Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:05 (GMT +7)
Các nội dung được xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài
Thứ 5, 22/02/2024 | 22:56:02 [GMT +7] A A
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2024, mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài; qua đó, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cả nhiệm kỳ và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Chiều 22/2, tại Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, mặc dù kỳ họp diễn ra trong 2,5 ngày vào thời điểm ngay sau Tết Dương lịch và sát Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm và thống nhất, đồng thuận rất cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với những kết quả đạt được rất quan trọng.
Theo đó, Quốc hội đã xem xét, thông qua 2 luật và 2 nghị quyết, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
“Các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 nhằm giải quyết kịp thời một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn triển khai, có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2024 mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài; qua đó, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cả nhiệm kỳ và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Đối với Luật Đất đai (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, dự thảo Luật trình tại kỳ họp được chuẩn bị chu đáo, thảo luận qua nhiều vòng, nhiều bước. Quốc hội đã dành tối đa thời gian để thảo luận, tranh luận kỹ lưỡng, đi đến cùng đối với các vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả.
Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được ban hành góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững; tăng cường tính công khai, minh bạch, phù hợp các chuẩn mực và thông lệ quốc tế phổ biến; hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý nợ xấu, tình trạng sở hữu chéo; nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng...
Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết với 8 cơ chế đặc thù để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước. Các quy định trong Nghị quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; qua đó, tiếp tục cho thấy việc lựa chọn đúng, trúng, kịp thời các chuyên đề giám sát của Quốc hội, khẳng định tinh thần trách nhiệm, đi đến cùng các vấn đề của hoạt động giám sát.
Đối với Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Bùi Văn Cường cho biết, sau khi xem xét, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về các nội dung này để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, thúc đẩy phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, phù hợp quy định của Luật Ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, bảo đảm an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển đảo quốc gia, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri, nhân dân huyện đảo và cả nước.
Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, nhìn chung, chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5 được bố trí phù hợp, đúng quy trình, thủ tục, bảo đảm thời gian để hoàn thành toàn bộ các nội dung của kỳ họp. Công tác điều hành các phiên họp khoa học, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, bảo đảm các đại biểu Quốc hội đăng ký đều được phát biểu thảo luận, tranh luận, phát huy được tinh thần trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Tham gia ý kiến về nội dung này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Khẳng định thành công của Kỳ họp bất thường lần này có dấu ấn lớn của sự chỉ đạo sát sao của các lãnh đạo Quốc hội, sự nhập cuộc tích cực của các Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các cơ quan tiếp tục phát huy tinh thần nhập cuộc tích cực từ sớm, từ xa, vừa bám sát các quy trình, thủ tục như quy định của pháp luật, vừa phải có sự linh hoạt, sớm bắt tay triển khai ngay các nhiệm vụ để chuẩn bị tốt nhất các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp sắp tới.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, một số nội dung như bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam và một số các nội dung về tài chính, ngân sách khác trong quá trình chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 không kịp nên phải đưa vào Kỳ họp bất thường. Việc đưa vào kỳ họp bất thường là cần thiết nhưng cũng cần rút kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị các nội dung về tài chính ngân sách hằng năm, nếu trình muộn sẽ không còn nhiều thời gian để triển khai, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau một ngày làm việc khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ 5 nội dung trong Phiên họp thứ 30.
Về tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 5, từ thực tiễn quá trình để cho Quốc hội xem xét và biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành cao các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là bài học rất quý trong xây dựng pháp luật và cho thấy những gì chúng ta quyết tâm, có cách làm tốt, có phương pháp phù hợp và có sự phối hợp chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm thì đều có thể hoàn thành được.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý phải rút kinh nghiệm đối với những nội dung thường xuyên, định kỳ, nhất là về tài chính và ngân sách, các cơ quan cần phải có chủ động hơn, phải tăng cường phối hợp với nhau sớm hơn, tốt hơn để không cần thiết phải trình qua những kỳ họp bất thường.
Rút kinh nghiệm để tổ chức cho Kỳ họp thứ 7 tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải tăng cường hơn nữa về kỷ luật thời hạn để gửi tài liệu; đồng thời, nhấn mạnh trách nhiệm của cả các cơ quan Quốc hội trong việc tăng cường đôn đốc, phối hợp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngay sau cuộc họp Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát hành sớm các thông báo kết luận; đồng thời, các cơ quan tích cực chuẩn bị cho các phiên họp thường kỳ và phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật trong tháng 3.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()