Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:03 (GMT +7)
Các nhà khoa học lo lắng việc Nhật Bản chuẩn bị xả nước thải hạt nhân
Thứ 2, 29/05/2023 | 11:19:44 [GMT +7] A A
Quá trình xả 1,3 triệu tấn nước thải hạt nhân của Nhật Bản đã được xử lý có thể sẽ diễn ra trong vài tuần tới và nó đang gây ra nỗi lo sợ cho nhiều nhà khoa học.
Vào ngày 11/3/2011, Nhật Bản đã phải hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần khiến 3 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị tan chảy.
Vụ việc đã buộc quốc gia này phải bơm nước biển để có thể làm mát nhiên liệu hạt nhân nóng chảy, tránh những ảnh hưởng của các chất phóng xạ phát tán vào môi trường, đe dọa sức khỏe người dân.
Sau hơn 12 năm sau, quá trình này vẫn đang diễn ra và để lại hơn 130 tấn nước bị ô nhiễm chất phóng xạ mỗi ngày, hơn 1,3 triệu tấn nước thải hạt nhân đã được thu gom, xử lý và lưu trữ trong một trang trại với các bể chứa khổng lồ tại nhà máy.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, không gian lưu trữ đó sắp hết và Nhật Bản không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu quá trình xả nước thải vào Thái Bình Dương.
Quốc gia này tuyên bố, nước thải đã được xử lý và chỉ chứa một đồng vị phóng xạ gọi là triti, còn lại các yếu tố phóng xạ khác đều an toàn.
Tritium là một đồng vị tương đối yếu, không thể xâm nhập vào da nhưng có thể gây hại khi ăn vào.
Nhiều nhà khoa học bày tỏ mối lo ngại của kế hoạch này, nước thải đã xử lý vẫn có thể tiềm ẩn những đồng vị phóng xạ, chúng sẽ tồn tại qua nhiều thế hệ và có thể ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển đến tận Bắc Mỹ.
Trong khi, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã đánh giá sự an toàn kế hoạch xả thải của Nhật Bản.
Robert Richmond, giám đốc Phòng thí nghiệm Hàng hải Kewalo, Đại học Hawaii (Mỹ) cho biết: "Đó là một sự kiện xuyên biên giới và xuyên thế hệ, bất cứ thứ gì được thả ra đại dương ngoài khơi Fukushima sẽ không ở lại một nơi".
Richmond trích dẫn các nghiên cứu cho thấy, hạt nhân phóng xạ và các mảnh vỡ được giải phóng trong vụ tai nạn Fukushima ban đầu đã nhanh chóng được phát hiện, cách bờ biển California (Mỹ) khoảng 8.850 km.
Các yếu tố phóng xạ trong việc xả nước thải của Nhật Bản có thể một lần nữa khiến chúng lan rộng ra đại dương, Richmond cảnh báo.
Cụ thể, hạt nhân phóng xạ có thể di chuyển bởi các dòng hải lưu, đặc biệt là dòng Kuroshio xuyên Thái Bình Dương và những loài động vật biển di cư cũng có thể là trung gian giúp lây lan các yếu tố hạt nhân sang môi trường nước mới.
Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy bằng chứng rõ ràng về loài cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương mang hạt nhân phóng xạ có nguồn gốc từ nhà máy điện Fukushima đến bờ biển San Diego (Mỹ) sau thảm họa năm 2011.
Đáng chú ý, các yếu tố phóng xạ có thể nhiễm vào thực vật phù du. Sau đó, chúng (thực vật phù du) lại là chuỗi thức ăn cho tất cả các loài động vật biển khác khiến các chất này có thể tích tụ trong cơ thể chúng.
"Khi chúng ăn vào, những đồng vị đó có thể tích lũy ở nhiều loại động vật không xương sống, cá, động vật có vú sống trên biển và thậm chí kể cả con người", Richmond giải thích.
"Chúng ta sẽ không chết"
Ken Buesseler, một nhà phóng xạ học hàng hải cho biết: "Bởi vì khoảng cách và thời gian làm giảm mức độ phóng xạ. Tôi không nghĩ rằng việc xả nước thải hạt nhân của Nhật Bản sẽ phá hủy Thái Bình Dương một cách không thể khắc phục. Chúng ta sẽ không chết đâu".
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần phải lo lắng.
Các bể chứa nước nhiễm phóng xạ của Nhật Bản có các đồng vị phóng xạ khác nhau như cesium-137, stronti-90 và triti.
Hiện tại, Nhật Bản đang sử dụng một hệ thống xử lý nước thải mà IAEA cho biết nó có thể loại bỏ 62 loại đồng vị hạt nhân phóng xạ khác nhau, ngoại trừ triti - một dạng phóng xạ của hydro.
Người phát ngôn của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) tuyên bố: "Tất cả nước thải sẽ liên tục được tinh chế, lấy mẫu và kiểm tra lại để xác nhận rằng nồng độ của các chất phóng xạ thấp hơn tiêu chuẩn quy định trước khi được giải phóng ra đại dương".
Hệ thống lọc không thể loại bỏ triti, chính vì thế nước thải đã qua xử lý sẽ được pha loãng với nước biển cho đến khi lượng xả chứa mức triti thấp hơn mức được thải ra.
Buesseler cảnh báo, hệ thống lọc vẫn chưa được chứng minh là luôn an toàn, các chất cesium và strontium-90 vẫn có thể chưa được làm sạch tuyệt đối.
Đây là một đồng vị làm tăng nguy cơ ung thư xương và bệnh bạch cầu, nó được các nhà khoa học gọi bằng một cái tên khác đầy nham hiểm là "người tìm xương".
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()