Tất cả chuyên mục

Thực hiện Công điện số 21/CĐ-UBND ngày 16/10 của UBND tỉnh và Công điện số 66/CĐ-BCH ngày 17/10 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh “Về chủ động các biện pháp đối phó với bão số 7”, các địa phương đã chủ động triển khai các phương án phòng, chống bão.
Bình Liêu: Tính đến hết ngày 18/10, huyện Bình Liêu đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và phương tiện để đối phó với cơn bão số 7.
![]() |
Huyện Bình Liêu đã có mưa, nước dâng lên ở một số đập tràn gây khó khăn cho người tham gia giao thông. |
Toàn huyện có khoảng 30% diện tích lúa chín sớm, trong tổng số 1.500 ha lúa mùa đã cơ bản thu hoạch xong; có 70 căn nhà trong diện phải di dời, 10 căn nhà cần di chuyển khẩn cấp, 2 nhà đã sập bắt buộc phải di chuyển trước đó. Riêng xã Phong Dụ có 17 căn nhà có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét và ngập lụt. Xã Đồng Văn có hơn 200 nhà đất, trên 1.000 con trâu, bò, dê đã được đảm bảo an toàn.
![]() |
Đến tối 18/10, hàng hoá đã không còn thông quan, các phương tiện về tập kết tránh bão. |
Huyện đã bố trí các thanh chắn tại các đập tràn, sẵn sàng ngăn không cho người và phương tiện di chuyển qua khi có lũ do mưa bão và hoàn lưu của bão số 7 gây ra; có phương án dự phòng đối phó với việc xả lũ từ các hồ đập bên phía Trung Quốc. Chiều ngày 18/10, trên địa bàn huyện Bình Liêu đã có mưa, học sinh trong toàn huyện đã được cho nghỉ học.
![]() |
Đồng chí Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo chủ một cơ sở sản xuất miến dong đưa máy móc phương tiện lên chỗ cao đề phòng nước lũ dâng. |
Phạm Học
Móng Cái: Trước diễn biến của bão số 7, thành phố Móng Cái đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN trực tiếp xuống các địa phương để cùng nhân dân phòng, chống bão số 7 với phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng".
![]() |
Đê Hải Xuân đang trong quá trình thi công đã được gia cố, phủ bạt đảm bảo an toàn. |
Thành phố đã rà soát và xác định có 18 vị trí, công trình xung yếu và đã triển khai phương án phòng, chống. Đến nay các vị trí xung yếu đã và đang tiếp tục tập trung khắc phục, gia cố thêm, đồng thời chuẩn bị vật tư dự trữ và có phương án bảo vệ, xử trí khi có tình huống xấu xẩy ra. Thành phố đã huy động 200 cán bộ chiến sỹ các đơn vị bộ đội, biên phòng; chuẩn bị 11.905 bao tải dứa, 470 phao tròn, 77 áo phao, 8 chiếc phao bè, 26 cái nhà bạt, 186 cuốc xẻng, 45 rọ sắt, 13 ô tô ben tải, 17 ô tô khách... sẵn sàng ứng phó với bão.
![]() |
Người dân xã Hải Xuân chủ động chằng chống nhà cửa trước khi bão đến. |
Đến nay, thành phố đã kêu gọi được 1.361/1.361 tàu thuyền đang khai thác hải sản ven bờ về nơi tránh trú bão an toàn. Đối với những đò không thể kịp xuất hàng yêu cầu dỡ hàng xuống bến và khẩn trương di chuyển về nơi neo đậu an toàn. Thành phố đã tổ chức thông tin về diễn biến của cơn bão và yêu cầu thực hiện việc gia cố tại chỗ chắc chắn và chủ động di chuyển người lên bờ an toàn trước khi bão đổ bộ đối với 97 chòi, lồng bè nuôi thủy sản ven biển và vùng bãi triều. Thành phố cũng đã huy động lực lượng bộ đội, biên phòng thu hoạch lúa giúp bà con tránh thiệt hại do bão gây ra.
![]() |
Tàu khai thác thủy sản và các đò sắt trên sông biên giới đã về nơi neo đậu an toàn. |
![]() |
Thành phố cũng đã huy động lực lượng bộ đội, biên phòng thu hoạch lúa giúp bà con tránh thiệt hại do bão gây ra. |
Hữu Việt
Hoành Bồ: Trước những thông tin về diễn biến của cơn bão số 7, huyện Hoành Bồ đã tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị khẩn trương rà soát và di dời các hộ có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét, nhà tạm, nhà yếu về nơi an toàn trong ngày 18/10.
![]() |
Bộ Chỉ huy Quân sự huyện huy động lực lượng xuống giúp dân gặt lúa và thu hoạch cây, hoa màu. |
Theo đó, toàn huyện có 285 hộ nằm trong diện di dời về nơi an toàn. 18 hộ dân đang cư trú trên khu vực lòng hồ Cao Vân cũng đã được chỉ đạo có phương án di dời. Để ứng phó với cơn bão, UBND huyện Hoành Bồ cũng đã chỉ đạo các xã khẩn trương thu hoạch lúa vụ mùa (hiện toàn huyện còn khoảng 200 ha/1.400 ha chưa thu hoạch); chằng chống đổ cho khoảng 90 ha mía tím tại các xã (Sơn Dương, Thống Nhất, Quảng La...). Các điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao tại các xã vùng cao như Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Đồng Lâm đã được kiểm tra, rà soát và có phương án xử lý, giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại khi mưa lũ về.
Trên 500 công nhân người Trung Quốc đang thi công Dự án nhiệt điện Thăng Long, xã Lê Lợi cũng đã có phương án di dời vào khu vực an toàn. Huyện cũng đã chỉ đạo Công ty Cổ phần BOT Biên Cương chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn cho số công nhân đang thi công Dự án đồng thời triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn giao thông. Huyện sẽ triển khai phương án phối hợp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhà thầu.
Trước đó, từ đầu giờ chiều 17/10, huyện cũng đã thành lập 4 đoàn công tác của đi kiểm tra, chỉ đạo đôn đốc các xã triển khai đối phó với bão số 7. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện theo địa bàn được phân công bám sát cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo hỗ trợ các xã, thị trấn về công tác chỉ đạo phòng, chống bão ngay tại cơ sở.
Hoàng Anh - Thuỳ Dương (Đài Hoành Bồ)
Đầm Hà: Trước nguy cơ cơn bão số 7 đổ bộ vào Quảng Ninh, huyện Đầm Hà đang tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ phòng chống bão số 07 (Sarika).
Huyện đã chia thành 3 đoàn công tác xuống các xã, thị trấn kiểm tra, chỉ đạo công tác triển khai phòng chống bão số 7; thành lập 2 đoàn gồm lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng, cơ quan thường trực cơ động ra biển kêu gọi tàu thuyền và các phương tiện nuôi trồng, đánh bắt trên biển khẩn trương vào nơi tránh trú bão an toàn. Tính đến 14h ngày 18/10/2016, đã có 377/382 tàu thuyền (Đầm Hà 212, Tân Lập 114, Tân Bình 18, Đại Bình 22, Thị Trấn 11, Tân Phú 18) vào nơi tránh trú an toàn.
![]() |
Tàu thuyền tránh trú bão tại bến Xóm Giáo, xã Đầm Hà. Ảnh Quốc Nghị (CTV) |
Ban Chỉ huy Quân sự huyện phối hợp với Trung đoàn 43, sư đoàn 395 và Trạm Ra đa 28 – Phòng không không quân huy động 70 cán bộ, chiến sỹ đồng thời huy động 150 dân quân của các xã, thị trấn tham gia giúp dân thu hoạch lúa mùa và phòng chống cơn bão số 7; đến thời điểm hiện tại toàn huyện có tổng số 2.242,16 ha lúa mùa, trong đó diện tích lúa đã thu hoạch 616,42 ha, diện tích lúa thu hoạch chạy bão 49,6 ha (dân tự thu hoạch 40 ha; các lực lượng giúp dân thu hoạch 9,6 ha), diện tích còn lại là lúa mùa muộn chưa đến thời điểm thu hoạch là 1.576,1 ha.
![]() |
Các lực lượng quân đội, dân quân tự vệ giúp người dân xã Quảng Lợi thu hoạch lúa. Ảnh Quốc Nghị |
Huyện đã bố trí lực lượng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân di chuyển các hộ dân có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét, nhà tạm đến các vị trí an toàn trước 15h ngày 18/10/2016; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão.
Thái Cảnh
Vân Đồn: Sáng 18/10, 1.506 phương tiện tàu cá của huyện đã được kêu gọi di chuyển vào các nơi tránh trú bão an toàn; 435 nhà bè đã được gia cố và đang tập trung di chuyển người già và trẻ em lên bờ.
Hiện tại, có 7 khách du lịch người nước ngoài đang còn trên đảo Quan Lạn nên huyện Vân Đồn đang tìm cách đưa về đất liền hoặc yêu cầu địa phương có biện pháp để họ lưu trú lại được an toàn.
Những hộ gia đình có nguy cơ nguy ảnh hưởng nặng do bão Sarika ở các xã: Hạ Long, Thắng Lợi, Minh Châu, Ngọc Vừng, Đoàn Kết, Đài Xuyên, Bình Dân đều được rà soát để chủ động đưa đến vị trí an toàn.
![]() |
Cơ quan chức năng kiểm tra neo đậu tàu thuyền tại cảng Cái Rồng |
![]() |
Các tàu đánh bắt xa bờ đều đã về nơi tránh trú |
![]() |
Trẻ em đã được đưa từ các tàu thuyền về nơi an toàn |
![]() |
Huyện Vân Đồn đã chủ động tuyên truyền để người dân phòng chống bão, di chuyển về nơi an toàn |
Duy Linh
Cẩm Phả: Để đối phó với cơn bão số 7, ngày 17/10, TP Cẩm Phả đã ban hành văn bản số 31/BCH về chủ động các biện pháp đối phó với cơn bão.
Thành phố yêu cầu UBND các phường, xã, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn chủ động theo dõi diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; tuyên truyền để người dân trên các lồng bè có biện pháp chằng, chống ao, đầm, lồng bè; tổ chức di dời, cưỡng chế đưa toàn bộ người dân cố tình ở lại trên tàu, thuyền, bè và các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, nhà ở xuống cấp; cắt tỉa cây xanh… Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị ngành than, hoạt động thi công xây dựng, viễn thông, nhất là Công ty CP BOT Biên Cương và các nhà thầu đang thi công nâng cấp quốc lộ 18A và đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn gia cố nhà xưởng, kho tàng, cột ăng ten, hạ cẩu trục, khơi thông thoát nước, bố trí nhân lực sẵn sàng ứng phó...
Theo báo cáo của TP Cẩm Phả, đến 17h ngày 17/10, toàn bộ 17/17 tàu khai thác hải sản xa bờ và 183 tàu cá nhỏ vào nơi tránh trú bão an toàn; các lồng bè đang tiến hành chằng buộc, gia cố; các công ty môi trườngtiến hành khơi thông hệ thống cống, rãnh thoát nước, mương; triển khai di dời 300 người dân ở các lồng bè trên biển khu vực Bến Do về nơi an toàn…Ngoài ra, các công sở, trường học, nhà máy, công trường...triển khai phương án chằng chống bảo đảm an toàn tính mạng cho người và tài sản, máy móc, thiết bị.
Cao Quỳnh
Hạ Long: Hiện 345 tàu đánh bắt xa bờ, 533 tàu du lịch trên địa bàn đã về nơi tránh trú an toàn; 83 lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được gia cố, chằng buộc đảm bảo an toàn. BCH Quân sự thành phố đã hiệp đồng, phối hợp với các đơn vị quân đội và lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn về lực lượng, phương tiện đảm bảo theo đúng phương án đã được duyệt. BCH Quân sự tỉnh cũng đã bố trí 3 xe lội nước để phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra; chuẩn bị 250 phao tròn, 350 áo phao, các phương tiện, dụng cụ khác để kịp thời cấp phát, hỗ trợ cho các phường khi có yêu cầu.
![]() |
Do cơn bão số 7 đang hướng về Quảng Ninh – Hải Phòng, nên nông dân các địa phương đang hối hả gặt lúa chạy bão. Trong ảnh: Người dân phường Đại Yên (TP Hạ Long) thu hoạch lúa. |
TP Hạ Long cũng đã tổ chức bơm cưỡng bức tại khu vực Hồ điều hòa Yết Kiêu từ sáng ngày 18/10 đảm bảo không có ngập lụt khi có mưa lớn. Đến thời điểm 12h00 ngày 18/10, thành phố đã kiểm tra, lên phương án di dời đối với 130 hộ trên địa bàn. Hiện tại, UBND các phường vẫn đang tiếp tục rà soát 214 điểm có nguy cơ tại các phường, bố trí cán bộ thường trực tại điểm có nguy cơ, thực hiện phương án di dân kịp thời khi có tình huống xảy ra; đóng cửa đối với các chợ phường không đảm bảo an toàn. Lãnh đạo Thành phố Hạ Long cũng đã trực tiếp đi kiểm tra tại các điểm xung yếu đồng thời yêu cầu các công ty khai thác khoáng sản và chủ đầu tư các dự án trên địa bàn (FLC, Sungroup…) chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng phối hợp với UBND các phường để xử lý các tình huống xấu do ảnh hưởng của dự án gây ra.
Minh Thu
Hải Hà: Do ảnh hưởng của bão số 7, sáng 18/10, trên địa bàn huyện Hải Hà đã có gió cấp 5, cấp 6. Để chủ động phòng chống bão, các đồng chí lãnh đạo huyện Hải Hà cùng các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của huyện đã trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo các địa phương tổ chức các phương án phòng chống bão; đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động cho các phương tiện tàu thuyền về nơi trú tránh bão, các hộ nuôi lồng bè, ao đầm, chòi nghêu gia cố, chằng chống cơ sở vật chất; các địa phương chủ động các phương án sơ tán, di dời các hộ dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, vùng trũng, ngập lụt...
Đến 8h sáng nay 18/10, 909 phương tiện tàu thuyền của huyện Hải Hà đã về nơi trú tránh bão an toàn. Hiện nay huyện Hải Hà đang tập trung chỉ đạo các đơn vị, các xã, thị trấn tổ chức trực bão 24/24 giờ để kịp thời chủ động ứng phó những tình huống phát sinh. Đồng thời lập các tổ kiểm soát người qua lại các cầu ngầm, cầu treo khi có mưa lũ, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Đối với các lực lượng huyện Hải Hà cũng đã huy động theo phương châm 4 tại chỗ, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực, sẵn sàng công tác ứng phó với bão. Cùng với đó tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền các thông tin mới nhất về bão số 7 để người dân nắm bắt và chủ động ứng phó, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra.
Ánh Hồng (Đài Hải Hà)
Ba Chẽ: Để chủ động phòng chống cơn bão số 7, huyện Ba Chẽ đã tích cực triển khai công tác chuẩn bị, các phương án cần thiết để phòng, chống và giảm nhẹ hậu quả do thiên tai, bão lũ.
![]() |
Lực lượng vũ trang huyện giúp nhân dân thu hoạch lúa vụ mùa |
Huyện đã thành lập 8 đoàn kiểm tra công tác phòng chống bão tại các xã, thị trấn để nắm tình hình; đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động các phương án phòng chống bão, mưa lũ, sạt lở đất đá.. tích cực chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa vụ mùa. Đến thời điểm hiện tại, đã chỉ đạo nhân dân thu hoạch trên 80% diện tích lúa mùa; xác định 58 hộ có nguy cơ ngập lụt, sạt lở không đảm bảo an toàn, cần khẩn trương di dời đến nơi an toàn…
Tại cơ sở, các đồng chí lãnh đạo huyện và đoàn công tác yêu cầu: Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, các xã, thị trấn cần tiếp tục chủ động, bám sát cơ sở; tăng cường công tác tuyên truyền cảnh báo mưa, bão, lũ, sạt lở đất đến người dân; đảm bảo liên lạc thông suốt; các đơn vị lực lượng vũ trang đảm bảo lực lượng, phương tiện phục vụ công tác ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Các xã, thị trấn thực hiện tốt các phương án, di dời tất cả các hộ nằm trong khu vực có nguy cơ ngập lụt và sạt lở cao đến nơi an toàn, đảm bảo phương châm 4 tại chỗ; nhất là công tác đảm bảo lương thực, thực phẩm phục vụ kịp thời cho nhân dân; phải bố trí lực lượng canh gác thường xuyên, cắm biển báo và cấm không cho người và phương tiện qua lại trên các ngầm tràn khi có mưa, lũ xuất hiện.
Bình Minh (Đài TT- TH Ba Chẽ)
Cô Tô: Trước diễn biến phức tạp của bão số 7 và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Cô Tô. Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện Cô Tô có sức gió cấp 6 - 7, biển động và có sóng to, xuất hiện mưa nhỏ.
Tính đến 9h sáng ngày 18/10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã kêu gọi 410 phương tiện, đồng thời tuyên truyền vận động và ký cam kết đối với người, chủ phương tiện tàu, thuyền, lồng bè vào nơi tránh trú bão nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản. 8 khách du lịch còn ở lại trên đảo được đảm bảo chỗ ăn, nghỉ.
Hiện tại các hộ dân khu vực ven biển đã thực hiện chằng chống nhà cửa bằng bao cát, cây gỗ; gần 100% diện tích lúa của Cô Tô đã được thu hoạch. Tại các điểm có nguy cơ bị sạt lở, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã huy động các lực lượng bộ đội, biên phòng, thanh niên tình nguyện, công an, dân quân tự vệ đi gia cố. Vấn đề lương thực thực phẩm và giá cả được quản lí chặt chẽ.
Nguyễn Thu – Hoàng Phương (Đài Cô Tô)
Tiên Yên: Thực hiện Công văn số 21/CĐ-UBND, ngày 16/10/2016 của UBND tỉnh Quảng Ninh "Về việc chủ động đối phó với bão số 7", Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tiên Yên đã chủ động trong công tác phòng chống, đảm bảo an toàn cho người dân và các phương tiện.
![]() |
Bắt đầu có mưa nhỏ trên địa bàn huyện Tiên Yên |
Theo đó 12/12 xã, thị trấn triển khai kế hoạch và phương án PCTT&TKCN. Tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai phương án di chuyển 984 hộ dân 3.941 nhân khẩu ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Hiện đã thống kê danh sách các nhà tạm, nhà yếu với tổng số 799 hộ (3.352 nhân khẩu). Các xã, thị trấn triển khai phương án hỗ trợ chằng chống nhà cửa hoặc di chuyển người dân đến nơi an toàn.
Xã Đồng Rui có 2.800m hệ thống đê bao xung yếu nên đã chủ động chuẩn bị 400m2 bạt dứa, 2.000 bao tải và 2 máy xúc tại chỗ. Xã Đông Hải cũng đã chuẩn bị máy xúc, bao tải và vị trí lấy đất để hộ đê ở những điểm xung yếu của sông Hà Thanh. Các phương tiện đánh bắt thủy sản, nhà bè nuôi truồng thủy hải sản, nhà bè ăn uống cũng đã được huyện Tiên Yên yêu cầu chủ động neo, buộc chặt chẽ để đảm bảo an toàn; Chủ động di dời đến nơi an toàn khi bão đổ bộ.
Duy Linh
CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BÃO Phó giám đốc Công ty CP Than Hà Lầm, Phạm Khắc Thừ: Khi nghe tin cơn bão số 7 sẽ đổ bộ vào Quảng Ninh, Ban lãnh đạo Công ty đã nhanh chóng thông báo đến các cán bộ, công nhân viên trong cơ quan, thành lập ban chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án để ứng phó với bão như: nhanh chóng gia cố toàn bộ các vị trí nhà xưởng, che chắn các thiết bị máy móc, kho than, tiến hành kiểm tra hệ thống thoát nước hầm lò; chuẩn bị sẵn sàng hệ thống máy bơm nước, máy phát điện để kịp thời xử lý sự cố. Trước đó, ngay từ đầu mùa mưa bão, Công ty đã chuẩn chủ động nạo vết các sông suối, lòng moong để phòng chống ngập úng, đồng thời gia cố các vị trí có nguy cơ sạt lở cao, nhất là việc xây hố lắng bằng kè đá chống sạt lở đã được hoàn thành. Phó chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, Nguyễn Công Quyền: Huyện đã huy động cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và nhân dân chủ động tích cực tham gia phòng, chống cơn bão, nhanh chóng triển khai các phương án sơ tán dân sinh sống tại nhà ở không an toàn và các khu vực có nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở, lũ quét, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản trước, trong và sau bão. Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền, cập nhập các thông tin diễn biến mới nhất của cơn bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, để nhân dân nắm được và chủ động các biện pháp phòng tránh. UBND huyện cũng đã huy động các lực lượng hỗ trợ giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa, đồng thời bố trí lực lượng kiểm soát giao thông, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại trên các ngầm tràn và các tuyến đường, khu vực thấp trũng thường xuyên bị ngập lụt trên địa bàn; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ. Trung tá Trần Văn Đảm, Đội phó Đội CSGT Công an TP Hạ Long phụ trách đường thủy: Ngay khi nghe tin cơn bão số 7 sẽ đổ bộ vào Quảng Ninh, lực lượng cảnh sát thủy đã phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long và các phòng ban đơn vị thành phố, triển khai thông báo tình hình mưa bão đến các tàu thuyền đang di chuyển trong vịnh. Đồng thời có mặt tại khu vực neo đậu tàu, thuyền hướng dẫn ngư dân chằng chống phương tiện. Đặc biệt, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu bè tự ý hoạt động trong thời gian diễn ra bão số 7. Ngay trong sáng 18/10, Đoàn kiểm tra cũng đã kiểm tra và đôn đốc các tàu còn đang di chuyển trên vịnh về nơi trú ẩn an toàn, đồng thời giúp đỡ người dân đưa người già và trẻ nhỏ về bờ an toàn. Đến thời điểm chiều 18/10, các tàu du lịch, tàu cá của ngư dân đã về nơi tránh trú an toàn. Đối với lực lượng cảnh sát thủy, đội đã sẵn sàng 100% nhận lực, thiết bị, phương án để ứng cứu khi cần thiết.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh, Vũ Đình Tân: Để chuẩn bị ứng phó với con bão số 7, Công ty đã liên tục có các công điện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong vùng ảnh hưởng của bão xử lý kịp thời các tình huống, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn cho nhân dân. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, Công ty cũng yêu cầu các đơn vị quản lý lưới điện tăng cường kiểm tra để sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, trạm và có phương án xử lý kịp thời. Cùng với đó, Công ty cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương, hoàn thành việc tỉa các cành cây trên tuyến đường dây điện trước khi bão về. Anh Phạm Hoàng Huy, lái tàu QN-1080-TS: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi đã được cung cấp các thông tin đầy đủ về cơn bão số 7 để kịp thời di chuyển vào bờ. Hiện nay, các phương tiện đều đã về bờ neo đậu. Một số tàu đánh bắt xa bờ cũng đã tìm đến những điểm trú an toàn. Nhiều tàu lớn tranh thủ đi nhập thêm đá, tiếp thêm dầu. Chúng tôi mong muốn, trong những giờ sắp tới, các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục cập nhật thường xuyên tình hình diễn biến của cơn bão để người dân kịp thời ứng phó.
Ông Mai Văn Phúc, thôn Ninh Bình, xã Bình Khê, TX Đông Triều: Phần lớn, diện tích lúa của gia đình đã được thu hoạch xong trước bão. Mặc dù một số nơi, lúa vẫn chưa chín hẳn nhưng gia đình tôi vẫn nhanh chóng thu hoạch để giảm tối đa thiệt hại hoa màu do cơn bão gây ra. Bên cạnh đó, đối với chuồng trại chăn nuôi lợn của gia đình, chúng tôi chủ động che đậy, chắn mưa gió cho lợn, tiếp tục cho lợn ăn đầy đủ, theo dõi thường xuyên tình hình mưa bão để sẵn sàng di chuyển đàn lợn phòng trường hợp xảy ra ngập úng.
Hoàng Quỳnh (Thực hiện) |
Ý kiến ()