Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 28/01/2025 09:01 (GMT +7)
Các địa phương thả cá giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản
Thứ 5, 01/04/2021 | 21:13:08 [GMT +7] A A
Hôm nay, nhân Kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam 1/4 (1959 - 2021), một số địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Chiều 1/4, huyện Đầm Hà tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam. Tham dự có đồng chí Chử Văn Thìn, Vụ phó vụ Địa phương 1, Văn phòng T.Ư Đảng cùng các đồng chí lãnh đạo huyện.
Các đại biểu đã thả con giống thủy sản vào vùng nước tự nhiên gần khu vực bãi tập kết vật liệu xây dựng thôn Đầm Buôn, xã Đầm Hà. Khoảng 1,5 vạn cá giống và 2,5 vạn tôm giống được thả ra vùng nước tự nhiên tại nhiều khu vực trên địa bàn huyện, góp phần bổ sung, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản.
Các đại biểu thả con giống thủy sản vào vùng nước tự nhiên gần khu vực bãi tập kết vật liệu xây dựng thôn Đầm Buôn, xã Đầm Hà |
Thông qua việc thả con giống thủy sản, phát động và khơi dậy phong trào toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, tham gia các hoạt động tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản; đồng thời, tuyên truyền đến người dân không khai thác thủy sản mang tính hủy diệt như: Không sử dụng công cụ khai thác có mắt lưới nhỏ, không được sử dụng xung điện hay dùng hóa chất độc hại để đánh bắt thủy sản, không đánh bắt ở vùng cấm khai thác thủy sản.
Việc thả cá giống vào môi trường tự nhiên mang ý nghĩa lớn về việc bảo vệ nguồn sinh thái, thúc đẩy hoạt động nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản của địa phương ngày càng mở rộng, phát triển bền vững.
Quốc Nghị (Trung tâm TT&VH Đầm Hà)
Kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống ngành Thuỷ sản Việt Nam, chiều ngày 1/4, tại Cảng Cái Rồng, Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Vân Đồn đã tổ chức thả cá giống ra vùng nước tự nhiên.
Huyện Vân Đồn tổ chức thả cá giống ra vùng nước tự nhiên. |
Hoạt động nhằm tuyên truyền cho ngư dân hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn, bảo vệ tài nguyên biển như Bác Hồ đã căn dặn “Biển bạc của ta phải do nhân dân ta làm chủ”. Đồng thời để phát triển, tái tạo, bổ sung nguồn giống thuỷ sản cho các vùng nước, vùng biển tại địa phương. Ngay sau lễ phát động, các cán bộ và nhân dân đã tiến hành thả 10.000 con giống ra biển.
Được biết trong những năm gần đây, huyện Vân Đồn đã có nhiều hoạt động thiết thực, phát huy hiệu quả sản xuất khai thác, nuôi trồng, dịch vụ hậu cần nghề cá đem lại đời sống kinh tế ngày một khá giả cho ngư dân. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức của ngư dân trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Thanh Nga (Trung tâm TT - VH Vân Đồn)
Ngày 1/4, huyện Hải Hà đã tổ chức lễ phát động thả giống thủy sản Kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống Thủy sản Việt Nam.
Việc tổ chức lễ phát động thả giống thủy sản nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội trong việc chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản để góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản, duy trì và bảo vệ các loài thủy sản có giá trị cao, giữ gìn tính đa dạng sinh học.
Các cán bộ và ngư dân trên địa bàn huyện tham gia thả các loại thủy sản xuống biển |
Sau buổi lễ phát động, các đại biểu và bà con ngư dân đã tiến hành thả 20 vạn con tôm sú, 4 nghìn con cá song, vược và cá hồng mỹ xuống cửa sông tiếp giáp với biển khu vực gần UBND xã Phú Hải cũ.
Đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang ngày càng bị khai thác cạn kiệt, đồng thời góp phần nâng cao sinh kế cho cộng đồng ngư dân, đặc biệt là các ngư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản tại các xã ven biển của huyện Hải Hà.
Hồng Nhung (Trung tâm TT&VH Hải Hà)
Ngày 1/4, huyện Cô Tô tổ chức thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Cụ thể, đại diện lãnh đạo huyện Cô Tô cùng cán bộ các ban, ngành, đơn vị LLVT trên địa bàn huyện đã thả 20.000 con cá giống gồm các loại vược, đối, song… trong khu vực biển Cô Tô.
Đại diện lãnh đạo huyện và các cán bộ huyện Cô Tô thả 20.000 cá giống xuống biển. |
Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản của huyện là hoạt động thiết thực, mang tính thực tiễn và tuyên truyền cao, nhằm bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ; đồng thời gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản nhằm phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững.
Từ đó, nâng cao nhận thức của đông đảo người dân nhất là ngư dân ven biển về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái thủy sinh, đồng thời giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật biển, tạo nên một hệ sinh biển đa dạng, phong phú.
Hoàng Phương - Thu Cúc(Trung tâm TT&VH Cô Tô)
Ngày 1/4, tại hồ chứa nước phục vụ 4 xã vùng cao Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh và Thanh Lâm, UBND huyện Ba Chẽ phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh tổ chức thả cá giống bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Các đồng chí lãnh đạo huyện, đại biểu cùng nhân dân thả hàng nghìn con cá giống xuống hồ. |
Những năm qua, xác định công tác nuôi trồng thủy sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản với diện tích 71,7 ha; thành lập Hội Nghề cá để kết nối, vận động hội viên phát triển kinh tế thủy sản; hàng năm diện tích, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đều đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt 49,5 ha, sản lượng đạt 19,2 tấn với 152 hộ nuôi và khai thác thủy sản.
Tại chương trình, sau khi hướng dẫn kỹ thuật thả cá, công tác chăm sóc thủy sản, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, các đại biểu cùng nhân dân đã tham gia thả 45.000 cá giống các loại tại hồ chứa nước phục vụ 4 xã vùng cao thuộc xã Lương Mông.
Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa, thiết thực, nhằm tăng cường nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường, nguồn nước, phát triển nguồn lợi thủy sản của địa phương.
Bình Minh - Thanh Sơn(Trung tâm TT&VH Ba Chẽ)
Liên kết website
Ý kiến ()