Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:18 (GMT +7)
Các loại thuốc điều trị COVID-19 được sử dụng tại một số quốc gia
Thứ 7, 17/07/2021 | 23:17:42 [GMT +7] A A
Mỹ và một số quốc gia đã thông qua một số thuốc để điều trị bệnh nhân COVID-19 tự cách ly tại nhà hoặc điều trị tại bệnh viện. Ngoài ra, nhiều nước cũng đang nhanh chóng thử nghiệm một số loại thuốc được cho có tiềm năng để điều trị bệnh nhân COVID-19.
Tocilizumab và sarilumab
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tháng 7 đã khuyến nghị sử dụng thuốc trị viêm khớp Actemra của hãng dược phẩm Roche (Thụy Sĩ) và thuốc Kevzara của hãng dược Sanofi (Pháp) cho bệnh nhân COVID-19 thể nặng. Trong đó, thuốc Actemra có thành phần tocilizumab và thuốc Kevzara có thành phần sarilumab. Tocilizumab và sarilumab vốn được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp bằng cách hạn chế các tác động của protein IL-6.
FDA đã cấp phép sử dụng khẩn cấp tocilizumab (Actemra) để điều trị bệnh nhân COVID-19 nhập viện, trẻ em từ 2 tuổi trở lên, những người cần bổ sung oxy, thở máy hoặc dùng kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO).
Các bệnh nhân COVID-19 nặng có nguy cơ rơi vào tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với tác nhân xâm nhập là virus SARS-CoV-2, hay còn gọi là hội chứng giải phóng IL-6.
Anh cũng khuyến nghị sử dụng Tocilizumab hoặc sarilumab kết hợp với thuốc kháng viêm trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại nước này.
Remdesivir
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã thông qua sử dụng thuốc Remdesivir (Veklury) để điều trị bệnh nhân COVID-19 từ 12 tuổi trở lên và nặng tối thiểu 40 kg.
Liên minh châu Âu (EU) cũng cấp phép lưu hành một cách có điều kiện Remdesivir để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cần trợ thở. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong năm 2020 thông báo rằng qua nghiên cứu của họ, Remdesivir có ít hoặc không làm giảm tỷ lệ tử vong, nguy cơ thở máy hoặc giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân COVID-19.
Thuốc chống đông máu
Hầu hết tất cả những người mắc COVID-19 nhập viện đều nhận được thuốc chống đông máu để giúp ngăn ngừa cục máu đông. Các bác sĩ thường kê heparin hoặc enoxaparin liều thấp. Tuy nhiên, một số bệnh nhân được yêu cầu sử dụng đủ liều thuốc chống đông máu nếu họ đã hình thành cục máu đông. Các bác sĩ luôn cần cân đối nguy cơ chảy máu nguy hiểm khi kê đơn đủ liều cho bệnh nhân.
Dexamethasone
Dexamethasone là thuốc chống viêm mạnh, luôn có sẵn và không đắt. Nhiều bác sĩ, bao gồm cả những người ở Mỹ, đã điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng bằng thuốc kháng viêm kể từ khi đại dịch bắt đầu. Loại thuốc này thường được sử dụng đối với những bệnh nhân COVID-19 đã phát triển hội chứng cơn bão cytokine-hệ miễn dịch phản ứng quá mức với các tác nhân xâm nhập như virus SARS-CoV-2. Chính phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch sẽ làm tổn thương phổi và các cơ quan khác, nguy cơ dẫn đến tử vong.
Những bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện trong tình trạng sức khỏe yếu, cần bổ sung oxy hoặc dùng máy thở sẽ được điều trị bằng Dexamethasone. Khi điều trị bằng loại thuốc này, bệnh nhân có ít có nguy cơ tử vong trong vòng 28 ngày hơn những người được chăm sóc tiêu chuẩn. Dexamethasone không có lợi ích đối với những bệnh nhân không cần hỗ trợ hô hấp.
Ngoài Mỹ, Nhật Bản từ năm 2020 đã cho phép sử dụng Dexamethasone để điều trị bệnh nhân COVID-19. Bộ Y tế Nhật Bản đã liệt kê Dexamethasone là một phương án để điều trị COVID-19 trong hướng dẫn sửa đổi của mình, bên cạnh thuốc Remdesivir.
Thuốc Favipiravir
Favipiravir có cơ chế tương tự như Remdesivir. Từ năm 2020, Trung Quốc là nước đầu tiên cấp phép sử dụng Favipiravir để điều trị COVID-19. Sau đó, các nước như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Italy… cũng lần lượt có quyết định tương tự.
Trong tháng 6, các nhà khoa học của Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố nghiên cứu thành công phương pháp mới giúp cải tiến và rút gọn quy trình tổng hợp thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm. Đây được coi là bước tiến trong tự chủ nguồn nguyên liệu thuốc điều trị COVID-19 tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tín hiệu tích cực từ những loại thuốc đang được thử nghiệm
Trong tháng 7 này, hãng dược phẩm Merck (Mỹ) và công ty Ridgeback Biotherapeutics (Đức) thông báo thuốc uống Molnupiravir điều trị COVID-19 cho bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình cho kết quả hứa hẹn trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3. Thuốc Molnupiravir đã hoàn tất 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, đạt hiệu quả 100% đối với tất cả bệnh nhân COVID-19.
Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 Molnupiravir đang được thử nghiệm với 1.850 bệnh nhân trên toàn cầu. Molnupiravir khiến virus không nhân lên và bị đào thải rất nhanh, giúp bệnh nhân khỏi bệnh. Đặc biệt, thuốc có ít tác dụng phụ.
Ngày 28/5, tập đoàn công nghệ sinh học Bonus BioGroup của Israel thông báo họ đã thử nghiệm lâm sàng thành công thuốc Mesencure điều trị tình trạng suy hô hấp đối với bệnh nhân COVID-19. Thuốc mới này bao gồm các tế bào gốc trung mô từ mô mỡ - được lấy từ những người khỏe mạnh hiến tặng - truyền vào bệnh nhân qua đường truyền máu. Bonus Biogroup cho biết Mesencure có thể giảm tình trạng viêm nhiễm trong mô phổi và hỗ trợ quá trình bình phục của bệnh nhân.
Một cuộc thử nghiệm lâm sàng tại Canada cho kết quả loại thuốc kháng viêm có giá thành thấp, tên là colchicine, có thể giảm đáng kể nguy cơ biến chứng và tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Người đứng đầu Viện Tim Montreal (ICM) đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, ông Jean-Claude Tardif đã công bố kết quả nghiên cứu sơ bộ này ngày 24/1.
Nghiên cứu được tiến hành đối với 4.488 bệnh nhân trên khắp thế giới từ tháng 3/2020. Kết quả cho thấy trong điều trị ngoại trú, thuốc có thể giảm 20% số người nhập viện hoặc tử vong do COVID-19 so với những người dùng giả dược. Khi điều trị cho những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, thuốc giúp giảm 25% số ca nhập viện, 50% số ca phải dùng máy thở và 44% số ca tử vong.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()