Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:41 (GMT +7)
Các mô hình tự quản an ninh trật tự
Thứ 4, 19/06/2024 | 14:08:16 [GMT +7] A A
Các giải pháp bảo đảm ANTT và văn minh đô thị chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi tạo được sự chuyển biến trong ý thức, hành vi từ mỗi người dân. Xác định điều này, nhiều địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh các mô hình tự quản, huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân.
Tuyến phố Tuệ Tĩnh và ngã tư phía trước cổng Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (khu phố 6, phường Thanh Sơn, TP Uông Bí) là một trong những khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự ATGT. Nguyên nhân là do hàng nghìn lượt người và phương tiện ra vào thăm khám, phương tiện đi lễ đền chùa mỗi ngày, cùng với hàng trăm cửa hàng kinh doanh hàng hóa sôi nổi... Để hỗ trợ cùng với lực lượng chức năng địa phương trong việc đảm bảo an toàn, cán bộ và nhân dân khu phố 6 đã thành lập tổ tự quản về ANTT, duy trì hoạt động được gần 8 năm nay. Hằng ngày, tổ tự quản đều có mặt để kiểm tra, đôn đốc các hộ mặt đường, các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm quy định trật tự đô thị; vừa tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, vừa kiên quyết xử lý nghiêm nếu cố tình vi phạm, tái phạm. Ai có khúc mắc cần hỗ trợ, có mâu thuẫn cần can thiệp hòa giải, có thông tin cần trình báo... đều được lắng nghe và xử lý ngay.
Ông Đặng Minh Nhật, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 6, cho biết: Mô hình được ra đời từ nhu cầu của nhân dân, hoạt động vì lợi ích thiết thực của nhân dân, lại tranh thủ được sự tham gia của đội ngũ CCB - những người có uy tín trong cộng đồng. Vì vậy, hoạt động của mô hình luôn được nhân dân đồng tình ủng hộ, cấp ủy và chính quyền địa phương đánh giá cao. Nền nếp trật tự, văn minh đô thị đã trở thành tiêu chí để bình xét thi đua danh hiệu “văn hóa”, “tiên tiến” giữa các khu dân cư hằng năm.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số gần 5.000 mô hình Tổ nhân dân tự quản, xuất phát chủ yếu từ sự tự nguyện tham gia của người dân trên cơ sở tuyên truyền, vận động và hỗ trợ của hệ thống chính trị các cấp. Sự hình thành, phát triển lan tỏa khắp các tổ, thôn, khu dân cư của mô hình này đã phần nào nói lên vai trò quan trọng, tích cực của nhân dân trong công tác đảm bảo ANTT. Bởi thông qua việc duy trì hiệu quả các mô hình này, quần chúng nhân dân trực tiếp phối hợp cùng lực lượng Công an giải quyết các vụ việc, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để phát sinh phức tạp, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tại các khu vực đô thị, ý thức tự giác chấp hành của người dân là yếu tố quan trọng để duy trì nền nếp đường thông hè thoáng, hạn chế tắc nghẽn, ùn ứ giao thông trong giờ cao điểm.
Ngoài thành lập lực lượng làm nhiệm vụ tự quản, nhiều khu dân cư trong tỉnh còn triển khai mô hình lắp đặt camera an ninh công cộng để góp phần duy trì trật tự tại cơ sở. Như tại TP Hạ Long, cách làm này đang được Công an TP Hạ Long triển khai tại 26/33 xã, phường với tổng số 850 mắt camera. Điều đáng nói là 100% kinh phí mua sắm, lắp đặt camera được xã hội hóa từ nguồn đóng góp tự nguyện của nhân dân. Điều này cho thấy sự đồng tình rất lớn của người dân với mô hình; cũng là quyết tâm lớn của toàn thành phố với mục tiêu xây dựng Hạ Long trở thành thành phố “3 không”: Không để mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị; không có ăn xin ăn mày; không để mất ANTT, hình thành điểm nóng trên địa bàn.
Còn tại huyện Đầm Hà, mô hình camera an ninh công cộng cũng đang được 7/9 xã, thị trấn thực hiện. Mọi dữ liệu hình ảnh thu về sẽ hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chức năng địa phương nắm bắt tốt hơn mọi diễn biến tình hình các vụ việc liên quan đến ANTT, ATGT, vệ sinh môi trường... Ông Nềnh Quốc Sinh, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đầm Hà, cho biết: Các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp với lực lượng Công an, thường xuyên tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình, nên đã tạo được sự ủng hộ, đồng tình trong nhân dân. Với cách làm minh bạch, dân chủ, các hộ tự nguyện đóng góp kinh phí để lắp đặt mắt camera tại các điểm ngã ba, ngã tư; sẵn sàng điều chỉnh lại hướng lắp đặt, chia sẻ hình ảnh camera của cơ quan, gia đình kết nối về trực ban công an xã, thị trấn để sử dụng cho công việc chung.
Kinh nghiệm của nhiều địa phương khác trong tỉnh đều cho thấy rằng, sự vào cuộc tham gia của người dân là yếu tố quan trọng hàng đầu để đảm bảo ANTT, văn minh đô thị.
Quảng Ninh có đặc thù địa bàn rộng, các vùng miền trải dài từ miền núi biên giới đến hải đảo, có nhiều dân tộc cùng chung sống với sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo. Do đó, phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ" tại từng địa phương trong tỉnh đã được triển khai một cách phù hợp để huy động sự tham gia của nhân dân một cách hiệu quả nhất. Phổ biến nhất là các mô hình tự quản do hội CCB làm nòng cốt, thành lập theo các khu dân cư, liên gia đình, tại các cơ quan, đơn vị, trường học. Cùng với đó là các mô hình an ninh cơ sở tập trung vào phòng chống tệ nạn ma túy, trộm cắp, cờ bạc, bảo đảm ATGT, trật tự đô thị, PCCC, cảm hóa người lầm lỗi... Mô hình Tự quản ANTT tại cơ quan, đơn vị cũng là một bộ phận của phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của CBCC, NLĐ tham gia xây dựng môi trường làm việc ANTT, an toàn; góp phần hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ vững ANTT ở địa phương.
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()