mẹ đảm tham khảo ngay để Tết này các con được đổi món nhé.
Các món ăn từ giò lụa thừa sau ngày Tết
So với bánh chưng, giò lụa dễ chế biến hơn và cũng có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Các mẹ đảm hoàn toàn có thể thái chỉ để dùng chung với các món bún, miến, phở dùng trong bữa sáng. Có phải rất tiện lợi mà vẫn đảm bảo có bữa sáng ngon cho cả gia đình phải không nào?
Bên cạnh đó, nếu lượng thức ăn thừa sau ngày Tết còn nhiều, mẹ đảm có thể tận dụng ngay phần giò này để làm món phở cuốn thanh mát, nhiều rau củ cho cả gia đình. Chắc chắn, với món ăn được tận dụng từ thức ăn thừa sau ngày Tết này sẽ khiến ai cũng phải tấm tắc khen ngon.
Đồng thời, cách làm món ăn này cũng khá đơn giản. Các nguyên liệu như giò lụa, trứng rán, thịt luộc, dưa chuột, cà rốt thái sợi. Dùng bánh phở hoặc bánh đa nem cuốn cùng rau sống tổng hợp và chấm nước mắm chua ngọt rất dễ ăn.
Ngoài ra, giò chả cũng có thể được cắt khoanh làm mồi nhắm hoặc cắt hạt lựu làm nguyên liệu cho món cơm chiên dương châu cũng là một ý hay.
Một cách tận dụng giò thừa sau ngày Tết khác đó là thái giò thành các miếng mỏng vừa ăn và đem rim nước mắm, cho chút hạt tiêu. Món này thích hợp ăn với cơm nóng.
Cách chế biến thịt gà thừa sau ngày Tết
Với món thịt gà luộc thừa sau ngày Tết, các mẹ đảm hoàn toàn có thể chế biến thành các món ăn như: bún gà, bún thang, phở gà, miến trộn, bún trộn... Món ăn thanh đạm này sẽ làm tăng độ ngon của thịt gà và "giải ngấy" cho những ngày ăn quá nhiều thịt gà luộc.
Cách làm như sau:
- Gỏi gà: Hành tây thái mỏng ngâm dấm đường, gà rắc chút gia vị, rau răm rửa sạch thái nhỏ. Trộn đều tất cả, vắt thêm chút chanh cho thơm, thêm lát ớt nếu thích ăn cay, vậy là được món gỏi đơn giản và dễ bay 1/2 con gà.
- Phở gà: Nước gà có sẵn, gà có sẵn, thêm chút bánh phở, hành mùi là có phở gà ăn sáng. Lưu ý, nước gà cần được bỏ thêm chút rễ mùi, hạt mùi già, hành gừng nướng và hạt tiêu vỡ để có mùi thơm đặc biệt đúng vị.
- Bún gà: Nước luộc gà. Măng nứa khô xào và om kỹ cho mềm, thêm gà và mọc (nên cho nấm, mộc nhĩ, tiêu và chút nước mắm vào mọc sẽ ngon hơn).
- Phở gà trộn: Nguyên liệu của món phở gà trộn gồm có gà, bánh phở, rau thơm mùi, hành phi, lạc rang và nước trộn chua mặn ngọt vừa miệng là được bát phở trộn cho bữa tối nhẹ bụng.
Các loại trái cây thừa sau ngày Tết
Mỗi dịp Tết đến, xuân về, trái cây là một trong những loại thực phẩm không thể thiếu. Tuy nhiên, trái cây cũng bị "ghi" vào danh sách là loại đồ ăn thừa ngày Tết khá nhiều.
Thông thường, các gia đình đều mua rất nhiều trái cây để đảm bảo cho những ngày lễ cúng ở nhà không bị thiếu. Thế nhưng, đi kèm theo đó luôn là nỗi lo lắng bởi các loại trái cây tươi không ăn nhanh thì rất dễ hỏng.
Do đó, ngoài bảo quản tủ lạnh, chị em có thể tận dụng các loại trái cây có sẵn trong nhà, biến tấu thành các món thanh mát, dễ ăn.
Bạn có thể cắt nhỏ các loại trái cây như: Táo, thanh long, dưa hấu, lê, chuối… và trộn với sữa chua để có món sữa chua hoa quả thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng.
Hay có thể làm thành các loại sinh tố xoài, dưa hấu… sinh tố thập cẩm. Một cách tận dụng trái cây thừa sau ngày Tết nữa là làm thành các loại trái cây sấy, mứt, ô mai để tủ lạnh ăn dần...
Thịt nguội thừa sau ngày Tết chế biến thành món gì?
Thịt nguội là thực phẩm thừa ngày Tết khiến nhiều chị em "đau não" về cách chế biến. Món ăn này chỉ được sử dụng tối đa là trong một tuần. Chính vì vậy, các mẹ đảm có thể thiết kế ngay món bánh mì kẹp thịt nguội cho cả nhà đổi món sau nhiều ngày ăn bánh chưng. Bên cạnh đó, cho thêm chút rau, dưa để bổ sung chất xơ.
Nhìn chung, với các món thức ăn thừa sau ngày Tết như: Thịt nguội, giò, chả, lạp xưởng… có thể dùng để kẹp bánh mỳ, ăn cùng xôi, ăn nhẹ vào buổi sáng hay bữa xế, hay thay hẳn cho một bữa khi bữa trước đó bạn đã ăn uống linh đình. Ngoài ra, giò chả thừa thái chỉ xào với su hào, su su, cà rốt, mộc nhĩ thái chỉ, thêm tỏi và rau mùi, gọi là xào rối, cũng rất ngon.
Kinh nghiệm sử dụng và bảo quản một số loại thức ăn thừa sau ngày Tết
Những món ăn vừa đề cập bên trên là những món ăn thừa ngày Tết mà hầu hết gia đình nào cũng gặp phải. Bên cạnh đó, các mẹ đảm cũng lưu ý thêm một số cách chế biến thức ăn thừa sau ngày Tết dưới đây.
Canh măng chân giò thừa sau ngày Tết
Với món ăn thừa ngày Tết thì thường canh măng chân giò sẽ thừa thịt nhiều hơn là măng. Các mẹ đảm hãy cất phần thịt đó trên ngăn đá khoảng 1 ngày. Tiếp đến, mua thêm chút bún, măng và phi thêm hành thơm... Chan thêm nước canh nóng là có ngay một bữa bún chân giò xì xụp thật ngon rồi.
Bia thừa sau ngày Tết
Vào ngày Tết, có lẽ đa số nhà nào cũng có ít nhất 1 thùng bia trong nhà. Với loại thực phẩm này thì không cần phải cất giữ quá cầu kì. Tuy nhiên, các gia đình cần phải chú ý kiểm tra và sử dụng theo hạn, bảo quản nơi khô mát và tránh ánh sáng và nhiệt trực tiếp, chỉ khi gần sử dụng mới cho vào tủ lạnh.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()