Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:19 (GMT +7)
Các dấu tích mới ở quần thể di sản Yên Tử
Chủ nhật, 29/05/2022 | 10:19:21 [GMT +7] A A
Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) đang được 3 tỉnh trong vùng di sản lập hồ sơ đề cử lên UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Trong đó, các giá trị lịch sử, văn hoá của di sản đóng vai trò quan trọng, đã và đang được Hội Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nhằm phục vụ cho việc xây dựng hồ sơ di sản.
Cho đến nay, các nhà khoa học đã tiến hành thu thập được khoảng 130 đầu tài liệu bao quát hầu hết các di tích lịch sử, văn hoá, nghệ thuật và di tích khảo cổ thuộc Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Đó là các báo cáo, bài viết, công trình nghiên cứu về từng khu di tích, đặc biệt là các tài liệu khảo cổ học trong các cuộc khai quật từ trước tới nay.
Căn cứ vào đó, đơn vị đã thực hiện hàng chục đợt điều tra tại 4 khu vực di tích liên quan, kết quả đều đã tìm thấy các dấu tích về di tích và di vật tồn tại từ thời Trần, trùng tu rất lớn vào thời Lê Trung hưng, tiếp tục cho đến thời Nguyễn. Từ đó đánh giá được hiện trạng, tiềm năng trữ lượng di tích và di vật, trên cơ sở đó đề xuất các địa phương đẩy mạnh công tác khai quật, nghiên cứu khảo cổ nhằm bổ sung căn cứ khoa học có tính xác thực cao cho việc xây dựng hồ sơ di sản.
Tại hội nghị Tham vấn sơ bộ xác định giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử, diễn ra vào trung tuần tháng 4 vừa qua, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam, cho hay, từ các cuộc điều tra, các nhà khoa học đã phát hiện một số địa điểm tiêu biểu được đánh giá có trữ lượng rất tốt, đề xuất nghiên cứu, như: Am Thung, Am Hoa, Trại Cấp (Quảng Ninh); Thanh Mai 3, Huyền Thiên, Kiếp Bạc, chùa Sùng Nghiêm, viện Kỳ Lân (Hải Dương)… Hội cũng nhận thấy dấu tích đá tự nhiên trên đỉnh núi Yên Tử (Quảng Ninh) mang hình tượng Niết bàn Trúc Lâm là rất quý. Việc nghiên cứu cũng tập trung vào các di tích có giá trị đặc biệt như chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (Hải Dương), chùa Vĩnh nghiêm, chùa Bổ Đà (Bắc Giang).
Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu, khai quật tại khu vực chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai đều đã phát hiện được nhiều di tích và di vật có niên đại từ thời Trần đến thời Nguyễn. Qua đó cho thấy, 2 chùa đều từng là những trung tâm tôn giáo rất lớn của Trúc Lâm Yên Tử, gắn với sự trụ trì của 2 vị tổ của thiền phái Trúc Lâm. Đến thời Lê Trung hưng, chùa tiếp tục giữ vai trò quan trọng nên tiếp tục được trùng tu, mở rộng và tồn tại đến ngày nay.
Tại đền Kiếp Bạc, với những dấu tích hiện trạng và di sản trong lòng đất cho thấy, đền được xây dựng từ thời Trần, là điền trang thái ấp của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, là một di tích quan trọng trong lịch sử cho đến ngày nay, kéo dài khoảng 700 năm.
Còn ở di tích chùa Vĩnh Nghiêm có giá trị rất đặc biệt là toà Cung Thánh tổ Trúc Lâm, là cung Thánh duy nhất điển hình của một phật điện Trúc Lâm. Trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật đặc biệt có giá trị đối với việc nghiên cứu Thiền phái Trúc Lâm, trong đó, đặc biệt là bộ Mộc bản tương truyền có từ thời Trần, hiện còn là thời Lê - Nguyễn, đã được vinh danh là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chùa Bổ Đà hiện còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ với lối kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở phía Bắc, vườn tháp thời Nguyễn đẹp và lớn nhất Việt Nam, nhiều cổ vật có giá trị và kho tàng di sản Hán - Nôm phong phú. Chùa thờ tam giáo, trong đó có Quan Thế Âm Bồ Tát, Trúc Lâm tam tổ, Khổng Tử…
Qua đó cho thấy, khu vực Tây Yên Tử đã từng là khu vực rất phát triển của Phật giáo Trúc Lâm với trung tâm là chùa Vĩnh Nghiêm, và hệ thống vệ tinh các di tích nằm trên dải núi Huyền Đinh - Yên Tử. Đặc biệt là sự tham gia của chùa Bổ Đà mà với các dạng thức tâm linh, tôn giáo đang tồn tại hiện nay như là một hiện tượng tam giáo rất đặc sắc, hiếm có.
Cùng với đó, các nhà khoa học cũng đã tiến hành khai quật khảo cổ tại 3 địa điểm: Trại Cấp (Đông Triều, Quảng Ninh), Đám Trì (Bắc Giang), Thanh Mai 2 (Hải Dương). Qua các di tích, di vật tìm được cho thấy, các di tích này đều được xây dựng dưới thời Trần, được tu tạo vào thời Lê Trung hưng và có công trình còn tồn tại kéo dài đến thời Nguyễn. Riêng với vị trí của chùa Đám Trì, nằm ở trung tâm của một thung lũng lớn, liền sát với Ngọa Vân, Hồ Thiên là địa điểm có đất đai màu mỡ, các nhà khoa học nhận định chùa có thể giữ vai trò đảm đương việc sản xuất và cung ứng lương thực cho các chùa trên núi…
Cùng với di sản vật thể, các nhà khoa học cũng nghiên cứu giá trị các di sản phi vật thể tại 4 khu vực di tích trên tất cả các mặt của đời sống, như tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội… thông qua nhiều nguồn tư liệu, theo diễn trình lịch sử từ thời Trần đến nay. Đồng thời có sự so sánh với các di tích trong nước và trong khu vực Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc). Qua đây, góp phần quan trọng vào việc nhận diện các giá trị của Phật giáo Trúc Lâm, phương thức thực hành tôn giáo, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên… trong suốt chiều dài lịch sử và trong đời sống đương đại, phục vụ cho việc hoàn thiện hồ sơ di sản Yên Tử.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()