Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:20 (GMT +7)
“Các thành viên trong gia đình cần thể hiện trách nhiệm, đồng hành với phụ nữ xây dựng tổ ấm hạnh phúc”
Chủ nhật, 05/03/2023 | 14:09:40 [GMT +7] A A
Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình hạnh phúc thì xã hội sẽ phát triển. Vì vậy, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững không chỉ là mục tiêu phấn đấu mà còn là trách nhiệm của tất cả các thành viên trong gia đình. Và trong đó, người phụ nữ giữ vai trò quan trọng hơn cả để “giữ lửa” xây tổ ấm hạnh phúc.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Thủy (ảnh), Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh về nội dung này.
- Xã hội ngày một phát triển, theo đó những giá trị gia đình Việt Nam cũng có những thay đổi nhất định. Đồng chí đánh giá như thế nào về những thách thức đặt ra trong xây dựng gia đình hạnh phúc hiện nay? + Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “... Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực đạo đức có giá trị tốt đẹp. Đất nước đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Gia đình Việt Nam có nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, những mặt trái của kinh tế thị trường, quá trình hội nhập toàn cầu và thế giới phẳng đã có những tác động không nhỏ ảnh hưởng đến các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, làm thay đổi quan niệm của nhiều người, nhất là thế hệ trẻ về hệ giá trị gia đình, tạo nên những thách thức không nhỏ đối với gia đình Việt Nam. |
Cụ thể, xu hướng đề cao giá trị vật chất, tiền tài, danh vị, đề cao sự hưởng thụ, sở thích riêng và chủ nghĩa cá nhân đã và đang có nguy cơ làm thay đổi những giá trị văn hóa gia đình truyền thống, khiến cho sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình dần trở nên lỏng lẻo. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số cũng chi phối đời sống của các thành viên trong gia đình, xu hướng “sống ảo” trên không gian mạng, sự du nhập của văn hóa ngoại lai, văn hóa phẩm độc hại tác động, len lỏi vào mỗi gia đình, những quan điểm cổ súy cho lối sống thực dụng, sống ích kỷ, thờ ơ với mọi người xung quanh, đi ngược lại những giá trị đạo đức gia đình truyền thống. Hay áp lực trong công việc và các mối quan hệ xã hội, việc đi công tác, học tập, lao động xa nhà ảnh hưởng nhất định đến không gian, thời gian sinh hoạt chung và sự tương tác, gắn kết, giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình.
- Theo đồng chí, ngày nay phụ nữ đang gặp phải những khó khăn hay trở ngại gì để xây dựng gia đình hạnh phúc?
+ Như tôi nói, kinh tế - xã hội phát triển dẫn tới có nhiều điều kiện và công cụ hỗ trợ giảm bớt sức lao động cho người phụ nữ trong gia đình. Tuy nhiên, theo kết quả các cuộc khảo sát, thống kê, phụ nữ vẫn là người làm chính công việc nhà. Bên cạnh đó, vẫn còn những định kiến xã hội, sự bất bình đẳng giới, những “nếp nghĩ, cách làm”, thói quen, hủ tục lạc hậu chưa được đẩy lùi, có tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của phụ nữ.
Người phụ nữ có thể đối mặt với khó khăn, thách thức do áp lực gia đình, áp lực từ chính tổ ấm của họ, bắt nguồn từ các vấn đề liên quan đến kinh tế, sức khỏe, sự bất đồng quan điểm trong nuôi dạy con, đối xử với cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình; không tìm thấy được sự hòa hợp, thấu hiểu, gắn kết, chia sẻ công việc trong gia đình hoặc chia sẻ tâm tư tình cảm với người mà mình cùng chung sống, khiến họ cảm thấy ngột ngạt, bức bối, mất đi niềm tin, động lực trong cuộc sống.
Ngoài ra, áp lực công việc và các mối quan hệ xã hội trong thời đại hiện nay cũng đặt người phụ nữ trước những khó khăn, thách thức, khiến họ cảm thấy mệt mỏi, thậm chí kiệt sức và không còn nhiều thời gian dành cho gia đình và bản thân.
- Vậy người phụ nữ cần làm gì để tiếp tục phát huy thật tốt vai trò người “giữ lửa" trong gia đình?
+ Tôi nghĩ rằng, để phát huy vai trò là người “giữ lửa" xây tổ ấm hạnh phúc, người phụ nữ phải biết giải quyết khéo léo những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình. Không vì áp lực gia đình, áp lực công việc, cuộc sống mà quên đi chính mình, cần phải thường xuyên rèn luyện, chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vẻ đẹp cho bản thân và dành thời gian làm điều yêu thích, tạo năng lượng tích cực, tác động đến mọi người xung quanh.
Cùng với đó, luôn chủ động trong công việc, tích cực tham gia góp phần tạo thu nhập, kinh tế trong gia đình; phát huy năng lực, trình độ, trí tuệ, sự năng động, sáng tạo và phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, khẳng định vai trò và sự đóng góp của mình cho gia đình, xã hội. Đồng thời, không ngừng học tập, cập nhật, trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó, giải quyết những mâu thuẫn, xung đột gia đình; kỹ năng chăm sóc, nuôi dạy con tốt; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; sẵn sàng lên tiếng đấu tranh phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em... Điều này đòi hỏi người phụ nữ cần phải biết sắp xếp thời gian, công việc hằng ngày một cách khoa học, để chăm lo gia đình, bản thân.
- Với vai trò đồng hành cùng sự phát triển của phụ nữ, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh đã triển khai những phong trào thi đua, hoạt động cụ thể nào để hỗ trợ, phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc?
+ Xác định xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Hội Phụ nữ các cấp đã triển khai thực hiện công tác gia đình gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình, đề án trọng tâm của Hội với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, hướng về cơ sở. Nhất là việc triển khai cuộc vận động phụ nữ xây dựng "Gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, giữ gìn văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh…
Các cấp Hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền nâng cao kiến thức chăm sóc, giáo dục con khoa học, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, không lựa chọn giới tính khi sinh, thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, an toàn thực phẩm, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội... Cùng với đó, các cấp Hội Phụ nữ đã tích cực xây dựng các mô hình có địa chỉ cụ thể, nhằm tiếp tục hỗ trợ chị em về kiến thức liên sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, kiến thức nuôi dạy con tốt, kỹ năng giữ gìn, bảo vệ hạnh phúc với 52 mô hình Câu lạc bộ "'Phụ nữ nuôi dạy con tốt" với 1.845 thành viên, 152 Câu lạc bộ "Phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc" với 5.049 thành viên, 99 Câu lạc bộ "Gia đình 5 không, 3 sạch” với 3.950 thành viên, 141 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”…
Các cấp Hội đã tích cực vận động, khai thác nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm... Hiện nay, tổng dư nợ ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua tổ chức Hội Phụ nữ toàn tỉnh đạt trên 1.900 tỷ đồng, với trên 1.000 tổ tiết kiệm và vay vốn cho trên 35.000 hộ vay. Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã có hàng trăm hộ gia đình hội viên được vay vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo...
Các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ yếu thế được quan tâm, thường xuyên thực hiện thông qua các hoạt động như hỗ trợ xây nhà mái ấm tình thương, thăm hỏi, động viên, tặng quà phụ nữ, trẻ em nghèo nhân các dịp lễ, tết...
Những kết quả đạt được trong triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã có sức lan toả sâu rộng, giúp hội viên, phụ nữ có thêm kiến thức, kỹ năng trong xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, tiến bộ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!
Nguyễn Dung (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()