Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:30 (GMT +7)
Các nước châu Á tăng tốc tiêm vaccine, dịch COVID-19 không thể kết thúc trong vòng 6 tháng tới
Thứ 6, 17/09/2021 | 08:19:42 [GMT +7] A A
Đến sáng 17/9, thế giới có trên 227,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,68 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 42,5 triệu ca mắc và hơn 686.300 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 93.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Nước Mỹ đang đứng trước sự bùng phát các ca mắc COVID-19 ở trẻ em. Điều này càng trở nên báo động hơn khi các trường học trên toàn nước Mỹ mở cửa trở lại, nhiều trường không bắt buộc học sinh phải đeo khẩu trang, trong khi biến thể Delta rất dễ lây lan ở những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Viện Nhi khoa Mỹ cho biết, số ca mắc mới hàng tuần hiện đã tăng khoảng 240% kể từ tháng 7 vừa qua. Theo Viện Nhi khoa Mỹ và Hiệp hội Bệnh viện Nhi đồng Mỹ, tuy số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nghiêm trọng ở trẻ em không nhiều nhưng cần nghiên cứu thêm về tác động lâu dài của đại dịch đối với trẻ em, trong đó có sức khỏe thể chất. Cho đến nay, hơn 5 triệu trẻ em tại Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bùng phát, chiếm hơn 15% tổng số trường hợp mắc bệnh ở Mỹ.
Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện một số người có hệ miễn dịch phản ứng rất mạnh trước các biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó có cả biến thể siêu lây nhiễm Delta. Hiện tượng này được giới khoa học gọi là "siêu miễn dịch" hay còn gọi là "miễn dịch hỗn hợp".
Hãng thông tấn Reuters trích nghiên cứu cho thấy, người có hệ miễn dịch hỗn hợp là người từng nhiễm virus SARS-CoV-2, sau đó được tiêm vaccine sử dụng công nghệ mRNA. Cơ thể họ không chỉ tạo ra lượng kháng thể lớn mà những kháng thể này có độ linh hoạt cao, có khả năng chống chọi nhiều loại biến thể đang hoành hành trên thế giới. Các nhà nghiên cứu cho biết, "siêu kháng thể" này cũng sẽ phát huy hiệu quả trước bất cứ biến thể nào xuất hiện trong tương lai bởi chúng có thể vô hiệu hóa được virus SARS-CoV-1, là chủng virus gốc đã gây ra đại dịch SARS hồi năm 2003. Tuy nhiên, những người sở hữu "siêu kháng thể" này vẫn còn rất ít.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 16/9, nước này ghi nhận hơn 34.600 ca mắc mới COVID-19 và 318 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 33,38 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn trường 444.200 hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 588.600 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Các nước châu Âu đã mở rộng tiêm chủng cho thiếu niên từ 12 tuổi trở lên nhằm hạn chế sự lây lan của virus và nguy cơ xuất hiện biến chủng mới. Bước tiếp theo là cân nhắc tiêm chủng cho trẻ em dưới 12 tuổi, tuy nhiên hiện nay các thử nghiệm vẫn đang được tiến hành.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu đã khuyến cáo từ cuối tháng 5 rằng nên tiêm vaccine cho thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi. Tại Pháp, tới đầu tháng 9 này, hơn một nửa tổng số thiếu niên trong độ tuổi đã hoàn thành tiêm chủng. Anh cũng dự định làm như nước Pháp, khuyến cáo tiêm chủng cho mọi thiếu niên, không chỉ cho người có bệnh nền.
Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận, hàng chục người trong đội ngũ thân cận của ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trước khi ông tự cách ly vào đầu tuần này. Phát biểu qua kết nối video tới một cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) được tổ chức tại thủ đô Dushanbe của Tajikistan, Tổng thống Putin bày tỏ rất tiếc phải hủy bỏ chuyến thăm Dushanbe vào phút chót do nhiều người trong đội ngũ nhân viên của ông mắc COVID-19. Ông xác nhận "không chỉ một hoặc hai người mà là vài chục người".
Nga hiện là tâm dịch lớn thứ 5 thế giới với trên 7,2 triệu ca mắc và hơn 195.800 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Chính phủ Pháp ngày 16/9 thông báo, khoảng 3.000 nhân viên tại các bệnh viện, cơ sở dưỡng lão và trung tâm y tế buộc phải thôi việc do không tuân thủ quy định tiêm vaccine phòng COVID-19. Quy định bắt buộc tiêm vaccine đối với nhân viên tại các cơ sở y tế ở Pháp đã có hiệu lực từ ngày 15/9. Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp khẳng định, quy định này sẽ không gây xáo trộn trong ngành y tế với 27 triệu lao động.
Hiện nhiều nước tại châu Âu đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng để sớm khống chế dịch và quay về cuộc sống bình thường, thậm chí một số quốc gia ban hành quy định bắt buộc tiêm chủng hoặc bắt buộc xét nghiệm thường xuyên.
Bộ Y tế Ukraine ngày 16/9 cho biết, nước này ghi nhận 101 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, vượt ngưỡng 100 ca lần đầu tiên kể từ đầu tháng 6 vừa qua. Bộ trên cũng cho biết, có 5.744 ca mắc mới COVID-19 tại nước này trong một ngày qua, tăng mạnh so với 4.640 người ghi nhận 24 giờ trước đó.
Như vậy, tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 ở Ukraine tính đến ngày 16/9 lần lượt là trên 2,33 triệu ca và 54.651 trường hợp. Với dân số 41 triệu người, Ukraine là một trong những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch này. Số ca mắc mới đang có chiều hướng gia tăng trong vài tuần gần đây. Do đó, Chính phủ nước này tuyên bố sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế trong tương lai gần nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Bắt đầu từ tuần này, tại Singapore, hầu hết những người từ 12 - 50 tuổi mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, không có bệnh lý nền nghiêm trọng và đã được tiêm vaccine đầy đủ được điều trị tại nhà. Đây được coi là mô hình quản lý chăm sóc bệnh nhân COVID-19 mặc định ở Singapore.
Đến nay, tổng cộng trên 73.900 người ở Singapore đã nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm 58 bệnh nhân thiệt mạng.
Tại Malaysia, đảo Langkawi đã trở thành địa điểm du lịch đầu tiên được thử nghiệm mở cửa trở lại sau khi quốc gia này dần kiểm soát được chuỗi lây lan của đại dịch COVID-19 và từng bước hồi phục sau cuộc khủng hoảng này. Nằm ở bờ biển ngoài khơi phía Tây Bắc của Malaysia, Langkawi mở cửa trở lại từ ngày 16/9 đối với các du khách đã tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19 trong chương trình “du lịch bong bóng” nội địa với các quy định nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trong khi đó, bắt đầu từ ngày 17/9, sẽ có thêm nhiều lĩnh vực kinh tế tại Malaysia được phép hoạt động trở lại. Các cửa hàng và dịch vụ như chụp ảnh, bán hoa, lưu niệm và thủ công mỹ nghệ, đồ chơi trẻ em sẽ được phép mở cửa trở lại. Ngoài ra, cửa hàng kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu như mỹ phẩm, khu thể thao trong nhà và ngoài trời cũng được phép hoạt động trở lại tại các bang trong giai đoạn 2 và 3 của kế hoạch phục hồi quốc gia.
Malaysia đã ghi nhận tổng cộng hơn 2 triệu ca mắc COVID-19 trên tổng dân số 32 triệu người, một trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm bình quân đầu người cao nhất châu Á, trong đó có hơn 22.000 trường hợp tử vong. Hiện hơn 50% dân số Malaysia đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Người dân Malaysia hy vọng điều này sẽ đẩy nhanh quá trình quay lại cuộc sống bình thường.
Sự xuất hiện của biến thể Delta ở Indonesia đã đẩy Bali, một trong những trung tâm du lịch, tỉnh giàu có nhất của đất nước vạn đảo, vào cuộc khủng hoảng kinh tế và xung đột giữa hy vọng phục hồi và áp đặt các biện pháp y tế công cộng.
Bali chứng kiến suy thoái kinh tế khi ngành du lịch sụp đổ đột ngột và kéo dài. Trong giai đoạn từ năm 2019 - 2020, lượng khách quốc tế đến Bali giảm 79% và khách nội địa giảm 66%. Kể từ tháng 3/2020, lượng khách du lịch quốc tế bằng đường hàng không giảm từ khoảng 15.000 lượt/tuần xuống gần 0. Tác động kinh tế tổng thể là từ mức tăng trưởng hơn 5% hàng năm xuống -10%. Kể từ khi ngừng hoạt động một phần vào tháng 7, thêm 3.500 nhân viên khách sạn ở Bali đã bị sa thải, nhiều khách sạn và nhà hàng đang bị rao bán. Nhiều người dân đã không có thu nhập trong hơn một năm.
Ngày 16/9, nhà hàng, các tiệm cắt tóc và doanh nghiệp nhỏ tại Vùng đô thị Manila của Philippines đã mở cửa trở lại sau nhiều tuần phải tạm dừng hoạt động. Các nhà hàng được phép phục vụ ngoài trời với 30% công suất và trong nhà hàng với các nhóm nhỏ hơn đã tiêm chủng đầy đủ. Các cuộc tụ họp tôn giáo và các dịch vụ chăm sóc cá nhân sẽ được phép hoạt động ở mức công suất tương tự.
Vùng đô thị Manila là khu vực bao gồm 16 thành phố với 13 triệu dân. Khu vực này chiếm khoảng 33% số ca mắc COVID-19 của Philippines. Theo giới chức Philippines, nếu việc thí điểm phong tỏa theo vùng tại Vùng đô thị Manila vừa có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh vừa giúp kiểm soát dịch tốt, mô hình này sẽ được nhân rộng trên cả nước.
Thủ đô Bangkok (Thái Lan) sẽ mở cửa trở lại cho du khách quốc tế vào ngày 15/10 tới. Đây là thời điểm dự kiến ít nhất 70% cư dân Bangkok đã tiêm phòng đầy đủ. Với quyết định mở cửa này, các quận của Bangkok phải tăng tốc tiêm chủng cho người dân để có thể mở cửa hoàn toàn thành phố mà không bị giới hạn bởi khu vực nào. Giới chức Thái Lan hiện chưa đề cập cụ thể về các điều kiện kiểm dịch với du khách quốc tế. Ngoài Bangkok, một số tỉnh khác gồm Chon Buri, Petchaburi và Chiang Mai dự kiến sẽ mở cửa trở lại một phần vào đầu tháng 10 tới.
Sau hơn 7 tháng phải đóng cửa để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, từ đầu tuần này, gần 2.000 trường học tại 9 tỉnh và thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã mở cửa đón học sinh trở lại. Ngày 16/9, Campuchia ghi nhận gần 700 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ ngày 29/7 vừa qua. Cụ thể, Bộ Y tế nước này xác nhận có 693 ca mắc mới COVID-19 và thêm 11 người tử vong trong 24 giờ qua, trong đó có 581 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 102.136 ca mắc COVID-19, trong đó 95.810 người đã khỏi bệnh và 2.078 trường hợp tử vong.
Trong bối cảnh tình hình dịch trong nước và khu vực vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ Lào đã tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày kể từ ngày 16/9. Đây là lần thứ 10 Lào gia hạn lệnh phong tỏa vốn được áp dụng từ ngày 22/4 đến nay. Lệnh phong tỏa bao gồm đóng cửa khẩu đối với người nhập cảnh phổ thông, cấm mở cửa tụ điểm giải trí, trung tâm thể thao. Trong khu vực có dịch lây lan cộng đồng, các hoạt động tập trung quá 20 người cũng bị cấm, ngoại trừ trường hợp được cơ quan chức năng cấp phép.
Ngoài ra, Chính phủ Lào yêu cầu khẩn trương truy vết người nhiễm bệnh đưa đi điều trị, đưa người tiếp xúc gần đi xét nghiệm và cách ly đúng quy định, đồng thời tăng cường tiêm vaccine cho các đối tượng theo kế hoạch và mục tiêu đã đề ra.
Bộ Y tế Lào ngày 16/9 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 154 ca mắc mới COVID-19; trong đó, ngoài 23 người nhập cảnh được cách ly ngay còn có 131 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 18.059 người, trong đó có 16 bệnh nhân tử vong.
Ngày 16/9, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định sẽ sớm nới lỏng các hoạt động kinh tế - xã hội, mở đường cho việc khôi phục lại cuộc sống bình thường của người dân. Trong một thông điệp bằng video gửi đến cuộc họp chung của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), Thủ tướng Suga bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn mà người dân Nhật Bản phải trải qua khi Chính phủ nước này nhiều lần áp dụng tình trạng khẩn cấp. Trong bối cảnh đó, người dân đã thực sự hợp tác cùng chính quyền các cấp, triển khai hiệu quả nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như tích cực tham gia chương trình tiêm vaccine, rút ngắn thời gian kinh doanh, tăng cường làm việc từ xa, hạn chế ra ngoài…
Các số liệu thống kê chính thức được công bố ngày 16/9 cho thấy, tính đến hết ngày 15/9, hơn 1 tỷ người tại Trung Quốc, tương đương 71% dân số, đã hoàn tất tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Phát biểu tại cuộc họp báo của lực lượng đặc trách ứng phó với COVID-19 thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, người phát ngôn Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Mễ Phong nhấn mạnh đã có tổng cộng 2,16 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng trên cả nước. NHC cho biết, đến ngày 15/9, hơn 170 triệu liều vaccine đã được sử dụng để tiêm phòng COVID-19 cho hơn 95 triệu người Trung Quốc từ 12-17 tuổi. Trong khi đó, tổng cộng 390 triệu liều vaccine đã được tiêm cho hơn 200 triệu người từ 60 tuổi trở lên.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 16/9 thông báo, Trung Quốc đại lục ghi nhận 80 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 16/9, tăng so với 73 người vào ngày trước đó. Trong số người mắc mới nói trên, 49 ca lây nhiễm cộng đồng, hầu hết tại tỉnh Phúc Kiến ở Đông Nam Trung Quốc, so với 50 trường hợp ghi nhận một ngày trước đó. Ngoài ra, có 13 ca mắc mới không triệu chứng, so với 16 ca một ngày trước đó. Không có trường hợp tử vong mới nào được thông báo. Tính đến ngày 16/9, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 95.493 ca mắc COVID-19 với 4.636 trường hợp tử vong.
Nhật Bản và Hàn Quốc đã vượt qua Mỹ về số người được tiêm ít nhất một mũi vaccine và được dự báo sẽ sớm bắt kịp Mỹ về số người được tiêm mũi thứ hai. Hàn Quốc, quốc gia vốn luôn nỗ lực để có được nguồn cung cấp vaccine, đã tăng tốc chiến dịch tiêm chủng. Một quan chức cho biết nước này nhiều khả năng đạt được mục tiêu hơn 70% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine trước tuần này.
Vượt qua những rào cản ban đầu liên quan tới logistics, Nhật Bản đã tiến hành tiêm khoảng 1 triệu mũi vaccine/ngày cho người dân kể từ giữa tháng 6 do mức độ khẩn cấp tăng lên sau khi biến thể Delta gây ra một làn sóng ca mắc và ca bệnh nghiêm trọng chưa từng có vào tháng 8.
Trong khi đó, Ấn Độ với số ca mắc cao thứ hai thế giới cho biết, 42% trong tổng số gần 1,4 tỷ dân nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Về phần mình, Australia, quốc gia đang nỗ lực tăng tốc tiêm chủng trong nỗ lực thoát khỏi tình trạng phong tỏa và mở cửa trở lại biên giới, đã tiêm ít nhất một mũi vaccine cho 56% người dân.
Khác với những đại dịch trước đây, COVID-19 sẽ không thể kết thúc trong vòng 6 tháng tới. Đây là nhận định của các chuyên gia được hãng truyền thông Bloomberg đăng tải. Giới khoa học nhận định, đợt bùng phát hiện nay sẽ được kiểm soát khi khoảng 90 - 95% dân số toàn cầu có khả năng miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc miễn dịch tự nhiên sau khi đã khỏi bệnh. Nhìn lại lịch sử, trong 130 năm qua, thế giới ghi nhận 5 đại dịch cúm, trong đó đợt lâu nhất kéo dài 5 năm. COVID-19 được xác định là đại dịch nghiêm trọng hơn khi thế giới đã bước sang năm thứ hai với làn sóng dịch bệnh thứ ba và vẫn chưa thấy hồi kết.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()