Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:47 (GMT +7)
Các giải pháp cấp bách phòng chống dịch rất kịp thời, cụ thể, có tính thực tiễn cao
Thứ 5, 12/08/2021 | 11:18:09 [GMT +7] A A
Liên quan đến các giải pháp cấp bách trong công tác y tế được Chính phủ quy định tại Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 6/8/2021, các chuyên gia đánh giá Nghị quyết được ban hành rất kịp thời, đầy đủ, đúng trọng tâm và cập nhật cụ thể các giải pháp có tính thực tiễn cao, sâu sát từng vấn đề.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc |
Nghị quyết 86 bao quát tình hình dịch bệnh và giải pháp ứng phó
Hiện nay, dịch COVID-19 với biến chủng Delta đang diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh, lây lan nhanh và làm gia tăng số người tử vong tại nhiều nước trên thế giới, nhất là tại Đông Nam Á. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo thế giới có nguy cơ mất đi những thành quả chống dịch trước sự lây lan của biến chủng Delta. Bên cạnh đó, biến chủng Lambda xuất hiện gần đây đã lan rộng đến hơn 40 quốc gia, cũng làm gia tăng số người tử vong và đặc biệt biến chủng này có khả năng kháng vaccine COVID-19.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tại Việt Nam, ảnh hưởng từ biến chủng Delta, đợt bùng phát dịch lần thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay) cũng có tốc độ lây rất nhanh, lan rộng tới nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường. Đặc biệt, dịch bệnh đã ngấm sâu vào cộng đồng ở nhiều khu vực thuộc địa bàn TPHCM và một số tỉnh phía nam, với số ca mắc rất cao, gây tổn hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Chính vì vậy, cùng với các giải pháp cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP để cụ thể hóa và thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh Nghị quyết đã được dày công nghiên cứu, xây dựng chi tiết, kỹ lưỡng với sự tham gia ý kiến cụ thể, sâu sát theo từng vấn đề của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo một số địa phương. Nội dung Nghị quyết đã nêu rất đầy đủ, cụ thể về bối cảnh, tình hình dịch, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, các nguyên nhân, tồn tại, khó khăn, thách thức và đề ra các giải pháp trọng tâm, cấp bách, cấp thiết để giải quyết các vấn đề.
“Khả năng tác động, bùng phát của dịch bệnh có thể còn lớn hơn nhiều lần nữa, nếu chúng ta không kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt”, Bộ trưởng khẳng định.
GS.Nguyễn Anh Trí. |
Tính thực tiễn cao
GS. Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương, ĐBQH Hà Nội khóa XV đánh giá Nghị quyết 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19 được ban hành rất kịp thời và cập nhật các biện pháp có tính thực tiễn rất cao.
Theo ông Nguyễn Anh Trí, các biện pháp trong Nghị quyết được đúc kết từ thực tiễn chống dịch tại Việt Nam trong hơn 1 năm qua, từ kinh nghiệm chống dịch tại các địa phương đã bùng phát dịch và từ chính tình hình dịch đang xảy ra tại nhiều địa phương, nhất là phía nam.
“Có thể nói, đây là một Nghị quyết tổng hợp nhất từ Chính phủ về phòng chống COVID-19, đề cập nhiều vấn đề, từ công tác tổ chức, các hoạt động chuyên môn, kinh phí… đến cơ chế hoạt động, phân công trách nhiệm rất rõ ràng. Nghị quyết đã mở đường, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động các biện pháp chống dịch”, GS Nguyễn Anh Trí cho biết.
Ông Nguyễn Anh Trí cũng chia sẻ riêng về chính sách vaccine, Nghị quyết tiếp tục khẳng định một cách đúng đắn rằng vaccine là chìa khóa then chốt để khống chế dịch COVID-19 ở nước ta. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều đã và đang tập trung tìm kiếm nguồn vaccine cho người dân từ rất sớm, rất quyết liệt và khẳng định vaccine là miễn phí.
“Trong Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra rất nhiều cách để có nguồn vaccine tiêm cho người dân, từ ngoại giao vaccine, tìm quan hệ, mở rộng đối tượng tìm kiếm, sản xuất vaccine trong nước đến chuyển giao công nghệ… Đặc biệt, vấn đề kinh phí mua vaccine cũng được khẳng định rất rõ ràng, không vòng vo”, GS. Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Cũng trong Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ việc thành lập trung tâm tổng chỉ huy, để chỉ đạo tập trung thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, tổ chức công tác mua sắm, trang thiết bị phòng chống dịch.
“Trong điều kiện cấp bách chống dịch như hiện nay, cần phải có những quyết sách nhanh, chính xác, có tính thực tiễn cao như trên, để cả nước cùng chung tay chống dịch”, ông Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng. |
Đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng chống dịch
GS.TS Nguyễn Lân Dũng, nguyên ĐBQH khóa X, XI, XII, người luôn theo dõi tình hình dịch và các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, cũng chỉ ra rằng Nghị quyết đã nhấn mạnh và đặc biệt chú trọng việc quản lý, chăm sóc người bị nhiễm chưa có triệu chứng. Mục đích là để những bệnh nhân này không diễn biến nặng, giảm tải cho hệ thống y tế. Đồng thời, không để bệnh nhân nặng tử vong, Thủ tướng chỉ rõ việc phải phân tầng điều trị bệnh nhân COVID-19, tầng theo dõi bệnh nhân không triệu chứng, tầng điều trị và tầng hồi sức tích cực.
Bên cạnh đó, các địa phương phải chỉ đạo xét nghiệm “thần tốc” các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn, nhằm phát hiện F0 nhanh nhất, phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị ngay; phải kiểm soát, tuyệt đối không bỏ sót, không để F0 tiếp tục tiếp xúc, di chuyển làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Điều này có nghĩa là các địa phương cần hoàn thiện gấp các điều kiện vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế đủ năng lực. Đối với các bệnh nhân không triệu chứng, cần đảm bảo dinh dưỡng, có điều kiện xử lý chất thải, có trang bị phương tiện để theo dõi sức khỏe. Đồng thời yêu cầu bệnh nhân tự kê khai mức độ sức khỏe của mình và gửi cho y tá mỗi ngày hai lần (hay chuyển qua e-mail).
Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Y tế xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch ở mức thấp, mức trung bình, mức cao và các phương án ứng phó, báo cáo Thủ tướng. UBND cấp tỉnh cũng phải xây dựng các kịch bản tương tự theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền cần báo cáo Chính phủ. Làm như vậy mới đáp ứng được yêu cầu phòng và chống dịch, mới có thể huy động đủ lực lượng chống dịch (kể cả các bệnh viện tư), đủ phương tiện thu nhận bệnh nhân và các thiết bị, thuốc men chữa bệnh, GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết.
Trong Nghị quyết lần này, Chính phủ cũng đã quyết nghị về các cơ chế, chính sách đặc thù để xúc tiến nhanh chóng việc nhập vaccine, thuốc điều trị từ nước ngoài và đẩy nhanh việc tự sản xuất vaccine trong nước.
Với những quyết sách cấp bách, kịp thời, chính xác, nhạy bén, các chuyên gia đều hy vọng, Việt Nam sẽ nhanh chóng chiến thắng "kẻ thù vô hình" SASR-CoV-2, người dân sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường.
"Chúng ta cần nghiêm túc chấp hành để chung tay chống dịch như tinh thần chống giặc ngoại xâm. Đặc biệt, toàn dân cần thực hiện yêu cầu 5K và ai ở đâu thì ở đó - đây là cách tốt nhất mà mỗi người dân có thể chủ động thực hiện, để tránh lây lan dịch bệnh. Tuy khó khăn nhưng nếu mọi người, mọi cấp chính quyền đều quyết tâm thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thì chúng ta sẽ nhanh chóng chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh. Vì thế, hơn bao giờ hết, mỗi người dân cần thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết bằng thực hiện Nghị quyết của Chính phủ. Đó cũng là đáp ứng đối với lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", GS. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.
Theo Chinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()