Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 21:51 (GMT +7)
Các nước Nam Á ban bố lệnh giới nghiêm và kiểm soát biên giới
Chủ nhật, 22/03/2020 | 08:05:31 [GMT +7] A A
Đến nay, nhiều quốc gia tại Nam Á đã ban bố lệnh giới nghiêm và kiểm soát biên giới để ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát. Trong khi đó, tại Đông - Nam Á, hôm nay Singapore đã ghi nhận hai ca tử vong đầu tiên.
Đường phố Sri Lanka trở nên vắng vẻ sau khi chính phủ ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc cuối tuần này. (Ảnh: Reuters) |
Hai ca tử vong đầu tiên tại Singapore
Bộ Y tế Singapore hôm nay xác nhận, hai bệnh nhân đầu tiên tử vong do virus SARS-CoV-2 gồm một cụ bà 75 tuổi (người Singapore) và một người đàn ông 64 tuổi đến từ Indonesia.
Nữ bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tim mãn tính và cao huyết áp. Bà được đưa vào Trung tâm Dịch bệnh truyền nhiễm quốc gia Singapore (NCID) hôm 23-2 vì mắc bệnh viêm phổi và được có kết quả dương tính với chủng virus corona mới cùng ngày. Bệnh nhân này được chăm sóc đặc biệt nhưng những biến chứng nghiêm trọng đã khiến bà qua đời sau 26 ngày điều trị.
Sau khi từ Indonesia đến Singapore, người đàn ông 64 tuổi được tiếp nhận vào đơn vị chăm sóc đặc biệt tại NCID trong tình trạng nguy kịch. Trước đó, ông đã phải nhập viện tại Indonesia vì bệnh viêm phổi và từng có tiền sử mắc bệnh tim.
“Chúng tôi vô cùng đau buồn trước sự ra đi của họ. Bộ sẽ hỗ trợ gia đình nạn nhân hết sức có thể”, Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong cho biết.
Số trường hợp mắc bệnh ở Singapore đã tăng trong tuần này. Các trường hợp mới hầu hết là du khách đến Singapore du lịch, hoặc du học sinh từ Mỹ, các nước châu Âu hoặc châu Á trở về nước.
Đến nay, Singapore đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay chống dịch Covid-19, như kêu gọi người dân hủy các chuyến đi nước ngoài không cần thiết, cấm nhập cảnh và quá cảnh đối với khách nước ngoài từng đến vùng dịch trong 14 ngày gần nhất, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp cho nhân viên làm việc tại nhà. Đảo quốc này được coi là một trong những "mô hình" ứng phó Covid-19 thành công ở châu Á.
Tình hình dịch bệnh tại một số quốc gia Đông - Nam Á khác cũng đáng chú ý. Bộ Y tế Philippines vừa xác nhận 77 ca nhiễm mới và số ca bệnh tại Philippines lúc này là 307. Trước đó cùng ngày, Philippines xác nhận ca tử vong thứ 19 do Covid-19. Chính phủ Philippines đã yêu cầu 50% dân số nước này tự cách ly trong nhà để ngăn ngừa dịch bệnh. Theo tin mới nhận, Indonesia vừa ghi nhận sáu ca tử vong và 81 ca mắc mới, nâng số ca tử vong và ca mắc Covid-19 trong nước lên lần lượt là 38 và 450.
Theo đài truyền hình NHK, tại Nhật Bản, số trường hợp lây nhiễm trong nước đã vượt ngưỡng 1.000. Chính quyền Tokyo đang nỗ lực hết sức để tránh xảy ra khủng hoảng y tế trước thềm Tokyo Olympics. Quốc gia Đông - Bắc Á này đã bắt đầu giảm một số biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 dù số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng. Hôm qua, Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ không kéo dài thời gian đóng cửa trường học và ấn định thời điểm các lớp học được nối lại là đầu năm học mới vào tháng 4 tới.
Tỷ lệ ca nhiễm mới tăng mạnh, một số nước Nam Á đẩy mạnh biện pháp ứng phó
Nam Á, nơi cư trú của 1,9 tỷ người, dường như là khu vực chịu ít ảnh hưởng của dịch Covid-19 hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ ca nhiễm mới tại Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Bhutan và Sri Lanka đang tăng mạnh, với 869 ca nhiễm và bảy ca tử vong.
Để phòng ngừa dịch bệnh, Bangladesh đã triển khai biện pháp siết chặt kiểm soát biên giới, trong khi Sri Lanka đã bắt giữ 30 người vi phạm lệnh giới nghiêm toàn quốc. Lệnh giới nghiêm này sẽ có hiệu lực đến sáng thứ Hai tới.
Lúc này, người dân tại các thành thị của Ấn Độ vẫn đang tranh thủ mua nhu yếu phẩm trước khi lệnh giới nghiêm do Thủ tướng Narendra Modi yêu cầu thực hiện có hiệu lực vào ngày mai. Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, cũng có kế hoạch ngừng mọi chuyến bay quốc tế đến nước này để ngăn chặn ca nhiễm mới. Tính đến ngày 21-3, Ấn Độ có ít nhất 271 ca nhiễm Covid-19. Chính phủ Pakistan đã đề nghị người dân tiếp tục tự cách ly trong ít nhất 45 ngày sau khi nước này ghi nhận ca tử vong thứ ba và số người nhiễm bệnh đã lên tới 481.
Tại ổ dịch lớn nhất ở Trung Đông, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã lên tới 20.610, trong đó 1.556 người đã qua đời. Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm nay cho biết, các biện pháp bảo đảm khoảng cách an toàn trong cộng đồng nhằm ngăn chặn dịch bệnh tại Iran, trong đó có biện pháp hạn chế đi lại, sẽ có hiệu lực trong 2-3 tuần. Ông Rouhani hy vọng sau khoảng thời gian đó, cuộc khủng hoảng y tế hiện nay sẽ bớt căng thẳng. Trên kênh truyền hình nhà nước, Tổng thống Iran khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo này phải làm mọi việc cần thiết để đưa hoạt động kinh tế trở lại bình thường.
Số ca bệnh tại Tây Ban Nha và Đức tăng vọt
Tại châu Âu, điểm nóng về dịch bệnh vẫn tập trung tại Italy, Tây Ban Nha và Đức. Hiện Tây Ban Nha là quốc gia hứng chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 chỉ sau Trung Quốc và Italy. Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo nước này có thêm 324 ca tử vong trong 24 giờ qua, mức tăng cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bệnh hoành hành. Chỉ trong một ngày, Tây Ban Nha ghi nhận 5.000 ca nhiễm mới trên toàn quốc, nâng tổng số người bệnh trong nước lên 24.926. Báo chí Tây Ban Nha đưa tin, hệ thống bệnh viện của nước này, đặc biệt là tại khu vực Madrid, đang chật vật để duy trì hoạt động khi số ca nhiễm mới tăng vọt. Cuối tuần trước, Chính phủ Tây Ban Nha đã yêu cầu hạn chế hoạt động cộng đồng để đẩy lùi dịch bệnh.
Trong khi đó, Viện Kiểm soát dịch bệnh Robert Koch của Đức vừa thông báo, số ca bệnh tại nước này đã tăng thêm 2.705 trường hợp trong một ngày qua, nâng tổng số ca bệnh lên 16.662. Đức hôm nay ghi nhận thêm 16 trường hợp tử vong, như vậy đã có 47 người chết do Covid-19 tại quốc gia Trung Âu này.
Theo Hoàng Hà - Thạch Phan (nhandan.com.vn)
Liên kết website
Ý kiến ()