Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:19 (GMT +7)
Các câu lạc bộ lân sư rồng ở Hạ Long
Chủ nhật, 11/09/2022 | 09:46:57 [GMT +7] A A
Xuất phát từ niềm đam mê nghệ thuật dân tộc, các câu lạc bộ, đoàn nghệ thuật lân sư rồng ở Hạ Long đã góp phần bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật múa lân sư rồng ở thành phố bên bờ di sản.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hạ Long có 4 đoàn lân sư rồng là Hồng Long đường, Hiếu Nghĩa đường, Thành Linh đường và Mạnh Long đường. Đi đầu là CLB lân sư rồng ở phường Hồng Hà. Người có công khôi phục phong trào và phát triển CLB Lân sư rồng phường Hồng Hà thành Đoàn nghệ thuật Lân sư rồng Hồng Long đường theo hướng chuyên nghiệp là cố Nghệ nhân dân gian Việt Nam Trần Ngọc Thứ. Năm 1976, khi còn làm công nhân mỏ, cụ Thứ đã vận động đồng nghiệp bỏ tiền ra mua đầu lân về để thành lập đội múa lân sư rồng. Từ đây, đội múa lân sư rồng phát triển thành CLB Lân sư rồng phường Hồng Hà.
Từ năm 1999 đến nay, CLB Lân sư rồng do cụ Thứ gây dựng đã phát triển thành Đoàn nghệ thuật Lân sư rồng Hồng Long đường (Hồng Long là tên ghép của Hồng Hà và Hạ Long) và tạo được danh tiếng khắp miền Bắc. Sinh thời, cụ Thứ còn trực tiếp làm ra đầu lân sư rồng và các đạo cụ biểu diễn khác.
Muốn tìm người kế nghiệp, từ năm 1999, cụ Thứ đã dạy cho cháu ngoại của mình là Vũ Hoàng Dương làm quen với lân sư rồng khi cậu bé mới 4 tuổi. Sau này, nhiều lần cụ Thứ và cháu ngoại lặn lội vào tận TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, rồi Hà Nội, Hải Phòng để tìm hiểu thêm về nghệ thuật múa lân sư rồng. Từ đó, nghệ thuật múa lân sư rồng của nghệ nhân Trần Ngọc Thứ đã dung hòa được những nét hiện đại và truyền thống, bắt nhịp được với đời sống công nghiệp sôi động ở Vùng mỏ.
Chưa dừng lại ở đó, đoàn còn biểu diễn và truyền dạy kỹ thuật múa lân sư rồng cho các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Đến nay, Đoàn nghệ thuật Lân sư rồng Hồng Long đường phát triển từ 1 đầu lân, 2 đầu rồng lên đến 20 đầu lân và 8 đầu rồng. Từ 15 người ban đầu, đến nay Đoàn có thể huy động hàng trăm diễn viên cho các sự kiện lớn.
Cùng với Hồng Long đường, đoàn lân sư rồng Thành Linh đường do võ sư Bùi Văn Thành sáng lập cũng góp phần đem lại không khí rộn ràng ở thành phố bên bờ di sản. Võ sư Bùi Văn Thành là hội viên Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Ninh đã có hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật múa lân sư rồng. Từ nhỏ thấy các cụ trong phường Hà Lầm (TP Hạ Long) biểu diễn lân sư rồng, nhìn các cụ múa, anh Thành đã bắt đầu đam mê tiếng trống, tiếng chập cheng. Lớn lên, anh đi nhặt than bán lấy tiền rồi lặn lội lên Hà Nội để mua đầu lân về biểu diễn. Thành Linh đường hiện có 60 thành viên, đa phần là thanh niên độ tuổi 18 đến ngoài 20.
Đến nay, Thành Linh đường đã có nhiều tiết mục gây ấn tượng. Tháng 10/2020, Đoàn lân sư rồng Thành Linh đường xếp thứ nhất trong số 19 CLB của 11 tỉnh thành trên cả nước ở nội dung Lân lên mai hoa thung - một nội dung thi đấu chính tại Giải Vô địch các CLB Lân sư rồng quốc gia lần thứ 1 diễn ra tại TP Hải Phòng. Cùng với đó còn có nhiều tiết mục như: Song lân du hành, tam lân chúc phúc, tứ linh hội tụ, ngũ phúc phát tài, múa rồng, trống hội...
Võ thuật là nền tảng cơ bản để các vận động viên múa được lân sư rồng. Phải có sức khỏe, sự dẻo dai, làm chủ và điều chỉnh tốt các chuyển động của cơ thể mới múa được lân sư rồng. Các thành viên phải khổ luyện từ những động tác cơ bản như đứng tấn đến các động tác phức tạp như bê, đỡ, những phần biểu diễn có hồn, thực sự mang lại hào hứng cho người xem.
Về nhân sự, các đoàn lân sư rồng hoạt động dưới dạng các CLB sở thích. Ngày thường, những thành viên của các CLB làm công việc của mình. Đến khi chủ nhiệm nhận được show diễn thì sẽ tập hợp để luyện tập và biểu diễn. Các hoạt động này đã tạo sân chơi vui, bổ ích, rèn luyện sức khỏe, lành mạnh và giao lưu học hỏi các kỹ năng trong bộ môn lân sư rồng giữ gìn và phát huy nét phong tục dân gian đặc sắc.
Hoạt động chủ yếu của các đoàn là biểu diễn theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, cơ quan nhân dịp khai trương, khánh thành, động thổ, đón tiếp đại biểu, đám hỏi, ăn cưới, tri ân khách hàng, lễ mừng thọ và phục vụ các chương trình lễ hội, văn hóa, cộng đồng... Bên cạnh việc chú trọng những kỹ thuật hiện đại, điêu luyện, các đoàn đi vào khai thác những nhân vật truyền thuyết dân gian như: Rồng, phượng, Tôn Ngộ Không, chú Tễu, ông Địa, thằng Bờm...
Các đoàn biểu diễn ở nhiều sự kiện văn hóa lớn như: Carnaval Hạ Long, hội xuân Yên Tử, hội đền Cửa Ông, lễ tế đền Xã Tắc; tham gia nhiều sự kiện ở ngoài tỉnh như: Lễ hội Hoa Phượng Đỏ (Hải Phòng), Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), Lễ hội đền Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), đền Phủ Giầy (Nam Định)...
Những màn múa lân sư rồng cùng với những nhân vật dân gian đã làm nên một nét văn hóa đặc sắc ở Hạ Long mỗi dịp Trung thu. Tiếng trống rộn ràng, những con vật huyền thoại, những nhân vật truyềt thuyết với vũ đạo đặc sắc, hòa cùng đèn ông sao đầy sắc màu vẫn tạo ra sự cuốn hút đối với thiếu nhi.
Huỳnh Đăng
- Mưa dông trên diện rộng ở Bắc Bộ kéo dài đến ngày Tết Trung Thu
- Vui Tết Trung Thu
- Tặng quà trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân dịp Trung thu
- Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu
- Đa dạng, phong phú thị trường Tết Trung thu
- Đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm thực phẩm 'bẩn' dịp Tết Trung Thu
- Mẹo ăn bánh trung thu tốt cho sức khỏe
Liên kết website
Ý kiến ()