Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:36 (GMT +7)
Các công trình kiến trúc Pháp ở Tiên Yên
Chủ nhật, 25/06/2023 | 12:15:46 [GMT +7] A A
Không chỉ là những kiến trúc độc đáo, dấu tích còn lại của một thời thực dân Pháp thống trị, những tòa nhà kiểu Pháp ở Tiên Yên còn mang nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử cần được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đương đại.
Năm 1886, thực dân Pháp tiến hành chiếm toàn bộ miền Đông Bắc mà địa bàn cửa ngõ là Tiên Yên. Nhằm thực hiện âm mưu thôn tính nước ta lâu dài và khống chế toàn bộ khu vực có địa thế chính trị hết sức quan trọng này, nên ngay từ đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã dốc sức xây dựng các boong ke, lô cốt, hầm ngầm cùng các đồn binh, trại lính, trụ sở hành chính, như: Đồn Cao, nhà dây thép, nhà kiểm lâm... Theo đó, các công trình xây dựng mang kiến trúc Pháp đã ra đời để phục vụ cho mục đích thống trị. Dù đã trải qua một quãng thời gian dài và có nhiều thay đổi do phải sửa chữa, nâng cấp, thế nhưng các công trình do người Pháp xây dựng vẫn tạo ấn tượng đối với du khách cũng như những ai muốn khám phá, tìm hiểu về kiến trúc xây dựng.
Theo số liệu thống kê của huyện Tiên Yên thì các công trình kiến trúc lớn do người Pháp xây dựng đều nằm ở thị trấn Tiên Yên và hầu hết còn dáng dấp tương đối nguyên vẹn. Một số công trình còn được bảo tồn đến ngày nay, như: Di tích Khe Tù với khu bệnh viện Pháp, khu vực Đồn Cao có tòa nhà Pháp cổ mang đậm phong cách kiến trúc châu Âu những năm cuối thế kỷ trước (hiện do Đoàn Kinh tế quốc phòng 327 quản lý), tòa nhà kiểm lâm thời Pháp còn khá nguyên vẹn, xây từ năm 1914 (nay là trụ sở Huyện ủy Tiên Yên)...
Công trình kiến trúc Pháp đẹp nhất phải kể đến là trụ sở của Huyện ủy Tiên Yên. Theo những người cao tuổi ở huyện Tiên Yên thì trước đây, tòa nhà này là nơi làm việc và sinh sống của viên quan kiểm lâm người Pháp, nên người dân gọi là nhà kiểm lâm. Nhà gồm 2 tầng, cửa sổ uốn vòm theo trường phái kiến trúc Baroque (Ba rốc). Bờ tường được quét vôi màu vàng trắng kết hợp. Đây là màu sắc trang phục của quân đội Pháp thời kỳ còn ở Đông Dương. Tòa nhà nằm trên một ngọn đồi thấp, vị trí trung tâm thị trấn, hướng cửa nhìn thẳng ra sông Tiên Yên, đến nay vẫn được gìn giữ khá nguyên vẹn và đang được sử dụng làm công sở.
Nhìn chung, các công trình kiến trúc Pháp cổ đều có bố cục không gian, các họa tiết trang trí bằng thép uốn, đắp nổi bằng xi măng tinh xảo và hệ thống cửa vòm độc đáo, khác biệt với những kiến trúc khác. Ở di tích Khe Tù có bệnh viện được xây theo kiểu nhà kiến trúc Pháp, quy mô khá rộng, gồm 3 dãy nhà - nơi thực dân Pháp từng giam giữ các chiến sĩ cộng sản bao gồm dấu tích nhà tù, bệ máy chém, tháp nước, bệnh viện... đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh (năm 2011). Ba dãy nhà này được xây kiểu giống nhau, mang đậm nét văn hóa, kiến trúc Pháp, trong đó một dãy nằm ngang với Quốc lộ 18A, dãy thứ hai được nối với nhà thứ nhất tạo thành một góc vuông, tiếp theo là một dãy nhà nằm dọc với đường Quốc lộ 18A.
Nhà tù phía Tây Nam của di tích nay chỉ còn lại nền móng, có chiều dài khoảng 45m, rộng khoảng 9m, cao khoảng 2,5m, được xây hoàn toàn bằng đá hộc, xi măng. Nhà tù phía Đông của di tích cũng chỉ còn lại nền móng dài và rộng hơn nền móng nhà tù phía Tây Nam di tích, được xây bằng xi măng cốt thép, đã bị rêu bám phủ rất nhiều. Nền móng vẫn còn kéo dài dọc theo khu ruộng trũng khoảng 50m, một bên nền móng nằm trên mặt ruộng, một bên kê trên bờ, phía dưới nền móng còn lại các trụ cột, một đầu gập dưới ruộng, một đầu ăn với nền móng bên trên nhà tù. Qua dấu vết nền móng còn lại cho ta thấy khu nhà giam này có một hành lang chạy dọc ở giữa, hai bên là hai dãy nhà được chia thành các ngăn nhỏ để nhốt tù nhân.
Với Đồn Cao, kiến trúc Pháp ở đây là dãy nhà có chiều dài khoảng 25m, rộng khoảng 15m với nhiều cửa và cửa sổ. Dưới chân Đồn Cao là các hệ thống hầm với các khung cửa sắt, hiện nay vẫn bảo vệ và lưu giữ được. Ngoài giá trị kiến trúc, các di tích còn ghi dấu là chứng tích lịch sử một thời kỳ. Đơn cử như Đồn Cao là nơi diễn ra trận đánh oanh liệt kéo dài 7 ngày, đêm của quân dân địa phương phối hợp với quân chiến khu Đông Triều, đã đánh bại bọn thổ phỉ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Tiên Yên.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, đến nay, nhà kiến trúc Pháp cổ vẫn còn giữ được tương đối nguyên vẹn, tuy nhiên rất cần tôn tạo trước nguy cơ mai một dần. Một điểm vướng mắc nữa là các di tích Đồn Cao và Khe Tù lại nằm trên đất của Đoàn Kinh tế quốc phòng 327.
Ông Nguyễn Cảnh Loan, Chánh Văn phòng Hội Khoa học Lịch sử Quảng Ninh, cho rằng: "Lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, trong đó phân khu vực bảo tồn di tích và khu vực hoạt động Đoàn Kinh tế quốc phòng 327 để đảm bảo vừa bảo tồn, phát huy được giá trị di tích và không làm ảnh hưởng tới hoạt động quốc phòng. Vì vậy, cần tạo được sự gắn kết giữa di tích và quốc phòng, giao cho quản lý di tích và đầu tư từ Đoàn Kinh tế quốc phòng. Như vậy, không những đảm bảo cho việc bảo tồn di tích mà còn đảm bảo quyền lợi và hoạt động của đơn vị quốc phòng".
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()