Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:22 (GMT +7)
Các địa phương, đơn vị chủ động các biện pháp ứng phó bão số 1 (Talim)
Thứ 2, 17/07/2023 | 14:51:28 [GMT +7] A A
Để chủ động ứng phó với diễn biến cơn bão số 1 (Talim), các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã quán triệt, triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo an toàn về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sản.
* Vân Đồn:
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS huyện Vân Đồn, đến 17 giờ chiều 17/7, trên 1.500 phương tiện tàu cá của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vân Đồn đã được thông tin, di dời vào các nơi tránh trú bão an toàn.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 1 (Talim), ngày 17/7, UBND huyện Vân Đồn đã ban hành Công điện số 01/CĐ-UBND “chủ động ứng phó với bão số 1”. Trong đó chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ, thông báo cho các phương tiện tàu thuyền của địa phương về diễn biến tình hình bão số 1 để các chủ phương tiện nắm bắt và nhanh chóng di dời về nơi tránh trú an toàn.
Đến 17 giờ ngày 17/7, toàn bộ trên 1.500 phương tiện tàu cá của các xã, thị trấn (đã có rà soát thống kê) đã được kêu gọi, nắm được thông tin và di dời vào các nơi tránh trú an toàn tại Bến Quan Lạn, Vụng Sâu (xã Quan Lạn); khu Ổ Lợn, Cống Đình (xã Minh Châu); Bến Thắng Lợi, khu Áng Giã, vụng Tùng Con, lạch Cống Đông (xã Thắng Lợi); khu Đầm Tàu, khu Cái Tặc, khu Cống Yên (xã Ngọc Vừng); khu Xà Kẹp, cống Lão Vọng (xã Hạ Long); khu Đầm Cóc (xã Đoàn Kết); khu vực tránh trú bão phía Đông Cảng Cái Rồng.
Cùng với đó, 540 nhà bè trên biển (bè trông coi NTTS, bè dịch vụ và tàu xi măng) đã được gia cố, chằng chống an toàn; đồng thời chính quyền địa phương đã thông tin, yêu cầu sơ tán người già, trẻ em lên bờ. Tính đến thời điểm 17 giờ ngày 17/7, các lực lượng chức năng đã di dời được 672/700 người trên các nhà bè lên bờ, số còn lại đang được tiếp tục vận động, yêu cầu di dời lên bờ đảm bảo an toàn.
Các phương án phòng, chống bão số 1 trên địa bàn huyện Vân Đồn cũng đã được Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN&PTDS huyện chuẩn bị, với phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không được chủ quan.
*Cô Tô:
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 1 (bão Talim), các lực lượng và chính quyền huyện Cô Tô đã tích cực vận động, hướng dẫn bà con ngư dân chủ động phòng chống mưa bão.
Với tình hình thời tiết trên biển dự báo diễn biến phức tạp và ngày càng mạnh thêm của cơn bão số 1, Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS huyện Cô Tô yêu cầu các Đồn Biên phòng, các xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra, rà soát các phương tiện trên địa bàn, yêu cầu các chủ tàu đưa tàu vào nơi tránh trú an toàn.
Tổng số tàu thuyền đã vào các khu vực tránh trú bão trên địa bàn huyện là 577 phương tiện, tổng số 28 bè đã di rời vào nơi tránh trú và đã đưa toàn bộ người lên bờ. Đồng thời, huyện cũng duy trì 100% quân số trực, sẵn sàng tham gia phòng, chống cơn bão số 1, tiếp tục quán triệt, triển khai và thực hiện nghiêm công điện của các cấp về phòng, chống mưa bão.
Các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm các chế độ trực, nắm chắc tình hình trên địa bàn, có phương án ứng phó kịp thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử trí các tình huống trên địa bàn. Đồng thời kiểm tra, rà soát các trọng điểm ảnh hưởng của bão, mưa lũ như: các hồ đập, các tuyến đê xung yếu; đặc biệt các khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá để chủ động phương án phòng, chống ứng phó kịp thời khi mưa bão đổ bộ vào địa bàn.
*Đầm Hà:
Để phòng chống bão số 1 (bão Talim), UBND huyện Đầm Hà đã thành lập 3 tổ công tác trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão.
Qua kiểm tra cho thấy bà con ngư dân đã nắm được thông tin về diễn biến của cơn bão và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ động bảo vệ tài sản, di chuyển người, phương tiện về nơi trú tránh bão. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của cơn bão, lãnh đạo huyện Đầm Hà đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các xã tiếp tục thông tin về diễn biến của cơn bão để người dân nắm được, chủ động phòng tránh. Chủ tịch UBND các xã ven biển phải liên lạc, thống kê, rà soát từng phương tiện, từng hộ, từng nhân khẩu trên các tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản, yêu cầu di chuyển đến nơi an toàn trước 16h ngày 17/7.
Ngay trong chiều nay 17/7, tổ chức đoàn công tác của công an huyện và các xã đôn đốc, rà soát, kiểm tra lại toàn bộ tàu thuyền, lồng bè trên khu vực biển, yêu cầu toàn bộ người dân di chuyển về nơi trú ẩn an toàn.
Cũng trong chiều nay, Thường trực Huyện ủy Đầm Hà tổ chức họp trực tiếp và trực tuyến đến các xã, thị trấn để nghe báo cáo tình hình và triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 1.
Tại cuộc họp, đồng chí Đỗ Thị Ninh Hường, Bí thư Huyện ủy Đầm Hà đề nghị UBND huyện, các xã, thị trấn và các cơ quan đơn vị lãnh đạo để tổ chức nghiêm túc các công điện của Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN&PTDS cấp tỉnh và các chỉ đạo của huyện đối với công tác ứng phó với cơn bão số 1. Trong đó, cần tổ chức lực lượng trực bão 24/24h, theo dõi thường xuyên diễn biến đường đi của cơn bão số 1 để ứng phó kịp thời, hiệu quả; duy trì chế độ trực thông tin báo cáo theo đúng quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo trên hệ thống thông tin của huyện và các xã, thị trấn về hướng đi, thời gian đổ bộ của bão số 1 vào đất liền để nhân dân nắm rõ, đảm bảo an toàn khi mưa lũ xảy ra; sẵn sàng phương án di dời, sơ tán người dân ở khu vực ngập lụt, sạt lở và chủ động phương án chống ngập úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp...
* Móng Cái:
Ngày 17/7, TP Móng Cái đã tổ chức 4 đoàn kiểm tra do các đồng chí lãnh đạo thành phố làm trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng, chống bão trên địa bàn.
Kiểm tra công tác phòng, chống bão, lãnh đạo TP Móng Cái yêu cầu các địa phương, các ngành, lực lượng chức năng thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bão theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương chủ động thông tin kịp thời, hướng dẫn người dân, các đơn vị ứng phó bão, lũ. Đồng thời, khẩn trương rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, chủ động hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển để tránh trú an toàn; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.
Rà soát đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch và du khách; các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.
Các địa phương cử người trực, canh gác 24/24h thường xuyên tại các vị trí ngầm, tràn giao thông, kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân đi lại trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn để đảm bảo an toàn. Có phương án huy động các phương tiện, thiết bị và lực lượng kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông do mưa lũ gây ra, đảm bảo giao thông thông suốt. Rà soát, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở; tổ chức các phương án di dời người ở tại các lán trại, nhà tạm dưới chân mái kè, vùng trũng, các công trình xây dựng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản trong mọi tình huống. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.
Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các tuyến đê biển, đê cửa sông, cống nhất là các vị trí xung yếu, đang thi công; bố trí lực lượng tổ chức kiểm tra, canh gác các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở, các đường tràn, ngầm tràn, nghiêm cấm người dân qua sông suối, đánh cá, vớt củi, chăn thả gia súc… đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ, nhằm hạn chế thiệt hại tối đa nhất về người và tài sản cho nhân dân.
Theo tin từ Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS TP Móng Cái, đến thời điểm này, đã có 1.206 tàu, thuyền đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hóa của thành phố đã về nơi tránh trú bão an toàn; 381 lồng, bè nuôi trồng thủy sản của ngư dân đã được chằng chống an toàn. Thành phố cũng đã rà soát và có phương án phòng chống, di dân đối với 576 nhà yếu với 2.131 nhân khẩu, thông báo nghiêm cấm các phương tiện thủy ra khơi khai thác thủy hải sản trên địa bàn.
*Quảng Yên:
Trước diễn biến mạnh của cơn bão số 1 (Bão Talim), sáng ngày 17/7, đồng chí Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS thị xã, tiến hành kiểm tra và chỉ đạo tại hiện trường các phương án, sẵn sàng ứng phó, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và phương tiện tàu thuyền của nhân dân.
Theo đó, đồng chí Chủ tịch UBND thị xã cùng các đồng chí lãnh đạo một số cơ quan chuyên môn đã trực tiếp kiểm tra một số tuyến đê và cống tiêu thoát nước, đồng thời chỉ đạo tại hiện trường một số giải pháp phòng chống bão.
Kiểm tra tại kho Hạt quản lý đê Quảng Yên, ở phường Phong Hải, hiện trong kho đã dự trữ 2.610 rọ thép, dây thép buộc 1.702kg, bao tải 6.340 cái, vải bạt chống sóng 1.500m2, bè cứu sinh nhẹ 10 chiếc. Các bãi đá hộc dự trữ dùng để cứu hộ đê trong trường hợp khẩn cấp được phân bổ tại các điểm xung yếu dọc trên tuyến đê Hà Nam là 9.727m3.
Đồng chí Chủ tịch UBND TX Trần Đức Thắng nhấn mạnh với cán bộ kho: Đây là cơn bão đầu tiên trong năm 2023 và là cơn bão có cường độ mạnh đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng. Do đó đồng chí yêu cầu cán bộ trông coi kho kiểm đếm lại toàn bộ những dụng cụ cần thiết trong kho, ứng trực sẵn sàng xuất - cấp vật tư dự trữ và tham mưu xử lý sự cố đê, nhằm tránh những thiệt hại khi bão đến.
Kiểm tra đoạn cửa khẩu qua đê, thuộc KCN Nam Tiền Phong tại thôn 4, xã Tiền Phong, đồng chí Chủ tịch UBND thị xã giao xã Tiền Phong cùng với Ban lãnh đạo KCN, chuẩn bị các phương tiện cần thiết như: Cánh phai, xe nâng, xe cẩu… sẵn sàng đề phòng, xử lý khi mưa to kéo dài. Đồng chí yêu cầu Ban lãnh đạo KCN cùng với chính quyền địa phương hết sức chú ý đoạn đường qua đê này, tuyệt đối không được chủ quan, đề phòng cao nhằm chủ động ứng phó, không để bị động, đảm bảo an toàn cho người dân trên địa bàn yên tâm lao động, sản xuất.
Kiểm tra tại bến neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Tân An và cống 5 cửa khu vực này, đồng chí Chủ tịch UBND thị xã yêu cầu lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thị xã cắt cử người ứng trực 24/24h và phải kiểm tra lại toàn bộ các cánh phai, cửa phai…, tiến hành vận hành thử để kịp thời bổ sung, tu bổ sẵn sàng tiêu thoát nước khi bão đến.
Đồng chí yêu cầu phường Tân An thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các phương tiện đánh bắt xa bờ, các chủ lồng bè biết tình hình, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng, tránh, vào đất liền trước 17h00, ngày 17/7.
Tính tới thời điểm hiện tại, tổng số tàu thuyền đã được thông báo, kêu gọi trên địa bàn thị xã là 2.628 chiếc; đã có 85% số tàu thuyền vào bến hoặc vào nơi tránh trú an toàn. Cùng với đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn các xã, phường đã thông tin cho 100% tàu thuyền, lồng bè nuôi về diễn biến của bão số 1.
*Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang tỉnh quán triệt, triển khai ngay lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Theo đó, Bộ CHQS tỉnh duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 1, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống tại chỗ bảo đảm an toàn cơ quan, đơn vị.
Trên 1.000 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân tự vệ cùng 34 xe ô tô các loại, 5 tàu, 24 xuồng đã được huy động thường trực chống bão. Theo kế hoạch hiệp đồng, các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Quân khu 3 với 1.435 cán bộ, chiến sĩ và 82 phương tiện, trong đó 41 ô tô, 8 tàu, 27 xuồng, 6 xe đặc chủng sẵn sàng triển khai ngay khi có yêu cầu. Đồng thời, chỉ đạo đội liên ngành thường trực cứu hộ, cứu nạn trên Vịnh Hạ Long nắm chắc tình hình trên biển, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra. Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc các đơn vị triển khai công tác phòng, chống diễn biến của bão.
*Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 1 (Talim), Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương triển khai đồng bộ các phương án phòng chống mưa bão.
Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tế, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo bắn 3 lượt/18 quả đạn pháo hiệu báo bão; phân công cán bộ trực ban tại Bộ Chỉ huy và các đơn vị 24/24 giờ trong ngày; duy trì lực lượng thường trực cơ động sẵn sàng ứng phó với 240 đồng chí cán bộ, chiến sĩ, 2 tàu, 16 xuồng cao tốc sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống đột xuất xảy ra.
Bão Talim được dự báo rất mạnh, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Quảng Ninh, ngay từ sáng nay 15/7, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng, Hải đội 2, tổ chức lực lượng tuần tra trên biển, kêu gọi chủ tàu cá vào bờ, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn, sẵn sàng 24/24 giờ trong ngày để thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ khi có trường hợp sự cố xảy ra.
Các đơn vị không chỉ phát đi thông báo, kêu gọi tàu thuyền tìm nơi trú bão an toàn mà còn cử CBCS xuống tận cơ sở để giúp đỡ ngư dân sắp xếp, neo cột tàu thuyền, gia cố lồng bè nuôi trồng thuỷ sản trên biển.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, với các giải pháp đồng bộ, cụ thể, đến chiều ngày 17/7, toàn bộ 7.856 phương tiện/15.220 ngư dân (231 tàu cá trên 15m; 5.774 tàu cá từ 6-25 m; 384 tàu du lịch, 859 đò, mảng, xuồng máy dân sinh, 618 phương tiện nổi khác) và 1.872 ô, lồng bè/1.743 người của địa phương đã nhận được thông tin về hướng di chuyển, cường độ bão Talim, chủ động di chuyển về nơi tránh trú bão an toàn.
Mạnh Trường - Hữu Việt - Nguyễn Chiến - CTV Văn Đảm - Mai Thắm - Quốc Nghị - Bùi Niên -Hoàng Phương
Liên kết website
Ý kiến ()