Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:42 (GMT +7)
Các Bộ, ngành phải giải quyết vấn đề giáo viên, quỹ đất xây trường
Thứ 6, 02/09/2022 | 16:27:49 [GMT +7] A A
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 14/CT-TTg về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông. Trong đó những vấn đề nóng đặt ra đầu năm học 2022 – 2023 như thừa thiếu giáo viên cục bộ, trường học qua tải, phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo… được yêu cầu nhanh chóng có giải pháp.
Khẩn trương tuyển dụng giáo viên, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Chỉ thị nêu rõ, giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, công tác đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên một số địa phương còn nhiều hạn chế. Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục chưa được chú trọng trong các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Tình trạng trường lớp học quá tải vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở các đô thị lớn và các khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như ở các vùng sâu, vùng xa.
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chậm được giải quyết. Để tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp với thực tiễn; bảo đảm nguyên tắc thuận lợi cho việc học của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới giáo dục; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tổ chức sơ kết, đánh giá báo cáo Chính phủ kết quả việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục tại các địa phương.
Nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo giáo viên, có chính sách khuyến khích học sinh giỏi vào ngành sư phạm, tạo môi trường, hệ sinh thái giáo dục phát triển lành mạnh, bình đẳng, sáng tạo, khuyến khích đổi mới sáng tạo phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng vùng miền. Nghiên cứu đề xuất chính sách ưu tiên cho giáo viên vùng sâu vùng xa, những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, bảo đảm hợp lý, không dàn trải.
Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ hàng năm bảo đảm về số lượng và chất lượng; đồng thời có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Rà soát, tính toán nhu cầu giáo viên các cấp học, nhất là với các môn học mới để có phương án bố trí nguồn lực và đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên hàng năm của địa phương.
Bộ Nội vụ trên cơ sở đề xuất của Bộ GD&ĐT về số lượng thừa, thiếu giáo viên của từng trường, từng cấp học, môn học, thực hiện rà soát cơ chế, chính sách phân bổ biên chế giáo viên phù hợp hiệu quả; tuyển dụng theo lộ trình sát thực tiễn, trong đó ưu tiên những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT và các địa phương để xây dựng cơ chế, chính sách, phương án giải quyết, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các khó khăn trong giáo dục; ưu tiên các nguồn lực dành cho phát triển giáo dục và đào tạo, thực hiện đúng quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu".
Bố trí quỹ đất xây trường, lớp
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp với thực tiễn, có các biện pháp, phương án cụ thể giải quyết vấn đề trường, lớp tại từng địa bàn, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, học sinh không để tình trạng gây bức xúc trong nhân dân; bảo đảm trẻ em mầm non, học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.
Đồng thời, tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp mầm non, phổ thông theo quy định, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em mầm non, học sinh phổ thông; thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non, phổ thông ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất; rà soát, kiểm tra các dự án khu đô thị mới, có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dành quỹ đất và xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập để giảm áp lực cho trường mầm non, phổ thông công lập, đặc biệt tại các địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực đông dân cư.
Xây dựng kế hoạch và thực hiện tuyển dụng số biên chế được giao nhưng chưa tuyển dụng và số biên chế được giao bổ sung theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương. Thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức cần có các giải pháp hợp đồng giáo viên theo Nghị quyết số 102/NQ-CP 3/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, phù hợp với đặc điểm từng cơ sở giáo dục, từng địa phương.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các địa phương tăng cường trách nhiệm quản lí nhà nước về lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương, tài liệu tham khảo theo đúng quy định; có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầy đủ, thuận lợi cho học sinh trước khi năm học mới bắt đầu; Chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội để tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em, học sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả, đặc biệt là phòng ngừa tai nạn thương tích, đuối nước, tăng cường giáo dục sức khoẻ tâm thần, tư vấn tâm lý học đường, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh.
Bộ phải nghiên cứu, thí điểm và nhân rộng các cơ sở giáo dục tự chủ và tự chủ một phần nhằm giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục tại những vùng có điều kiện kinh tế thuận lợi.
Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()