Hai phe phái xung đột tại Sudan đồng ý ngừng bắn trong 72 giờ vì lý do nhân đạo, giữa lúc nhiều nước sơ tán công dân.
Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) thông báo thực thi lệnh ngừng bắn kéo dài 72h bắt đầu từ 0h ngày 25/4, cho biết Mỹ và Arab Saudi đã đóng vai trò trung gian trong nỗ lực này.
Nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) xác nhận đã đồng ý đình chỉ giao tranh nhằm thúc đẩy nỗ lực nhân đạo. "Chúng tôi khẳng định cam kết duy trì lệnh ngừng bắn hoàn toàn trong giai đoạn này", RSF ra thông cáo cho hay.
Ngoại trưởng Mỹ Antoni Blinken cho biết thỏa thuận đạt được sau hai ngày đàm phán căng thẳng, do các phe phái xung đột không tuân thủ những nỗ lực ngừng bắn trước đó. "Mỹ kêu gọi SAF và RSF tuân thủ đầy đủ cam kết", ông nói và thêm rằng Washington sẽ phối hợp với các tổ chức dân sự ở Sudan, cũng như những quốc gia trong khu vực và quốc tế để hướng tới chấm dứt giao tranh về lâu dài.
Trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, nhiều đợt không kích và giao tranh dữ dội đã làm rung chuyển Omdurman, một trong ba thành phố giáp thủ đô Khartoum. Các nhân chứng nói rằng đụng độ cũng nổ ra ở Khartoum vào tối 24/4, tạo ra những cột khói bao phủ khu vực quanh sân bay quốc tế ở trung tâm thành phố và gần trụ sở quân đội Sudan.
Sudannằm ở khu vực đông bắc châu Phi, giáp với Ai Cập, có dân số gần 48 triệu người. Xung đột bất ngờ nổ ra giữa quân đội Sudan và RSF từ ngày 15/4 sau nhiều tuần căng thẳng vì kế hoạch sáp nhập RSF vào quân đội chính quy. Nhiều bệnh viện và dịch vụ thiết yếu đã ngừng hoạt động vì giao tranh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần 430 người đã thiệt mạng và 3.700 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa hai phe phái, khiến tình hình nhân đạo ở quốc gia này ngày càng trở nên tồi tệ. Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 20.000 người Sudan phải chạy trốn khỏi các khu vực giao tranh và xin tị nạn ở nước láng giềng Chad.
Quân đội Sudan hồi tháng 4/2019 đảo chính lật đổ tổng thống Omar al-Bashir, người nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1993 và từng nhiều lần bị phương Tây chỉ trích. Khủng hoảng kinh tế ngày càng tồi tệ khiến giá trị đồng tiền của Sudan lao dốc, cũng như gây tình trạng thiếu thực phẩm và nhiên liệu được cho là nguyên nhân chủ chốt dẫn tới động thái này.
Theo thỏa thuận đạt được vào tháng 8/2019, quân đội Sudan đồng ý chia sẻ quyền lực với chính quyền dân sự trước khi tổ chức tổng tuyển cử. Chính quyền chuyển tiếp áp dụng nhiều cải cách cứng rắn và nhanh chóng dưới sự giám sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài và giãn nợ.
Tuy nhiên, thỏa thuận giữa quân đội và các tổ chức dân sự bị đình chỉ sau cuộc đảo chính vào năm 2021, dẫn tới hàng loạt đợt biểu tình trên khắp đất nước. Hàng tỷ USD viện trợ và khoản xóa nợ bị đóng băng, khiến nhiều dự án phát triển bị đình trệ và gây áp lực với ngân sách quốc gia, làm tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ hơn.
Ý kiến ()