Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:49 (GMT +7)
“Các hũ di cốt được hoàn táng là hết sức phù hợp, đảm bảo thuần phong mỹ tục văn hoá tâm linh Việt”
Thứ 5, 17/02/2022 | 12:08:33 [GMT +7] A A
Dịp cuối năm 2021 vừa qua, khi công nhân Công ty CP Phát triển Tùng Lâm gia cố các trụ cáp tời tại khu vực ga 3 cáp treo, tại Yên Tử (TP Uông Bí), đã phát hiện 2 hũ đồng. Qua khảo sát, hai hũ đồng được nhận định có thể có niên đại thời Trần, thế kỷ XIII-XIV, là hai hũ an táng di cốt của các bậc cao tăng Phật giáo. Các di vật hiện đã được hoàn táng tại Yên Tử.
Để có cái nhìn toàn diện hơn về việc ứng xử với di vật của người xưa, cũng như quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị của Yên Tử thời gian qua, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh.
- Là người trực tiếp đến khảo sát tại hiện trường, ông cho biết hai hũ di cốt đã được tìm thấy như thế nào?
+ Việc tiếp cận, khảo sát nghiên cứu hai hũ đồng chứa di cốt tìm thấy tại Yên Tử dịp cuối năm vừa qua được Bảo tàng Quảng Ninh thực hiện rất khẩn trương, theo đúng quy định. Hai di vật này, theo chúng tôi được biết, đã phát lộ trong quá trình Công ty CP Phát triển Tùng Lâm – doanh nghiệp đang vận hành, kinh doanh hệ thống cáp treo vận chuyển du khách hành hương đến các điểm di tích tại khu di tích Yên Tử, tiến hành gia cố các trụ văng cáp tời tại khu vực ga 3 cáp treo.
Từ thông tin phản ánh của địa phương, Sở Văn hóa - Thể thao đã có văn bản gửi cho Bảo tàng Quảng Ninh đề nghị tiến hành xác minh thông tin về việc phát hiện di vật vào ngày 23/11.
Ngay sau đó vào ngày 25/11, Bảo tàng Quảng Ninh đã phối hợp với các chuyên gia của Khoa Lịch sử (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội), Phòng Văn hóa - Thông tin TP Uông Bí, Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử và Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, tiến hành khảo sát hiện trạng địa điểm phát hiện di vật cũng như nghiên cứu sơ bộ về các di vật tại Yên Tử. Sau đó 1 ngày, chúng tôi đã có văn bản báo cáo lên Sở Văn hoá - Thể thao. Cùng với báo cáo của các địa phương, đơn vị liên quan, Sở Văn hóa - Thể thao đã báo cáo UBND tỉnh về thông tin phát hiện 2 hũ di vật tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử.
Ở góc độ là cơ quan chuyên môn, qua khảo sát hiện trường và tham vấn ý kiến của các chuyên gia, chúng tôi đã có những nhận định sơ bộ về hiện vật cùng những đề xuất dưới góc độ của người làm nghiên cứu. Cụ thể, chúng tôi cho rằng, 2 hũ đồng có thể là bình đựng tro cốt của các vị đã từng tu hành tại Yên Tử, hay nói cách khác, đây là một loại hình mộ táng - mộ táng của tu sĩ Phật giáo.
Trong tâm thức người Việt, các yếu tố liên quan đến mộ táng là rất hệ trọng, thiêng liêng vì liên quan đến vấn đề tâm linh, nhất là mộ táng của các vị tu sĩ tại đất thiêng Yên Tử, “kinh đô” của Phật giáo Trúc Lâm thì càng thiêng liêng hơn. Vì vậy, việc khai mở các bình tro cốt hay nghiên cứu theo hướng nào đều phải xem xét đến nhiều yếu tố và làm thật thận trọng, đặc biệt là phải tôn trọng các yếu tố tâm linh.
- Hai hũ cốt sau khi phát hiện đã được Bảo tàng Quảng Ninh nghiên cứu và hoàn táng ngay, có đảm bảo các yếu tố chưa, thưa ông?
+ Trong trường hợp cụ thể này, hai di vật phát hiện tại Yên Tử được cho là các bình đựng tro cốt của tu sĩ Phật giáo gắn với Yên Tử, giá trị của di vật gắn liền với giá trị của di tích, không chỉ là về mặt giá trị văn hoá mà quan trọng không kém còn là cả yếu tố tâm linh. Thêm nữa, việc nghiên cứu sâu, kỹ lưỡng theo góc độ khoa học của người làm chuyên môn cần nhiều thời gian.
Do đó, sau khi nghiên cứu, giải pháp bảo vệ, bảo tồn và phát huy tốt nhất đối với các di vật này là hoàn táng tại di tích với việc xử lý theo các nguyên tắc của bảo tồn di sản khảo cổ dưới lòng đất. Việc hoàn táng ngay không chỉ phù hợp về mặt tâm linh mà thực tế cũng đảm bảo được các yêu cầu, không làm sai lệch, huỷ hoại di vật, vì nếu chỉ là bình cổ thì việc nghiên cứu, trưng bày... sẽ vô cùng đơn giản nhưng nếu có di cốt thì việc hoàn táng sớm là yêu cầu cấp thiết. Kết quả nghiên cứu sau này sẽ được công bố và giới thiệu rộng rãi để mọi người hiểu hơn về di tích, di vật.
- Ông có nhận xét gì về vị trí hoàn táng hiện nay?
+ Thực tế sau khi phát hiện di vật thì có nhiều đề xuất về việc hoàn táng, như hoàn táng tại chỗ hay tại khu vực vườn tháp chùa Hoa Yên… Chưa bàn đến chỗ nào hợp lý nhất mà với tư cách là cơ quan chuyên môn, chúng tôi cho rằng, việc hoàn táng hai bình tro cốt ở đâu cần đáp ứng được các yêu cầu về tâm linh và tôn kính, đảm bảo cho công tác bảo tồn và cảnh quan của khu di tích. Việc đề xuất và lựa chọn chỗ hoàn táng hiện nay dựa trên 3 nguyên tắc như vậy là phù hợp.
- Yên Tử là một khu di tích - danh thắng lớn với hàng trăm điểm di tích chùa, am, tháp nằm trong Rừng quốc gia Yên Tử. Việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo ông sẽ đặt ra những vấn đề gì từ sự việc phát hiện ra 2 hũ di cốt thời Trần?
+ Khu di tích – danh thắng Yên Tử có lịch sử kéo dài cả nghìn năm, đặc biệt vào thời Trần gắn với sự ra đời của dòng thiền Phật giáo Trúc Lâm mang bản sắc của văn hoá Việt, do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ra và phát triển ở Yên Tử, có sức sống mạnh mẽ đến tận bây giờ và mai sau. Với suốt chiều dài lịch sử như thế, chắc chắn sẽ có những trầm tích của di sản còn chìm khuất trong lòng đất mà chúng ta chưa phát hiện ra.
Vì vậy, quá trình triển khai việc bảo tồn, tôn tạo cũng như phát huy giá trị di sản của chúng ta hôm nay có thể xảy ra rất nhiều tình huống khác nhau mà việc phát lộ các di tích, di vật như hai hũ đồng đựng di cốt như vừa qua là điều bình thường. Sau này nếu các cá nhân, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục phát hiện ra các di tích, di vật nào khác ở Yên Tử nói riêng và các di sản khác trên địa bàn tỉnh nói chung, chúng tôi đề nghị thông tin ngay đến Sở Văn hoá – Thể thao và Bảo tàng Quảng Ninh. Qua đó, chúng tôi sẽ vào cuộc khẩn trương để có những nghiên cứu, trên cơ sở đó tham mưu cho Sở Văn hoá - Thể thao và UBND tỉnh có được hướng quản lý phù hợp nhất và bảo toàn được di sản một cách tốt nhất, đảm bảo cả các yếu tố về bảo tồn cũng như phát huy giá trị các di sản văn hoá.
Yên Tử là một quần thể di sản lớn, các di tích nằm rải rác từ chân núi lên tới đỉnh chùa Đồng giữa một vùng rừng núi mênh mông trên diện tích gần 3.000ha. Việc doanh nghiệp gia cố trụ cáp treo, đảm bảo an toàn cho việc hành hương của người dân, du khách khi về với Yên Tử là việc hết sức quan trọng, cần thiết, qua đó phát lộ di vật. Hai hũ cốt này vốn nằm khá nông trong lòng đất, việc xuất lộ theo thời gian mưa gió bào mòn hàng trăm năm là điều đúng theo quy luật tự nhiên. Việc hoàn táng hai hũ cốt sau phát lộ, cụ thể là việc hoàn táng ở một địa thế đẹp như hiện nay, tôi cho là phù hợp và cũng thể hiện được sự nghiêm cẩn, tôn kính với người xưa, là điều tôi nghĩ rằng bất cứ người dân nào cũng thấy an lòng.
- Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()