Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, người sống lưu vong ở Qatar nhiều năm qua, bị ám sát trong tòa nhà nơi ông nghỉ qua đêm tại thủ đô Tehran, Iran, ngày 31/7. Ông Haniyeh đang ở Tehran sau khi dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, diễn ra hôm 30/7.
Truyền thông Iran cho biết một tên lửa độ chính xác cao phóng từ bên ngoài lãnh thổ đã lao vào phòng ngủ của ông Haniyeh lúc rạng sáng, khiến thủ lĩnh Hamas và một cận vệ gác ngoài cửa thiệt mạng.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov gọi vụ ám sát thủ lĩnh Hamas là "vụ giết người vì mục đích chính trị không thể chấp nhận được và nó sẽ khiến căng thẳng leo thang hơn nữa".
Ông Bogdanov cũng nhận định cái chết của thủ lĩnh Haniyeh sẽ tác động tiêu cực tới các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza. Ông Haniyeh được coi là người ôn hòa, theo đuổi đường lối thực dụng hơn các chỉ huy cánh quân sự của Hamas và đã nỗ lực suốt nhiều tháng qua để đàm phán thỏa thuận chấm dứt chiến sự ở Gaza.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lên án vụ ám sát ông Haniyeh, cáo buộc hành động này nhằm mục đích mở rộng xung đột Dải Gaza ra phạm vi khu vực và cho rằng Israel đứng sau sự việc.
"Một lần nữa, chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã thể hiện không có ý định hướng tới hòa bình", cơ quan này ra tuyên bố.
Trung Quốc lên án vụ ám sát ông Haniyeh, cảnh báo điều này sẽ khiến tình hình trong khu vực thêm bất ổn. "Chúng tôi rất quan ngại về sự việc và kịch liệt phản đối, lên án vụ ám sát", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani tuyên bố "máu của ông Haniyeh sẽ không đổ xuống vô ích". "Sự ra đi của ông Haniyeh tại Tehran sẽ củng cố thêm mối quan hệ sâu sắc, không thể phá vỡ giữa Tehran, Palestine và lực lượng kháng chiến", ông Kanaani nói.
Tổng thống Palestine Mahmud Abbas gọi vụ ám sát ông Haniyeh là "hành động hèn hạ" và kêu gọi người Palestine duy trì sự đoàn kết chống lại Israel.
Phong trào Houthi ở Yemen tuyên bố "vụ ám sát người anh em Haniyeh là tội ác ghê tởm, vi phạm trắng trợn pháp luật và các giá trị đạo đức", khi thủ lĩnh Hamas đang tới Iran để dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống nước này.
Chính phủ Qatar cũng lên tiếng chỉ trích vụ ám sát là "tội ác ghê rợn" và cảnh báo nguy cơ căng thẳng ở Trung Đông "leo thang nguy hiểm" thành xung đột toàn diện.
Chính phủ và quân đội Israel chưa bình luận về sự việc. Tuy nhiên, Bộ trưởng Di sản Israel Amichai, chính trị gia theo đường lối dân tộc cực đoan, cho rằng vụ ám sát thủ lĩnh Hamas "khiến thế giới tốt đẹp hơn một chút" và khẳng định "không xót thương cho những người đáng phải chết".
"Bàn tay sắt sẽ giáng đòn vào những người này, từ đó mang tới hòa bình, sự an ủi và giúp tăng triển vọng sống trong hòa bình với những người khao khát hòa bình", ông Eliyahu viết trên mạng xã hội X.
Bộ trưởng Truyền thông Israel Shlomo Karhi cũng đăng lên X dòng trạng thái: "Vậy là tất cả kẻ thù sẽ bị tiêu diệt". Tuy nhiên, bài đăng này sau đó đã bị xóa.
Ông Haniyeh, 62 tuổi, gia nhập Hamas năm 1987 và trở thành người đứng đầu văn phòng chính trị của nhóm này năm 2017. Ông được coi là người theo chủ nghĩa thực dụng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người đứng đầu các phe chính trị ở Palestine, trong đó có các đối thủ của Hamas.
Trước vụ ám sát, ông Haniyeh thường xuyên di chuyển qua lại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar nhằm tránh các hạn chế đi lại do Israel áp đặt ở Gaza và tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn hoặc liên lạc với Iran.
Hồi tháng 4, sau khi mất ba con trai và 4 người cháu do đòn không kích của Israel ở miền bắc Dải Gaza, ông Haniyeh cho biết khoảng 60 thành viên trong gia đình ông đã thiệt mạng từ khi nổ ra chiến sự. Đến cuối tháng 6, Israel không kích ngôi nhà của gia đình thủ lĩnh Hamas ở trại tị nạn Al-Shati, phía bắc Dải Gaza, khiến 10 người thiệt mạng.
Ý kiến ()