Tất cả chuyên mục

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XIII, sáng 7/12, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký, Chủ tọa Kỳ họp đã điều hành phiên thảo luận tại hội trường.
![]() |
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký điều hành phiên thảo luận tại hội trường. |
![]() |
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường. |
-------------------------------------------------------
8h40': Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến thảo luận của các đại biểu phát biểu tại hội trường; thể hiện trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ tờ trình, dự thảo nghị quyết, báo cáo thẩm tra. Nhiều đại biểu đã có số liệu minh chứng rõ ràng. HĐND tỉnh sẽ tổng hợp đưa vào dự thảo Nghị quyết những nội dung phù hợp.
![]() |
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến thảo luận. |
Qua ý kiến của các đại biểu, đồng chí đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh có báo cáo ngắn gọn giải trình một số nội dung liên quan đến nghị quyết cơ chế chính sách đối với Trường Đại học Hạ Long. UBND TP Hạ Long, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài Chính nghiên cứu ý kiến đại biểu để có giải trình liên quan đến bảng giá đất…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, đáng phải suy nghĩ như: Việc đặt tên đường phố; việc tuyển dụng giáo viên ở bậc mầm non. Đồng thời, đề nghị các các sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, xem xét.
8h35': Đại biểu Vũ Văn Diện, Tổ đại biểu Tiên Yên: Qua thực tế cho thấy còn một số nghị quyết chậm đi vào cuộc sống, chưa thực sự đạt mong muốn như nghị quyết đề ra. Nguyên nhân do sự thiếu chủ động ở một số địa phương. Ở một số nơi triển khai nghị quyết còn cứng nhắc, không bám sát vào thực tế. Qua hoạt động tiếp xúc cử tri cho thấy nhiều mục tiêu nghị quyết đưa ra và việc hưởng ứng ở thực tế chưa thực sự hiệu quả.
![]() |
Đại biểu Vũ Văn Diện tham luận tại hội trường. |
Qua khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã ghi nhận nhiều tồn tại hạn chế của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh; chưa kể đến các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân được HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và các ban của hội đồng tổng hợp lại sau các chương trình giám sát. Thậm chí có những kiến nghị đã nêu nhiều lần, qua nhiều đợt khảo sát, giám sát tại cơ sở nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Do đó thời gian tới, cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc nghiêm túc triển khai đầy đủ, kịp thời các nghị quyết của HĐND tỉnh. Ngoài nâng cao nhận thức cả hệ thống chính trị và chuyên môn thì đề nghị HĐND tỉnh, các tổ đại biểu HĐND tăng cường giám sát. Đặc biệt, kiến nghị chuyển các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm trong trực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, thực hiện các kiến nghị qua giám sát của HĐND các cấp. Như vậy mới khắc phục triệt để các tiềm ẩn tạo rào cản cho sự phát triển năng động của tỉnh.
8h30': Đại biểu Bùi Thị Hoàng Diệp, Tổ thảo luận TX Quảng Yên: Về lĩnh vực Kinh tế - Ngân sách: Thứ nhất, hiện nay, doanh nghiệp có nhu cầu xin giấy phép khai thác đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung và TX Quảng Yên nói riêng đang thực hiện quy trình, thủ tục tại Quyết định số 08/UBND ngày 13/4/2018 của UBND tỉnh về việc Ban hành quy định về quản lý vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và các hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, theo quy định trên, hiện vẫn còn rất nhiều quy trình, gây mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện dự án, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan để nghiên cứu, thực hiện đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian trong quá trình xin giấy phép khai thác đất trên địa bàn tỉnh hiện nay.
![]() |
Đại biểu Bùi Thị Hoàng Diệp tham luận. |
Thứ hai, Dự án đường gom dân sinh hai bên tuyến đường cao tốc Hạ Long đến cầu Bạch Đằng nằm trên địa phận TX Quảng Yên đã được UBND tỉnh giao cho UBND TX Quảng Yên làm chủ đầu tư tiểu dự án tại Quyết định số 3633/QĐ-UBND ngày 14/9/2018. Hiện nay, công trình đang được khẩn trương thi công và phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch khi được tỉnh cấp kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, theo thiết kế đã phê duyệt, đường gom hai bên đường cao tốc ở một số vị trí chưa kết nối với đường 338 để phục vụ hoạt động sản xuất và đi lại của nhân dân. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung quy hoạch, hoàn thiện đường gom có các điểm kết nối với khu dân cư và các tuyến đường dân sinh; đồng thời, cấp tiếp kinh phí bồi thường và giải phóng mặt bằng để thị xã triển khai thực hiện theo đúng tiến độ.
Thứ ba, hiện trên địa bàn TX Quảng Yên có 02 dự án là khu dân cư Đầm Liên Minh và Khu Trung tâm dân cư thể thao công viên phường Quảng Yên được triển khai từ năm 2005 nhưng đến nay dự án chưa được hoàn thiện. Trong những năm qua, nhân dân và cử tri đã nhiều lần kiến nghị với UBND thị xã yêu cầu các nhà đầu tư để đôn đốc nhà đầu tư cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. Tuy nhiên, chủ đầu tư không hợp tác thực hiện. Vì vậy, cử tri thị xã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với UBND thị xã có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng trên để nhân dân ổn định cuộc sống.
Về lĩnh vực Văn hóa - Xã hội: Theo dự thảo Nghị quyết quy định mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Trong báo cáo, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 7,7% dân số chưa tham gia BHYT, trong đó có một số đối tượng lao động hợp đồng ngắn hạn và người dân vùng khó khi không được hưởng chính sách hỗ trợ BHYT theo lộ trình đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Do vậy, việc điều chỉnh mức giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT bằng mức tối đa trong khung giá dịch vụ tại Thông tư 37/2018/TT-BYT và Thông tư số 14/2019/TT-BYT có ảnh hưởng nhất định tới các đối tượng này.
Vì vậy, đề nghị Sở Y tế phối hợp với các cơ quan truyền thông và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, từ đó thấy được sự cần thiết tham gia bảo hiểm y tế. Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ về bảo hiểm y tế cho người dân các xã, thôn vừa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hộ dân mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh.
8h20': Luật sư Lê Cao Long, Tổ đại biểu Hạ Long: Hiện nay, TP Hạ Long, thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh phát triển rất mạnh mẽ, trong đó nhiều khu đất trung tâm có mức giá cao. Tuy nhiên, giá đất đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn còn thấp. Vì vậy, cần có cơ chế hỗ trợ cho người dân để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Đề nghị HĐND tỉnh xem xét việc xây dựng mức giá phù hợp ở một số khu vực trung tâm, trọng tâm, trọng điểm để khuyến khích phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người dân.
![]() |
Đại biểu Lê Cao Long tham luận. |
Về vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo lao động trên địa bàn tỉnh, một trong những nội dung cần quan tâm là phát triển khoa ngoại ngữ, nhất là giáo viên tiếng Nhật, tiếng Hàn để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch.
Về Nghị quyết đặt tên các đường phố ở TP Móng Cái, chính quyền địa phương cần có sự quan tâm, nghiêm túc trong việc nghiên cứu về nhân vật được đặt tên, cũng như các đoạn đường chính tương xứng với tầm quan trọng của nhân vật trong lịch sử.
Liên quan đến việc khiếu kiện, khiếu nại của người dân, đề nghị HĐND tỉnh quan tâm đến vai trò của luật sư trong việc tham gia giải quyết các vụ việc, nhất là trong khâu vận động, giải thích và nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân.
8h15': Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Quyên, Tổ đại biểu Cẩm Phả: Qua giám sát với vai trò đại biểu HĐND tỉnh về lĩnh vực kinh tế - xã hội đã cho thấy vẫn còn một số tồn tại hạn chế: Kết quả về đích Đề án 196, Chương trình 135 chưa thật sự bền vững; số hộ nghèo ở 29 xã vùng khó khăn còn chiếm tỉ lệ cao; khoảng chênh lệch mức sống giữa vùng đô thị - vùng khó khăn còn cao; thiết chế văn hóa – thể thao ở vùng DTTS, miền núi, hải đảo, các khu công nghiệp còn nghèo nàn, chưa được quan tâm nhiều trong công tác quy hoạch, dành quỹ đất.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Quyên thảo luận tại hội trường. |
Trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo thì việc thu hút xã hội hóa đầu tư vào trường chất lượng cao còn ít; hiệu quả hoạt động và đầu tư của các cơ sở giáo dục mầm non tư thục về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị... còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu giáo dục toàn diện cho trẻ. Trong đó, số đông là con em vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh khó khăn.
Về giải pháp khắc phục, đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm một số nội dung sau: Một là, cần sớm đánh giá hiệu quả các mô hình hỗ trợ sản xuất theo Đề án 197 để có giải pháp cụ thể về tuyên truyền, hướng dẫn người dân vùng khó tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Hai là, cần sớm nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ mầm non đến bậc học phổ thông. Thực tế, đã có tỉnh thực hiện, đơn cử là vừa qua TP Hải Phòng đã ban hành nghị quyết về chính sách này. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục tăng cường hỗ trợ, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, sớm có kế hoạch nâng chuẩn đội ngũ giáo viên mầm non cả công lập và ngoài công lập.
Ba là, tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực ngân sách để đầu tư các thiết chế văn hóa – thể thao, nhất là ở các vùng khó khăn, khu công nghiệp... để nâng cao chất lượng sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân.
![]() |
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu để thảo luận tại hội trường. |
Về Dự thảo Nghị quyết “Về việc ban hành quy định chế độ chi cho giảng viên thỉnh giảng, chính sách tạo nguồn giảng viên tiếng Nhật Bản và chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên một số ngành nghệ thuật tại Trường Đại học Hạ Long”, đề nghị đặt chỉ tiêu thu hút số lượng sinh viên tạo nguồn là 5 người để đảm bảo phù hợp với số sinh viên tuyển hiện nay. Đồng thời tập trung vào thu hút tuyển thạc sĩ ngôn ngữ Nhật đảm bảo số giảng viên cơ hữu theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đại biểu đồng tình với đề nghị nên quy định rõ về điều kiện hỗ trợ chính sách đối với sinh viên tạo nguồn và học sinh, sinh viên khối nghệ thuật học tại Trường Đại học Hạ Long.
8h00': Đại biểu Đặng Văn Tuấn, Tổ đại biểu Đầm Hà: Năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020, năm đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, là năm BCH Đảng bộ tỉnh xác định chủ đề công tác năm là “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững”. Đối với tỉnh ta, kế thừa những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, với sự quyết tâm phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tạo ra thế và lực mới, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư, kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng các KKT, KCN.
![]() |
Đại biểu Đặng Văn Tuấn. |
Với mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu mà tỉnh ta xác định trong năm 2020 là rất trọng tâm sát với tình hình thực tiễn của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo, Tổ đại biểu Đầm Hà đề xuất: Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng nâng cao tỷ trọng và chất lượng dịch vụ; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng để thu hút các dự án đầu tư về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao thân thiện môi trường; tập trung hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các dự án tại các KKT, KCN; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; làm tốt nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; xây dựng đề án hỗ trợ các thôn đã ra khỏi diện ĐBKK; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực khoáng sản, an toàn thực phẩm...
7h45’- Đại biểu Đặng Thị Lan, Tổ Đại biểu Ba Chẽ, thảo luận về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển giáo dục của Ba Chẽ nói riêng và các huyện trên địa bàn tỉnh. Trước hết, đại biểu đề xuất việc giữ lại hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú trong toàn tỉnh đối với một số địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sau khi các xã của huyện đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.
![]() |
Đại biểu Đặng Thị Lan tham luận. |
Để thực hiện thành công Đề án Dạy và học ngoại ngữ cũng như lộ trình dạy tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông mới tại các huyện miền núi có cùng điều kiện như Ba Chẽ, đề nghị tỉnh nghiên cứu quan tâm có cơ chế, chính sách, thu hút ưu đãi, dành riêng cho giáo viên tiếng Anh tình nguyện về giảng dạy ở các huyện miền núi. Đại biểu cũng đề xuất ý kiến liên quan đến quy định về đối tượng hợp đồng đối với đội ngũ giáo viên ngành Giáo dục.
![]() |
Đại biểu Phạm Văn Thể trình bày tham luận. |
7h40': Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Tổ Đại biểu TX Đông Triều thảo luận về “Phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”. Đại biểu cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có trên 19.000 doanh nghiệp, tuy nhiên theo chỉ tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp Quảng Ninh cần đạt mục tiêu đến năm 2020 phải có 25.000 doanh nghiệp. Bởi vậy, để đạt được con số trên, nhiều cử tri quan tâm đến các giải pháp của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời gian tới.
Đại biểu Phạm Văn Thể cho biết, qua các cuộc khảo sát, hiện nay, các hộ kinh doanh vẫn chưa mặn mà với việc thành lập doanh nghiệp mới. Các doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu hiện nay là sinh viên đại học mới ra trường và con em của các hộ kinh doanh làm ăn mở rộng mới vận động và phát triển thành lập. Đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục xem xét có chính sách hỗ trợ phù hợp hơn. Mặc dù HĐND tỉnh mới ban hành Nghị quyết số 148/2018 về việc ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, song nghị quyết này chưa thực sự có hiệu quả. Do đó, đồng chí đề nghị HĐND tỉnh cần phải ban hành các chính sách để tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn.
* Báo Quảng Ninh điện tử liên tục cập nhật diễn biến kỳ họp...
Nhóm PV
Ý kiến ()