Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 01:14 (GMT +7)
Các chuyên gia nói gì về tình hình biến thể Omicron tại TP.HCM?
Thứ 2, 03/01/2022 | 14:29:25 [GMT +7] A A
Hiện nay, Việt Nam ghi nhận 20 ca nhiễm Omicron là người nhập cảnh, TP.HCM có 5 trường hợp. Đa số đều có triệu chứng nhẹ, âm tính nhanh. Dù vậy, nguy cơ gây áp lực lên hệ thống điều trị vẫn đáng lo ngại.
4 hàng rào kiểm soát Omicron
PGS. TS Vũ Minh Phúc, Đại học Y dược TP.HCM cho rằng, hiện TP.HCM đang làm tốt các giải pháp ứng phó với Covid-19 nói chung và biến thể Omicron nói riêng.
Theo PGS Phúc, Omicron gây bệnh nhẹ hơn, không tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong, có thể do biến thể này xuất hiện khi tỷ lệ chủng ngừa đã rất cao. Điều đáng ngại nhất với Omicron là lây lan nhanh.
“Nếu lây lan kéo dài, thì chúng ta không lo lắng. Nhưng vì Omicron có tốc độ lây rất nhanh, khi số mắc quá cao trong một thời gian ngắn, hệ thống y tế sẽ không đáp ứng kịp. Chúng ta phải từng bước chặn đường lây”, PGS Phúc chia sẻ.
Theo đó, kiểm soát chủ động các ca nhiễm ngay từ cửa ngõ sân bay, biên giới, hàng hải là ưu tiên số 1. Những ca nhiễm Omicron cần được cách ly cho đến khi hết nguy cơ lây nhiễm ra xung quanh. Tuy nhiên, vẫn còn tỷ lệ xâm nhập từ nhập cảnh trái phép bằng đường tiểu ngạch.
Hàng rào thứ 2 là tuyệt đối 5K. Khi 5K thực sự tốt, các ca nhiễm không lây lan được cho người khác và giới hạn được số mắc mới. “Mặc dù vậy, trong số 100 người làm tốt vẫn có một vài ca vượt rào. Chúng ta phải nhìn nhận rất rõ nguy cơ này”, PGS Phúc chia sẻ.
Hàng rào thứ 3 là bao phủ vắc xin. Hiện nay, cả nước đã tiêm gần 153 triệu liều với khoảng 6 triệu mũi vắc xin thứ 3. Riêng TP.HCM thực hiện 16,5 triệu liều, với 1,5 triệu mũi 3. Theo thời gian, vắc xin Covid-19 có thể giảm bớt hiệu lực bảo vệ, ngành y tế đang đẩy mạnh tối đa việc tiêm mũi bổ sung, tăng cường cho người dân.
“Cả 3 giải pháp trên theo tôi, chúng ta đều làm tốt nhưng Omicron vẫn sẽ lây lan, chúng ta không chặn được tuyệt đối. Do đó hàng rào cuối cùng chính là hệ thống điều trị”, PGS Phúc phân tích.
PGS Vũ Minh Phúc cho rằng, số ca nhiễm của TP.HCM hiện đang thấp nhưng nếu Omicron lưu hành thì hoàn toàn có thể tăng vọt. Điều cần thiết nhất là F0 tại nhà phải được uống thuốc kháng virus sớm trong giai đoạn đầu. “Thuốc phải thật đầy đủ để F0 không chuyển nặng, tải lượng virus hạ, tránh lây lan”, PGS Phúc nói.
Hiện nay, thuốc kháng virus Molnuporavir vẫn là thuốc cấp phát miễn phí, sử dụng có kiểm soát. Nhiều F0 cách ly tại nhà vẫn chưa tiếp cận đầy đủ túi thuốc C. Trong khi đó, thuốc kháng virus công khai buôn bán trên mạng xã hội với giá hàng triệu đồng/hộp. Rất nhiều F0 đã mua thuốc này tự điều trị.
“Bênh nhân khi cần thở máy hay ECMO đều rất tốn kém. Nếu người dân được chủ động dùng thuốc chất lượng, hợp pháp, chúng ta có thể ngăn ngừa việc chuyển nặng, giảm bớt áp lực cho các bệnh viện khi Omicron lây lan. Đây là hàng rào cuối cùng”, PGS Phúc bày tỏ.
Giám sát Omicron bằng giải trình tự gene
Bộ Y tế vừa có công điện gửi các địa phương về việc thực hiện nghiêm việc tổ chức quản lý người nhập cảnh theo quy định, điều trị kịp thời, thực hiện giải trình tự gen nhằm phát hiện kịp thời biến thể mới của virus.
Tại TP.HCM, công việc trên vẫn được duy trì suốt thời gian Covid-19 xuất hiện nhằm đánh giá và định hình tốt hơn bức tranh dịch tễ trên địa bàn. Ngày 31/12 vừa qua, Viện Pasteur TP.HCM đã có báo cáo kết quả ghi nhận 5 ca nhiễm biến thể Omicron từ khách nhập cảnh, thông qua giải trình tự gene.
Trên địa bàn TP.HCM, ngoài Viện Pasteur còn có Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phối hợp cùng Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện nhiệm vụ quan trọng trên. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM sẽ điều phối mẫu.
“Thông qua giải mã gene, chúng ta có thể hiểu thêm về tiến hoá của SARS-CoV-2 theo thời gian, xác định mối liên quan về dịch tễ giữa các ổ dịch, cũng như đánh giá mức độ ảnh hưởng của các biến thể…”, PGS. TS Lê Văn Tấn, Trưởng nhóm nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi, OUCRU, nhận định.
Hiện nay, TP.HCM giải mã gene với F0 là người nhập cảnh, F0 trong cộng đồng và các bệnh viện nếu có các yếu tố bất thường, nghi ngờ nhiễm Omicron (tử vong nhanh, ủ bệnh ngắn, siêu lây nhiễm...).
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, việc biết được chủng virus nào đang lưu hành là một câu hỏi quan trọng để đối phó với mọi tác nhân gây dịch bệnh, không chỉ Covid-19.
"Ví dụ, với bệnh cúm, hàng năm, Tổ chức Y tế thế giới và CDC Mỹ đều giám sát loại biến thể chiếm ưu thế, cung cấp công thức để các công ty bào chế vắc xin. Đối với Covid-19, có lẽ sau này cũng sẽ điều chỉnh vắc xin theo biến thể mới", TS Châu cho hay.
Phó giám đốc Sở Y tế TP khẳng định, giám sát phát hiện các biến chủng SARS-CoV-2 được xem là công cụ không thể thiếu trong công cuộc chống đại dịch Covid-19. Sở Y tế cũng xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực giám sát sự lưu hành các chủng virus gây bệnh của HCDC, đào tạo nguồn nhân lực đủ năng lực giải mã gene. Mục tiêu là sẵn sàng ứng phó với những thách thức tiềm tàng của dịch bệnh Covid-19 cũng như của các bệnh nhiễm trùng mới nổi trong tương lai.
Theo VietNamNet
- Nghiên cứu về tiêm chéo mũi tăng cường để bảo vệ trước Omicron
- Omicron có thể đưa Israel đến miễn dịch cộng đồng, thay vì vaccine
- Kiểm soát chặt người nhập cảnh để giám sát và phòng chống COVID-19 biến thể Omicron
- Bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ở Việt Nam đã được ra viện
- Biến thể Omicron khởi đầu đoạn kết đại dịch Covid-19?
Liên kết website
Ý kiến ()